Theo dõi trên

Phải tính toán, có kế hoạch chủ động ngay từ đầu vụ

25/07/2017, 09:41 - Lượt đọc: 18

BT- Hiện nay, các nhà vườn trồng thanh long đang thu hoạch chính vụ, chuẩn bị mùa chong điện 2017. Nhưng trước diễn biến phức tạp sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh đốm nâu khiến bà con vô cùng lo lắng. Để tìm hiểu rõ hơn cách phòng trừ bệnh, biện pháp chăm sóc cây thanh long, phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Tân, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (ảnh).

                
Ảnh: N. Lân

Bình Thuận đang bước vào mùa thanh long chính vụ (vụ mùa). Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh trên thanh long khiến sản lượng thấp. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Ông Trần Minh Tân: Thời điểm này, diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm nâu toàn tỉnh 4.897 ha, trong đó nhiễm nhẹ 3.791 ha, nhiễm trung bình 885 ha, nhiễm nặng 221 ha, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 1.824 ha. Bệnh phát sinh gây hại tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, thị xã La Gi, Hàm Tân, TP. Phan Thiết, Tuy Phong. Nguyên nhân, trước hết do nông dân khai thác vụ điện nhiều lần, dẫn đến cây suy yếu, kiệt sức. Bà con chưa nắm vững quy trình điều khiển chồi non thanh long theo ý muốn, đó là lứa chồi đầu tháng 10 – 11, lứa chồi đầu tháng 1 đến tháng 2. Đây là những lứa chồi quyết định năng suất, sản lượng của vụ chính kể cả vụ điện sắp tới. Ngoài ra, do quy trình chăm sóc, bón phân chưa tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và “4 nhìn” nên sức khỏe của cây thanh long kém dẫn đến năng suất thấp.Tình hình dịch hại vụ chính cũng rất phức tạp, khó phòng trừ, quản lý. Đặc biệt bệnh đốm nâu, thán thư, thối đầu trái, chín đầu trái, bọ trĩ…

Được biết giá thanh long gần đây ở mức khá cao, từ 10 – 14 ngàn đồng/kg, không ít hộ dân đã khai thác quá mức khiến thanh long suy kiệt, ảnh hưởng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ông đánh giá gì trước thực trạng này?

Đối với nhà vườn trồng thanh long, khi giá cả thị trường cao, để tăng thu nhập, nhà vườn bằng mọi cách tăng số lượng lứa trái, thậm chí trong vụ điện (từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau) chỉ có 8 tháng mà chong đến 3 lứa điện, thậm chí nhiều vườn thu hoạch tuần này, tuần sau đã chong điện tiếp, dẫn đến cây không phục hồi kịp, cây suy kiệt, rễ bị hư, teo tóp cành.

Theo quan điểm cá nhân tôi, một năm chỉ chong 2 lần điện, phải lấy được 2 lứa chồi non (vào đầu và giữa mùa khô) thì thanh long mới khỏe, phát triển bền vững. Muốn vậy chúng ta phải thực hiện việc tuyên truyền, tập huấn, hội thảo, làm mô hình để tất cả các nhà vườn trồng thanh long đều biết áp dụng. Đặc biệt đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật về bón phân, thuốc bảo vệ thực vật mới nhất áp dụng vào sản xuất thanh long theo hướng an toàn, hiệu quả.

Theo ông, các biện pháp chăm sóc thanh long giai đoạn hiện nay như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất?

Đối với những vườn tơ, dưới 2 năm tuổi, cần phải sử dụng phân bón hợp lý, quản lý tất cả các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh đốm nâu.

Đối với những vườn từ 3 năm tuổi trở lên phải tính toán số lần chong điện, chong mấy lần, chong vào lúc nào, lấy mấy lứa chồi non, 1 lứa lấy bao nhiêu chồi?

Theo thông lệ nhiều năm, chỉ còn khoảng trên dưới 1 tháng nữa là bước vào vụ điện. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều vườn sâu bệnh quá nhiều, bộ rễ bị tổn thương, cành teo tóp, vàng, thối chưa hồi phục kịp. Những vườn này chắc chắn vào vụ điện sẽ không hiệu quả, nếu không chủ động xử lý ngay từ bây giờ để cây hồi phục tốt. Đó là: Quản lý cỏ dại, tiêu thoát nước, vệ sinh tiêu hủy nguồn bệnh (đặc biệt bệnh đốm nâu), sau đó xử lý bộ rễ để phòng trừ bệnh, tuyến trùng để phục hồi bộ rễ, tiến hành bón phân, chăm sóc – luôn luôn chú ý kiểm tra độ pH của vùng rễ thanh long, độ pH hợp lý từ 4,5 – 7. Nên chọn các loại phân bón thương hiệu uy tín. Chọn các loại phân phù hợp vùng đất thanh long của mình, liều lượng và số lần bón tuân thủ khuyến cáo đã ghi trên bao bì…

Khuyến cáo của ngành chức năng đối với nông dân trong mùa thanh long chong điện sắp tới?

Theo kinh nghiệm tổng kết của nhiều vườn, nhiều năm có thể áp dụng:

Xử lý nấm rễ, tuyến trùng bằng Stop 5SL hoặc Eddy 72WP, Maxfos. Theo liều khuyến cáo, trước khi xử lý phải cào rơm ra. Sau khi đã xử lý thì để 3 – 4 ngày mới bón phân, loại phân có thể sử dụng: super techmo, lân phosphorite, lân maxi – P, NPK hữu cơ con ó, Daito Humix thanh long 1… Nếu cành chưa đủ chuẩn thì trước khi chong điện 10 – 15 ngày, phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 5 – 7 ngày bằng các loại phân như sau:Hydrophos + HK 7.5.44 Te, Hydrophos + Nutac super K, Hydrophos + Multipholate…

Những vườn tơ, vườn quá tốt không cần phun các loại phân bón trên. Sau khi thanh long đã ra nụ, búp, hoa, quả nên chăm sóc theo quy trình Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã phổ biến.

KiỀu HẰng (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phải tính toán, có kế hoạch chủ động ngay từ đầu vụ