Theo dõi trên

Nước mắt… thú rừng

30/03/2017, 08:46

 Bài 1: Đuổi cùng diệt tận

BT- “Những năm trước thú rừng ở đây nhiều vô kể, vào rừng tha hồ nghe chim kêu vượn hót, thú rừng chạy lạo xạo, vì vậy chỉ cần đặt bẫy sau một buổi là “thu hoạch”. Nay ở những khu rừng thưa không thấy bóng dáng con thú nào nên các nhóm thợ săn phải đặt bẫy ở rừng sâu hơn”…

Rừng thưa… tĩnh lặng

Vô tình quen được Tuấn, một thợ săn thú rừng điêu luyện ở huyện Đức Linh. Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng chàng thanh niên này có hơn 5 năm kinh nghiệm trong nghề. Khi chúng tôi tò mò hỏi về nghề săn thú rừng, Tuấn bảo anh đã từng có thời gian xem rừng là nhà, mọi ngõ ngách, thói quen của từng loài vật hay cách bẫy thú, anh đều thuần thục. Tuấn bỏ học khá sớm, theo thanh niên địa phương vào rừng kiếm sống. Tuấn cho biết có rất nhiều nhóm thanh niên làm nghề này, việc săn thú rừng ngoài mục đích vì tiền thì được “sở hữu” một loài động vật quý hiếm còn là thành tích để mọi người khoe mẻ với nhau, qua đó phần nào thể hiện bản lĩnh của “thợ săn”. Từng háu thắng như thế nên ai đặt mua con gì, từ cheo, nhím, khỉ, sóc, voọc, dúi, nu, cù lần, kỳ đà, đến tê tê, heo rừng, đại bàng, rắn hổ chúa… Tuấn đều săn được.

                
Nhiều nhóm thanh niên địa phương khoe thành    tích “thợ săn” của mình.

Tuấn hào hứng kể: “Mỗi chuyến đi rừng thường mất 2 - 3 ngày, tụi em phải luồn lách hết khu rừng này đến khu rừng khác, di chuyển liên tục nên phải đem theo lương thực nấu ăn tại chỗ. Nếu không quen đường, thợ săn có thể sẽ bị dính bẫy do nhóm khác cài sẵn”. Rồi giọng Tuấn chùn xuống: “Giờ em bỏ nghề rồi, thợ săn đi rừng mà thấy người lạ họ đề phòng lắm, vì phải trốn kiểm lâm”. Lúc hứng chí, Tuấn còn cho chúng tôi xem những hình ảnh thời “anh đặt bẫy đâu là trúng đấy”.  Rất nhiều thú rừng đã sập bẫy như sóc, diều hâu, rắn đến các loài chim mà cả người đi săn cũng không rõ có con vật nào nằm trong Sách đỏ.

Bất chấp lệnh cấm, nhiều động vật hoang dã đã bị nhiều nhóm thợ săn đánh bắt, mua bán và giết thịt. Khu vực mà các nhóm thợ săn ở hai huyện Tánh Linh, Đức Linh nhắm đến là rừng Tà Pứa, Mê Pu, rừng cấm Cát Tiên (thuộc tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai). Ánh mắt nhìn xa xăm như hồi tưởng lại một thời “hoàng kim”, Tuấn nói: “Những năm trước thú rừng ở đây nhiều vô kể, vào rừng là tha hồ nghe chim kêu vượn hót, thú rừng chạy lạo xạo, vì vậy chỉ cần đặt bẫy sau 1 buổi là thu hoạch. Nay ở những khu rừng thưa không thấy bóng dáng con thú nào hết nên các nhóm thợ săn phải đặt bẫy ở rừng sâu hơn”. Do khan hiếm nên những loài thú quý hiếm được các nhà hàng, quán nhậu thu mua có giá trị rất cao. Khi chúng tôi dò hỏi dân địa phương mới hay họ không lạ gì những nhóm thợ săn này, khi ngày nào cũng thấy họ chở từng bao hàng đến điểm thu mua. Anh H.A.D (xã Vũ Hòa) ngậm ngùi: “Rồi đây thú rừng sẽ bị cạn kiệt khi con người đuổi cùng diệt tận… Chúng tôi biết khá rõ từng nhóm thợ săn, săn ở rừng nào, bán sản phẩm ở đâu nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ bị trả thù”.

 Mua thịt rừng… dễ như mua rau!

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm mua thịt rừng về ăn, Tuấn cười bảo: “Ở xứ núi này, người dân đa phần đều dùng thịt rừng, nên việc mua thịt rừng… dễ như mua rau!”. Có lẽ với dân địa phương thì việc ấy dễ thật vì chúng tôi hỏi bất cứ ai, họ cũng có thể kể vanh vách những địa điểm chuyên mua bán thịt rừng. Tuy nhiên, khi người lạ như chúng tôi tìm mua thì các điểm bán đều tỏ ra cảnh giác. Trước khi quen Tuấn, chúng tôi còn lạ lẫm nơi vùng đất có thời tiết khá khắc nghiệt này. Hôm chúng tôi đến, nắng hừng hực nơi đỉnh đầu, gió tháng 3 bắt đầu rát bỏng. Len lỏi khắp các chợ Mê Pu 1, Mê Pu 2 tìm hỏi mua thịt heo rừng, chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu của các tiểu thương nơi đây. “Bán thịt rừng sẽ bị kiểm lâm bắt, nên không ai dại gì đem ra chợ bán cả. Anh chị muốn mua thì tôi chỉ chỗ cho”- một người phụ nữ bán cá đồng nhiệt tình mách nước cho chúng tôi.

Lần theo địa chỉ, chúng tôi tìm đến nhà của bà Nhàn (xã Mê Pu) vốn là địa chỉ quen thuộc cho những ai cần thịt rừng. Người phụ nữ hơn 50 tuổi nhìn chúng tôi với vẻ dè chừng khi chúng tôi hỏi mua nu rừng. Sau khi biết chúng tôi được tiểu thương ở chợ Mê Pu giới thiệu, khuôn mặt người phụ nữ mới giãn ra và bắt đầu “tiếp thị” với giọng xứ Quảng đặc trưng nơi vùng núi: “Anh cần mua nu à? Chiều nhóm thợ săn mới mang đến. Hiện tại chỉ còn heo rừng, voọc, nai đông lạnh và rắn thôi. Mùa này không có chim, thỏ đâu.  Nếu anh muốn đặt thêm con gì thì dặn trước 2 ngày, tôi sẽ kiếm hàng cho”. Chúng tôi vờ hỏi mua những loài động vật quý hiếm như rắn hổ chúa, chồn bay, voọc xám… đều được bà Nhàn khẳng định chắc nịch sẽ có hàng. “Ở đây thú rừng loại gì cũng có. Anh cần đặt hàng loại nào, nguyên con hoặc vừa săn về được làm sạch sẽ giao thịt tươi luôn. Hầu hết các quán nhậu ở 2 huyện Tánh Linh, Đức Linh đều lấy hàng rừng của tôi”… 

    
      Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong năm 2016 lực lượng chức   năng đã phát hiện và xử lý 3 vụ vi phạm về động vật hoang dã,  tịch thu:   0,4 kg kỳ đà hoa, 1,5 kg rắn ráo trâu, 0,4 kg rùa núi vàng (thuộc nhóm   IIB); động vật hoang dã thông thường 5 kg rắn hổ đất, 6 kg rùa dứa; 36   cá thể khỉ đuôi lợn, 6 cá thể rùa, 8 gà rừng, 6 kỳ đà.

(Còn tiếp)

Nhóm PV

(Tên nhân vật đã được thay đổi)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
La Gi: Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Để lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn, Ban Thường vụ Thị ủy La Gi xác định, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt và có tính quyết định.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước mắt… thú rừng