Theo dõi trên

Nhiều chính sách phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

25/02/2020, 08:59 - Lượt đọc: 12

BT- Nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành để đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm để đầu tư cho phát triển bền vững. Bởi lẽ hiện nay vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vẫn là vùng còn rất nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, kinh tế - xã hội phát triển chậm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp, từ đó tỷ lệ hộ nghèo cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó phần lớn là do vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có địa hình chia cắt, kết cấu hạ tầng kém, xuất phát điểm thấp, chi phí cho sản xuất và lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội… Chính vì thế rất cần sự đầu tư công để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện vùng này. Nhìn lại toàn cảnh của quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh năm 2019 có rất nhiều khởi sắc. Theo đó, tình hình sản xuất và đời sống đồng bào ổn định, cơ bản đã giải quyết lương thực tại chỗ, chấm dứt tình trạng đói giáp hạt. Đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tốt, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng được tăng cường, hạn chế được nạn phá rừng làm rẫy. Các cấp, các ngành đã quan tâm triển khai thực hiện các hoạt động thể thao, lễ hội truyền thống các dân tộc, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Đến nay, 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền thanh, 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 17/17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa, 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Công tác giáo dục có nhiều chuyển biến rõ nét, hệ thống trường, lớp từ mầm non đến trung học phổ thông được đầu tư nâng cấp, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học được nâng lên, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm. Mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm củng cố, tăng cường và cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại chỗ. Chương trình y tế quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Đặc biệt công tác giảm nghèo được chú trọng. Bằng các giải pháp tích cực lồng ghép các chính sách của Trung ương và địa phương, trong những năm qua công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đầu năm 2019, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 2.327 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,04% và 3.177 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 13,71% so tổng số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2019 kết quả giảm nghèo được 734 hộ, tương ứng giảm 3,34%/năm. Kết quả đó được ghi nhận bởi các chương trình dự án được triển khai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong năm qua đó là: Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020. Triển khai thực hiện Chương trình 135 năm 2019 trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí được giao 18.315 triệu đồng, trong đó, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng 14.554 triệu đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo 3.260 triệu đồng…

 Thực hiện hỗ trợ đầu tư dự án định canh định cư tập trung khu Saloun, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc và hạ tầng kỹ thuật khu định canh định cư tập trung thôn 1, xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh. Tiếp tục thực hiện việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số với diện tích 86.252,59 ha/2.381 hộ. Ngoài ra, UBND tỉnh còn phân khai chi tiết nguồn vốn hỗ trợ chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019 với việc đầu tư 8 công trình tổng kinh phí 5.000 triệu đồng.

Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời gian tới được tốt hơn đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải tăng cường công tác quản lý để phát huy hiệu quả cao nhất đối với các công trình đã đầu tư trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số. Tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện tốt chính sách đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển nhằm cung cấp kịp thời giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện phát triển sản xuất cho vùng dân tộc thiểu số. Hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, phù hợp trên từng địa bàn. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách về phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều chính sách phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số