Theo dõi trên

Nguy cơ sạt lở gia tăng: Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển

18/12/2018, 08:39 - Lượt đọc: 29

BT- Mới đây ảnh hưởng bão số 9, triều cường đã uy hiếp nhiều khu vực du lịch, dân cư ven biển trên địa bàn tỉnh. Nhiều khu du lịch ven biển Hàm Tiến, TP Phan Thiết như Biển Xanh, Làng Tre, Làng Sen, Rạch Dừa sóng lớn đã gây sạt lở gần 2 km, các chủ cơ sở dùng bao cát, vải bạt đắp kè khắc phục tạm, che chắn trang thiết bị bên trong. Khu vực dân cư ven biển Tiến Thành không tránh khỏi biển xâm thực. Một góc kè bảo vệ bờ biển Phước Thể, Tuy Phong cũng bị sóng đánh sụp… Tình trạng như vậy đã diễn ra hàng chục năm nay trên nhiều địa bàn khác nhau, gây thiệt hại không nhỏ đối với người dân, cơ sở du lịch, sản xuất kinh doanh.

                
Triều cường thường xuyên uy hiếp vùng biển    Tiến Thành, Phan Thiết.

Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, trong vài năm gần đây, nạn triều cường ven biển đã làm sạt lở khá nhiều khu dân cư, khu du lịch cộng đồng, xâm nhập mặn các vùng cửa sông, ven biển ở ngoại thành Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, huyện đảo Phú Quý. Nặng nề nhất ở khu phố 13, 14, thị trấn Liên Hương, Tuy Phong, sóng biển đã lấn sâu vào 30 - 40 m trên đoạn bờ chiều dài 300 m, làm sụp đổ gần 50 căn nhà ngư dân. Cùng với đó, vùng biển phường Đức Long, xã Tiến Thành, Phan Thiết, phường Phước Lộc, xã Tân Phước, thị xã La Gi đã có hơn 100 căn nhà ven biển bị sóng uy hiếp, sạt lở trầm trọng, thành phố phải di dời dân các khu dân cư mới, an toàn hơn, các khu du lịch cộng đồng ở đây cũng không tránh khỏi triều cường. Tính sơ bộ trong toàn tỉnh, có hơn 200 căn nhà cấp 4 tốc mái, hư hỏng nặng, trong đó hàng chục căn đổ sụp hoàn toàn, như ở Liên Hương, Tiến Thành, Đức Long. Trước tình hình trên, chính quyền sở tại di dời hộ dân vùng sạt lở, cấp đất tái định cư, huy động các lực lượng sửa chữa, nâng cấp đê kè ven biển…

Để có cơ sở triển khai xây dựng các công trình đê kè ven biển mang tính dài lâu trong những năm tới, cũng như huy động các nguồn vốn khác nhau để xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường đã xúc tiến dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận”. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng ven biển. Trong khuôn khổ này, Sở Tài nguyên & Môi trường đã lập danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, xác định chiều rộng, ranh giới hành lang tại khu quy hoạch du lịch trọng điểm quốc gia Mũi Né (bao gồm cả Hàm Tiến), các khu du lịch cộng đồng và khu vực dân cư thường bị sạt lở ở thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Tuy Phong, Hàm Tân và các cửa sông bị bồi lấp vào mùa bấc ở những địa phương trên. Đồng thời sở chủ quản lấy ý kiến cộng đồng dân cư các huyện, thị, thành phố ven biển, sở, ngành chức năng bổ sung vào dự án để bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Trong quá trình lấy ý kiến cộng đồng, ông Nguyễn Thanh Hải ở phường Hàm Tiến cho hay: “Hiện nhiều khu du lịch ở Hàm Tiến đã bít lối đi của người dân địa phương xuống biển, chúng tôi kiến nghị thành phố Phan Thiết đầu tư dành quỹ đất làm đường giao thông xuống biển, hoặc khu du lịch cộng đồng khu vực này cho người dân tiếp cận với biển”. Dự án thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển của tỉnh không chỉ là cơ sở để xây dựng các giải pháp công trình cứng như đê kè, ứng phó nước biển dâng trước biến đổi khí hậu, mà còn có ý nghĩa nhân văn tạo điều kiện để đông đảo nhân dân tiếp cận với biển…

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy cơ sạt lở gia tăng: Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển