Theo dõi trên

Những vòng xoay Phan Thiết…

22/11/2019, 08:50

Bài 2: Có một vòng xoay Tượng đài Chiến Thắng

BT- Sau giải phóng 1975, trên con đường quốc lộ thống nhất đi qua Phan Thiết ấy, có một Tượng đài Chiến Thắng vươn cao vẫy chào đoàn xe vào Nam ra Bắc. Và một đại lộ Nguyễn Tất Thành từ tượng đài thẳng xuống Đồi Dương tạo thành một trung tâm Phan Thiết mới…

                
Vòng xoay Tượng đài Chiến thắng. Ảnh: Đình    Hòa

Lần trang sách cũ, ngày 20/10/1898, vua Thành Thái niên hiệu thứ 10 xuống dụ công bố Phan Thiết tách khỏi phủ Hàm Thuận lập thành thị xã cùng với 5 thị xã của miền Trung là Vinh, Huế, Quy Nhơn, Thanh Hóa và Hội An. Đến ngày 28/11/1933, dưới thời thuộc Pháp, Phan Thiết đã được công nhận là thành phố cấp III. Trong bảng phân loại tổng hợp các đô thị Việt Nam kèm theo Quyết định số 132/HĐBT ngày 5/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về phân loại đô thị và phân cấp quản lý đô thị thì đô thị Phan Thiết là 1 trong 18 đô thị của cả nước được xếp loại III. Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của tỉnh, cùng với sự nỗ lực không ngừng của nhân dân và cán bộ Phan Thiết, đến ngày 25/8/1999 Chính phủ đã ban hành nghị định thành lập thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận và công nhận Phan Thiết là đô thị loại II. Trước đó, Phan Thiết đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thị xã (20/10/1898 – 20/10/1998) nhằm tạo động lực tinh thần, phát huy giá trị văn hóa vào công cuộc xây dựng quê hương, động lực đó càng thôi thúc khi ngày 11/6/1999, Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lương vũ trang nhân dân cho quân dân Phan Thiết. Đã 20 năm trôi qua, những người khó tính nhất, năm ấy còn càm ràm “thành phố có khác gì đâu thị xã” thì nay cũng đã vui lên với “phải công nhận thành phố mình ngày càng thay da đổi thịt”.

Có một anh bạn học làm thơ – nhà thơ Nguyễn Như Mây, thơ anh được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, ngôi nhà anh là nơi bạn bè của một thời sinh viên-học sinh với phong trào “Đêm không ngủ - Hát cho dân tôi nghe” ghé thăm mỗi khi có dịp về Phan Thiết, từ Sài Gòn, Cần Thơ ra, Huế vào, Đà Lạt xuống và cũng là nơi bạn thơ, bạn học Phan Thiết lui tới, ngôi nhà đầy kỷ niệm trước và sau 1975. Ngôi nhà ấy ở góc phố giao nhau của đường Lê Hồng Phong và đường Cao Thắng, nhìn qua bên kia đường là nhà ga xe lửa Phan Thiết, được xây dựng từ lúc chính quyền Pháp mở mang thị xã. Đường Lê Hồng Phong chính là con đường quốc lộ 1 ngày trước chạy xuyên qua Phan Thiết. Còn đường Cao Thắng nguyên gốc là đường ray xe lửa chạy tiếp từ ga Phan Thiết xuống Bình Hưng, chỗ chùa Bình Quang ni tự bây giờ. Nghe các cụ cao niên kể lại rằng nơi đó có nhà máy cá hộp của Pháp mà dân gian thường gọi là xưởng “cá bạc” và một bãi chất đống tĩn nước mắm của mấy nhà lều xung quanh, xe lửa xuống đó chất đầy cá hộp và nước mắm rồi kéo chạy lên ga Mương Mán, vào Nam ra Bắc phân phối cho quân đội Pháp trên toàn cỏi Đông Dương!?. Và nơi đó hình thành lên một cái chợ có tên là chợ Thiết, có người nói Thiết là do hộp cá làm bằng thiết, cũng có người “hay chữ” nói Thiết là thiết lộ (đường sắt), không biết nghe ai, chứ cái chợ chính là chợ Làng nằm ở dưới Hưng Long. Sau năm 1954, quân đội Pháp rút về nước, đoạn đường xe lửa đó được lấp đi bằng con đường tráng nhựa được đặt tên là đường Cao Thắng…

Bây giờ thì nhà ga được dời lên trên Đại Nẫm (tên mới là xã Phong Nẫm), rồi từ trên đó làm một đại lộ về lại khu vực ga cũ nhập vào đường Cao Thắng xuống tới Bình Hưng, giao nhau với đường Trần Hưng Đạo và đại lộ Nguyễn Tất Thành hình thành một vòng xoay Tượng đài Chiến Thắng. Đó là đại lộ Lê Duẩn, đại lộ mở ra, hơn ai hết, bà con xóm ruộng Lũy và xóm Ga dọc đường xe lửa của phường Phú Trinh mừng hết biết. Bởi cái xóm ruộng Lũy có từ thời “đào hào đắp lũy” cho phủ thành Hàm Thuận và xóm Ga có từ thời làm đường xe lửa bít bùng quanh năm ẩm thấp nay đã trở thành “mặt tiền”. Song, ngôi nhà anh Mây nằm trong quy hoạch phải giải tỏa trắng, anh năm nay đã “thất thập…”, lại phải làm nhà mới. Vậy mà hôm gặp anh vẫn nụ cười vui vẻ: “Phải công nhận cái vòng xoay tượng đài hôm nay thiệt đẹp”. Tôi biết anh nói thật lòng bởi tôi biết lòng anh mãi mặn mà với quê nhà như câu thơ anh viết:

Phan Thiết là của tôi

Bữa cơm ăn ngoài trời

Chén mắm thôi, cũng đã…

Tôi cũng có nhiều kỷ niệm “dữ dội” của tuổi học trò tiểu học ở khu vực này. Đó là vào mùa mưa dầm tháng bảy, tháng tám ta, nước ở khu vực ruộng Lũy và xóm Ga tràn qua đường ray xe lửa, rồi theo chỗ trũng ở giữa 2 thanh ray mà chảy tới đầu đường Cao Thắng, lúc này không còn là đường ray mà là đường tráng nhựa, nước theo mép lề đường mà chảy xuống Bình Hưng vào mấy đám ruộng trũng, nay là khu vực sau lưng Tượng đài Chiến Thắng. Theo quán tính tự nhiên, từng đàn cá tràu, cá rô bao tháng tù túng trong ruộng Lũy nay đi theo dòng nước mà trườn xuống và lũ học trò chúng tôi cứ chạy theo mà chụp. Mấy đám ruộng đất cát đó cũng có trồng lúa, năm được năm không, tùy vào mưa nhiều mưa ít. Cái chính là hết mùa mưa khoảng tháng mười ta nước rút đi, người ta lên giồng trồng khoai lang, qua tết thì khoai đã lớn và lũ học trò chúng tôi theo câu nói “nhất quỷ nhì ma” nên cũng có đôi lần đào trộm, không nhiều, chỉ đủ một nồi của một đêm tụ tập. Khoai lang đào đi rồi thì mấy đám ruộng đó trở thành sân đá banh, đã có bao trận thư hùng quần thảo giữa đội xóm Nhà Đèn băng qua đường Cao Thắng mà ra, với đội xóm Mới - Bình Hưng kéo qua và đội xóm Khoai - Hưng Long băng động cát mà lên. Qua mấy đám ruộng trũng đó thì lên một cái động cát trắng cao cao (năm 1972 đã ủi bang ra làm đường Trần Hưng Đạo), trên đó có một cái trại làm giá nên chúng tôi cứ gọi là Động Giá (như bên Phú Trinh), ông chủ trại là một người cao to mà chắc cả Phan Thiết xưa kia ai cũng biết đến, bởi ông là người thủ múa trái châu trong đoàn múa rồng mỗi kỳ chùa Ông đáo lệ “Nghinh Ông”. Ông múa đẹp như đi một bài quyền binh khí, bởi ông có đôi chân dẻo dai của một người hàng ngày gánh nước băng lên động cát mà tưới giá. Bên cạnh trại giá với bốn bề động cát đó có một ngôi chùa thuở trước xóm làng gọi là “chùa thầy Sư Huệ”, nay là chùa Bửu Quang, thầy Quế trụ trì…

Thuở ấy chúng tôi còn nhỏ, sau ngày giải phóng, anh Nguyễn Việt Hữu là một người anh của xóm Khoai ở “rừng” về, bên em cháu sum vầy anh mới kể chuyện chính từ ngôi chùa Bửu Quang này vào năm 1963 người em ruột của anh là anh Nguyễn Hữu Nghị ẩn náu trước khi lên đường tham gia quân giải phóng. Rồi 5 năm sau, hai anh em cùng về trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968…

…Trong đợt 1 do hiệp đồng thiếu chặt chẽ, nên đánh không thành công, lực lượng phải lui ra để củng cố. Bước vào đợt 2, ở cánh 1, Tiểu đoàn 840 Quân khu 6 được tăng cường c3/481 Thị đội Phan Thiết và c3/482 Tỉnh đội Bình Thuận, có nhiệm vụ từ hướng Đông vào đánh chiếm Tòa hành chính tỉnh và Lao xá. Anh Nguyễn Việt Hữu là cán bộ Đội công tác vũ trang Bình Hưng – Hưng Long có nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội. Còn anh Nguyễn Hữu Nghị thuộc c3/481 làm Mũi phó do anh Nguyễn Văn Định - đại đội phó c3/d840 làm Mũi trưởng của 1 trong 2 mũi xung kích... 18 giờ ngày 17/2/1968, Tiểu đoàn 840 xuất phát, vượt qua sông Phú Hài (Lại An hạ), 22 giờ chiếm lĩnh động Cây Cám, 24 giờ tiếp cận xóm Khoai… Các anh tiến quân trên con đường của xóm làng từ xóm Khoai nhắm chùa Bửu Quang đi tới. Đúng 1 giờ ngày 18/2 toàn cánh nổ súng… Bão lửa trùm xuống cả khu vực Tòa hành chánh tỉnh, Ty công chánh, Ty cảnh sát, Tiểu khu Bình Thuận… Đánh chiếm toàn bộ Lao xá Pagode, giải thoát cho trên 700 đồng bào và chiến sĩ bị địch giam giữ tại đây… Nhân đây xin “ăn cơm mới nói chuyện cũ” một chút, vì sao có tên Lao xá Pagode, đó nguyên là một ngôi chùa, thời Pháp chiếm đóng buộc phải dời đi để làm lao xá giam giữ tù nhân, trong dân gian gọi là Lao xá Pagode, theo nghĩa tiếng Pháp pagode là ngôi chùa, nay là khu vực cơ quan Công đoàn tỉnh.

…Năm 1970, đồng chí Minh Mai - Thị ủy viên hy sinh, anh Nguyễn Việt Hữu được phân công làm Đội trưởng Đội công tác Bình Hưng - Hưng Long. Lúc này Đội công tác chỉ còn 3 người: anh Hữu, anh Nghị và anh Thọ. Một lần một mình về quê xóm Khoai để đột ấp Vĩnh Thủy, không may anh Nghị đã hy sinh, sau đó thì anh Thọ cũng hy sinh. Đội công tác chỉ còn một mình anh Hữu. Rồi cái đêm vượt lộ 8 ở cây số 6 Cây Trôm, các chiến sĩ C3/481 và Đội công tác mới bổ sung bị địch phục kích đánh tan tác. Rất may là anh Hữu còn sống sót, một mình mang 5 khẩu súng tìm đồng đội giữa đêm khuya và lần mò về lại căn cứ ở Ngã ba Đợi Chờ, gần Giồng Cầy đi Lò Thổi…        

Từ tổ chức kỷ niệm 100 năm Phan Thiết ấy, nhiều con đường mới được mở ra, nhất là ở hướng Đông thị xã, trong đó có con đường trung tâm khu dân cư Nguyễn Tất Thành (xóm Khoai xưa) nối đại lộ Tôn Đức Thắng với Trần Hưng Đạo (phía sau Co.op Mart Phan Thiết) được đặt tên đường là Mậu Thân. Và nay thì hòa vào vòng xoay Tượng đài Chiến Thắng. Bên cạnh đó hiện ra ngôi chùa có cổng tam quan mở ra hướng mới, bà con Phật tử thuận tiện sớm chiều thắp hương lễ Phật...

Cái vòng xoay mở ra một không gian thoáng đãng như nâng tượng đài cao lên một chút. Tôi lại nhớ đến nhà thơ Lê Xuân với những dòng thơ bay bổng:

Thị xã giữa bình yên

Như con tàu phóng mũi lao ra biển

Tượng đài là cánh buồm

Là mũi tên đồng vút đi trong trận chiến…

Thị xã giữa bình yên

Ta đi dưới Tượng đài Chiến Thắng

Em đặt vòng hoa và thầm lặng

Anh đứng nghiêng mình trước khẩu súng thiêng liêng…

Còn bao người chưa biết đến tên

Đã nằm xuống để tượng đài đứng dậy…

Ghi chép: Võ Ngọc Văn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những vòng xoay Phan Thiết…