Theo dõi trên

Những điểm mới về BHXH thực hiện từ ngày 1/1/2018

13/12/2017, 14:29

 BTO- Luật BHXH sửa đổi năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, trong đó có một số điểm ngày 1/1/2018 mới có hiệu lực thi hành, đó là: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; quy định về tiền lương đóng BHXH đối với đối tượng hưởng lương do Nhà nước quy định và đối tượng hưởng chế độ lương do người sử dụng lao động quy định; ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện; quy định cách tính lương hưu đối với LĐ nam và nữ. Báo Bình Thuận điện tử có cuộc trao đổi với ông Trương Vĩnh Phan, Trưởng phòng quản lý thu và ông Phạm Đình Cang, Trưởng phòng khai thác và thu nợ BHXH tỉnh xung quanh vấn đề này.     

 

 Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 từ ngày 01/01/2018 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng hơn. Vậy cụ thể là đối tượng nào, thưa ông?

Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng. Cụ thể là: Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính Phủ.

Theo ông thì có thực thi không, vì hiện nay các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nhất là doanh nghiệp còn trốn đóng nhiều, nợ BHXH, BHYT chiếm tỷ lệ khá cao?

Thực tế hiện nay, việc chấp hành, tuân thủ quy định pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN trong các doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Nhất là tình trạng doanh nghiệp cố tình nợ đọng, nợ kéo dài hoặc chậm nộp tiền BHXH, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động. Tuy nhiên, cũng đã có những quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

BHXH tỉnh tích cực tham mưu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan như: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổ Công  tác liên ngành của UBND tỉnh đẩy mạnh thực hiện chức năng thanh tra về pháp luật lao động; thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN; kiểm tra, làm việc với UBND các địa phương, các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, đóng không đúng quy định, để nợ dây dưa, kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Qua đó, có các chế tài xử phạt thích đáng đối với các doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền BHXH, BHTN của người lao động. Đồng thời, chỉ đạo Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh hoàn tất các thủ tục khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT. Đây là biện pháp mạnh để xử lý đối với những doanh nghiệp có số nợ BHXH lớn và kéo dài.

Tuy nhiên hiện nay, việc khởi kiện và thi hành án đối với một số doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn nhất là việc khởi kiện đòi hỏi phải do công đoàn cơ sở khởi kiện hoặc người lao động phải có giấy ủy quyền cho tổ chức Công đoàn hoặc công đoàn cơ sở ủy quyền cho công đoàn cấp trên trực tiếp để làm thủ tục khởi kiện chủ sử dụng lao động. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc khởi kiện của tổ chức công đoàn chưa phát huy hiệu quả; mặt khác, các đơn vị để nợ đọng BHXH lại không có tổ chức công đoàn cơ sở, vì vậy không thể ủy quyền cho công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện doanh nghiệp ra tòa; một số chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc âm thầm chuyển nhượng lại doanh nghiệp cùng số nợ; số doanh nghiệp khác nợ BHXH khi bị khởi kiện ra tòa thì không có nguồn tài sản hoặc tài sản chủ yếu là đi thuê dẫn đến kéo dài thời gian thi hành án và việc thu hồi số tiền nợ sau khi khởi kiện không đạt hiệu quả.

Vì thế, người lao động phải mạnh dạn yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; bên cạnh đó tổ chức công đoàn cơ sở phải nâng cao vai trò và phát huy tinh thần, trách nhiệm bảo vệ quyền lợi, tạo thêm niềm tin cho người lao động. Nếu cần người lao động nên ủy quyền cho tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa hành vi cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, BHTN và đẩy người lao động vào cảnh khó khăn.

Từ ngày 01/01/2018 Luật BHXH năm 2014 quy định về tiền lương đóng BHXH đối với đối tượng hưởng lương do Nhà nước quy định và đối tượng hưởng chế độ lương do người sử dụng lao động quy định. Ông nói rõ hơn mức đóng BHXH bắt buộc của từng loại đối tượng?

Trước hết là đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định: Từ ngày 01/01/2018, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc, quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ (hệ số), phụ cấp thâm niên vượt khung (%), phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) (%) trên cơ sở mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ.

Đối tượng đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: Từ 01/01/2018 tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong đó: Mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng. Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương như: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự. Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền lương theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong HĐLĐ. Việc đóng BHXH trên tiền lương thực tế là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí.. mức hưởng sẽ cao hơn.

Vậy luật quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thấp nhất là bao nhiêu và cao nhất là bao nhiêu?

Luật BHXH sửa đổi quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thấp nhất là bằng mức lương tối thiểu vùng và cao nhất là bằng 20 lần mức lương cơ sở.

 Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người làm công việc hoặc chức danh đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Vừa qua có người về hưu hưởng 100 triệu/tháng, vậy có đúng với luật BHXH quy định không?

Hiện nay mức lương hưu cao nhất cả nước thuộc về cựu Tổng Giám đốc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam. Người này hiện đang nhận chi trả lương hưu thường xuyên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Lý giải nguyên nhân trường hợp này được hưởng lương hưu cao, do mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH toàn bộ quá trình làm việc của người lao động đều theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định và luôn đóng BHXH hàng tháng ở mức lương rất cao. Người này có 18 năm làm Tổng Giám đốc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam.

Trong giai đoạn trước ngày 01/01/2007 (ngày Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực thi hành) do pháp luật quy định không khống chế trần tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, nên người lao động này đã được doanh nghiệp đóng BHXH trên nền tiền lương hàng tháng rất cao. Có giai đoạn tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH cao nhất lên tới 249 triệu đồng.

 Giai đoạn từ sau ngày 01/01/2007, do Luật BHXH có quy định khống chế mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở), nên người lao động này đóng BHXH trên nền tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH dao động thấp nhất là 9 triệu đồng và cao nhất là 23 triệu đồng.

 Theo quy định của chính sách, pháp luật về BHXH, khi tính lương hưu cho những người nghỉ hưu trong năm 2015 thì tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ quy định cho từng năm đã đóng BHXH (trong đó thời điểm trước năm 1995 với hệ số là 4,26; các năm từ năm 1996 trở đi theo hệ số thấp dần).

Do đó, với tiền lương đóng BHXH cả quá trình rất cao như trên chia bình quân cho 279 tháng đóng BHXH thì người lao động có mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu là 140.837.530 đồng. Lương hưu được hưởng = 140.837.530 đồng x 62% = 87.319.268 đồng/tháng. Qua hai lần được Nhà nước quy định điều chỉnh lương hưu (năm 2016 tăng 8%, năm 2017 tăng 7,44%), đến nay, mức hưởng lương hưu của trường hợp này là 101.321.000 đồng/tháng.

Như vậy, trường hợp này tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH rất cao trong nhiều năm (đặc biệt là 15 năm trước ngày 1/1/2007) nên khi nghỉ hưu được hưởng lương hưu cao là đúng nguyên tắc, đóng nhiều – hưởng nhiều.

Từ ngày 01/01/2018 Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ tiền cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Ông nói rõ hơn mức hỗ trợ cụ thể và phương thức hỗ trợ như thế nào?

Từ ngày 01/01/2018, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: 

+ Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;

+ Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;

+ Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

- Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

 - Phương thức hỗ trợ:

 + Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu;

+ Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ (mẫu D06-TS), gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH.

Giả sử một người đã đóng BHXH bắt buộc 16 năm đến tuổi được nghỉ theo chế độ và họ tự nguyện đóng BHXH 4 năm còn lại để đủ 20 năm hưởng lương hưu, vậy mức hỗ trợ thế nào?

Từ ngày 01/01/2018:

+Đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo:

Mức hỗ trợ =

Mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn

x 30% x 48 tháng

+ Đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo:

Mức hỗ trợ =

Mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn

x 25% x 48 tháng

 + Đối với các đối tượng khác:

Mức hỗ trợ =

Mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn

x 10% x 48 tháng

  Được biết, năm 2018 lao động nữ đến tuổi nghỉ hưu phải có thời gian đóng BHXH 30 năm mới được hưởng đủ 75% mức lương; lao động nam đủ tuổi nghỉ hưu phải có thời gian 31 năm đóng BHXH mới được hưởng 75%. Quy định như vậy có thiệt thòi cho lao động nữ không, vì nếu đóng đủ 25 năm BHXH nghỉ hưu 2017 được hưởng 75% nhưng nghỉ năm 2018 sẽ bị trừ 10% tức là chỉ được hưởng 65% mức lương, những bất hợp lý đó có được điều chỉnh không?

Quy định cách tính lương hưu đối với LĐ nữ từ ngày 1/1/2018 trở đi là quy định mới, từ năm 2003, khi Chính phủ sửa đổi Điều lệ BHXH theo Nghị định số 01/2003/NĐ-CP thì cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với LĐ nữ mới thay đổi theo công thức: 15 năm đầu đóng BHXH tính bằng 45%; mỗi năm đóng BHXH tiếp theo được tính thêm 3%; tối đa là 75%.

Còn về việc xử lý sự chênh lệch về cách tính lương hưu giữa lao động nam và LĐ nữ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật BHXH, sẽ tham mưu cho Chính phủ tính toán, cân nhắc các giải pháp nhằm đảm bảo nguyên tắc: Không để LĐ nữ thiệt thòi; thực hiện có lộ trình; theo nguyên tắc đóng - hưởng; tạo điều kiện cho quỹ BHXH ổn định, phát triển bền vững và không gây bức xúc trong xã hội.

 Trong tháng 10 vừa qua, tại cuộc họp với Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) bàn các phương án xử lý chênh lệch về cách tính lương hưu giữa lao động nam và LĐ nữ, đại diện BHXH Việt Nam đã đề xuất phương án áp dụng lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu đối với LĐ nữ trong 5 năm như sau: 15 năm đầu đóng BHXH tính bằng 45%. Sau đó: Nghỉ hưu năm 2018: 8 năm tiếp theo, mỗi năm tính thêm 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%. Nghỉ hưu năm 2019: 6 năm tiếp theo, mỗi năm tính thêm 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%. Nghỉ hưu năm 2020: 4 năm tiếp theo, mỗi năm cộng 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%. Nghỉ hưu năm 2021: 2 năm tiếp theo, mỗi năm cộng 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%. Nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi, các năm tiếp theo mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%. (chưa có văn bản chính thức)

 Theo phương án này, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75% thì LĐN nghỉ hưu trong năm 2018 phải có 26 năm đóng BHXH;  nghỉ hưu trong năm 2019 phải có 27 năm; trong năm 2020 là 28 năm; năm 2021 là 29 năm; từ năm 2022 trở đi là 30 năm.

 Như vậy, phương án này hoàn toàn tương đồng với lộ trình thay đổi cách tính lương hưu như đối với lao động nam. Nghĩa là khi kết thúc lộ trình vào năm 2022, để đạt được tỷ lệ hưởng 75% thì cả lao động nam và nữ đều phải có số năm đóng BHXH tăng thêm 5 năm (mỗi năm tăng thêm 1 năm đóng). Đồng thời, đảm bảo tính hài hòa trong quá trình cải cách chính sách.

Xin cám ơn ông Trương Vĩnh PhanPhạm Đình Cang

LÊ THANH ( thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điểm mới về BHXH thực hiện từ ngày 1/1/2018