Theo dõi trên

Nhạt lòng… muối mặn

25/05/2018, 10:10

BT- Đời diêm dân như một chấm đen nhỏ nhoi giữa những ô vuông của ruộng muối trắng xóa. Nắng cháy cả vùng khát, vậy mà họ vẫn cứ buông mình cào hết những vuông muối đã thành hình, nhưng miệng vẫn luôn cười cười nói nói, giữa trời chan chát nắng…

                
Diêm dân không còn “mặn” với nghề muối.

Muối reo!

Bây giờ nhắc đến muối, diêm dân chắc ít ai còn mặn mà. Chẳng phải người ta không còn biết cách làm muối phổ thông như thuở trước, mà vì sản phẩm ấy giờ rẻ mạt. “Được mùa, mất giá”, điệp khúc ấy cứ quẩn quanh bám lấy diêm dân. Một thời, nhiều hợp tác xã (HTX) muối ăn nên làm ra, sống được và an nhiên. An nhiên trong lao động, trong những thời điểm thu hoạch đông đúc nói cười.

Bây giờ nói đến muối, chỉ còn lại HTX muối Tân Thuận, Chí Công nhưng chẳng nhiều. Nhiều năm rồi, muối thất, mất trắng bởi mưa trái mùa, giá cả thị trường và bởi cả lòng diêm dân gần như đã nhạt với nghề. “Năm nay thu hoạch được nhưng giá cũng không cao 1.000 – 1.100 đồng/ký. Thôi kệ, trời thương không mưa là được, chứ mưa coi như tiêu luôn” - ông N.V.T vừa cười, vừa nói vừa dùng những mũi lẹm khâu bao thoăn thoắt, cho kịp chuyến xe tải đưa đi.

Cả khu muối Tân Thuận bạt ngàn, giờ hiu hắt vài vuông muối, mười mấy con người đang tập trung cào, xúc, cân đong cho vào bao để chuyển đi giữa buổi trưa đứng bóng. Cánh đồng muối Tân Thuận không có một bóng mát che  thân, nhưng nụ cười vẫn vui vẻ, đôi tay vẫn thoăn thoắt. “Sao chú đi làm gì mà đứng bóng vậy?”- Tôi cười vì dường như ở họ khó khăn đã thành bình thường và chẳng có gì ghê gớm. Trên những vuông muối trắng xóa kia, mồ hôi bao con người cũng chẳng vơi được nét đôn hậu của nông dân. “Hiện nay có gần 180 HTX nhưng chỉ có HTX muối ở Tân Thuận, 1 tổ hợp tác ở Chí Công. HTX Tân Thuận thì năm nay không làm, vì năm trước đã thất. Diêm dân giờ không còn mặn mà với nghề muối. Đầu tư nhiều nhưng giá thành sản phẩm thấp, thị trường muối cũng không còn sôi động, nên ít nhiều họ muốn bỏ nghề qua nuôi trồng thủy sản”- ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết.

HTX muối Tân Thuận ngưng sản xuất cũng phải, bởi nhiều năm liền sản xuất muối rơi vào tình trạng lỗ nặng. Thời tiết chẳng cân phân nên thất bát liên tục. Họ chùn chân, chạnh lòng cũng phải. Thời tiết hay cứ thử thách lòng dạ con người. 2 năm trước, muối trở thành nỗi ám ảnh. Nhiều hộ buông bỏ, HTX muối lâu đời như Tân Thuận cũng không sản xuất. Muối năm nay lại được, giá cũng khá hơn nhờ thời tiết thuận lợi và lao động chăm chỉ của diêm dân.

 Lối đi nào cho muối?

Thật là mừng, khi bà con diêm dân có một mùa muối đạt năng suất. Nhưng đâu đó, trong từng ký muối được đưa đến người tiêu dùng, mang vị mặn của mồ hôi người diêm dân. Làm cầm chừng, thu hoạch xong giá nào cũng bán. Đó cũng là lý do khiến không ít hộ dân từ bỏ. Cả xã trong năm nay, chỉ còn 5 hộ sản xuất muối. Người làm công về muối thu nhập cũng rất thấp, công lao động chỉ vỏn vẹn 124.000 đồng/ngày. Thử hỏi không khó khăn sao được?

                
Sau khi thu hoạch muối, người dân đóng bao    để bán.

Đa phần dân làm muối đều vướng vào chữ nghèo. Muối làm theo mùa, làm rồi cũng chưa biết có thu được. Nhiều khi, chỉ cần một trận mưa khi sắp thu hoạch là coi như đi đời vốn liếng. Cả một đời làm muối, giờ bỏ ngang chuyển đổi chăn nuôi, trồng trọt cũng chẳng dễ, vốn lớn, cũng may rủi, cũng dịch bệnh. Nghề muối chẳng thể giàu có mà chỉ là sống tạm vì lỡ vướng nghiệp diêm dân. Riêng HTX muối Thanh Phong, do ảnh hưởng của mùa vụ năm 2016 - 2017 mưa nhiều và kéo dài đã ngưng sản xuất. Thành viên HTX lơ luôn chuyện làm muối. “Thực tế, chính quyền địa phương đã làm việc với HTX hiểu những khó khăn hiện nay của chính HTX khi phải gồng gánh bộ máy cồng kềnh, với 151 thành viên trên diện tích 22 ha. Nên năm nay chỉ có các hộ tư nhân tự sản xuất vì là nghề lâu năm của họ với khoảng 40 ha” - ông Nguyễn Ngọc Loan – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận, cho biết.

Đến thời điểm này, sản lượng muối thu hoạch được hơn 4.500 tấn, giá xuất bán muối thô chỉ tầm 1.000 đồng/kg. “Tuy nhiên, năm nay hộ dân làm sẽ có lãi, dù giá thành không cao. Phía UBND xã cũng có hướng đi cho muối và sắp tới tại địa phương sẽ có Công ty chế biến, thu mua và sản xuất muối Gia Thịnh đi vào hoạt động. Có thể đây sẽ là cứu cánh giúp cho bà con diêm dân ổn định và yên tâm sản xuất”- ông Loan nói. Muốn hay không nghề muối cũng đã từng là một trong những ngành nghề gắn bó với nông dân. Những năm trước, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã hỗ trợ và đầu tư vốn nông nghiệp đặc biệt cho muối như trải bạt, đầu tư cơ sở hạ tầng, làm kênh mương bổ sung cho HTX muối, hỗ trợ máy lọc muối, nhưng có lẽ đó chưa phải là giải pháp căn cơ cho muối.

Muối thì mặn, mà lòng người diêm dân cứ nhạt, dù họ vẫn phải gắn với nghề. Bao năm rồi, diêm dân hay ngư dân đâu cũng sẽ có những người trở thành tỷ phú, khá giả nhưng cũng không ít trong số họ trắng tay. Họ cứ miệt mài trên những vuông muối, để mồ hôi rớt xuống hòa tan vào dòng nước hình thành những hạt muối trắng tinh, vậy mà, chẳng bao giờ khá!          

 Phóng sự: Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đức Linh cần tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển toàn diện
BTO-Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh, diễn ra sáng 25/4. Dự làm việc còn có đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạt lòng… muối mặn