Theo dõi trên

Nguồn nước từ hồ Cà Giang: Nỗi lo ô nhiễm nước sinh hoạt

03/05/2017, 08:17

BT- Nhà máy nước Phan Thiết là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Nguồn nước này được lấy từ hồ Sông Quao, thông qua đập Phú Hội và hồ Cà Giang (Hàm Thuận Bắc). Nhưng tận mắt chứng kiến cảnh người dân vứt rác thải bừa bãi dọc tuyến kênh dẫn nước từ hồ Cà Giang, chúng tôi không khỏi lo lắng… 

                
Tuyến kênh từ hồ Cà Giang về TP. Phan Thiết    có nhiều đoạn hở.

Hiện trạng công trình

Chúng tôi đến hồ Cà Giang khoảng 8 giờ sáng. Nơi này khá yên tĩnh, mặt hồ phẳng lặng, mênh mông đầy nước lấy từ hồ Sông Quao về trong xanh. Đứng trên hồ nhìn xuống là những tuyến kênh dẫn nước uốn lượn, nước theo dòng chảy qua những vườn thanh long, vườn cây trái xanh ngát. Hồ chứa nước Cà Giang nằm trên địa bàn xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc). Công trình được đầu tư xây dựng năm 1985 và nâng cấp năm 2010 với dung tích 0,9 triệu m3. Nhiệm vụ công trình cấp nước tưới cho 200 ha của xã Phong Nẫm, cấp nước sinh hoạt cho TP. Phan Thiết với lưu lượng 3.000m3/ngày đêm. Tuyến kênh chính từ hồ Cà Giang về TP. Phan Thiết dài 8 km, đi qua vùng sản xuất thanh long và khu dân cư, phần lớn có nắp đậy, một số vị trí hở để dân lấy nước tưới và sinh hoạt. Chúng tôi bắt đầu đi dọc theo tuyến kênh, quan sát thấy có nhiều đoạn hở trên kênh, một số đoạn bị bể do người dân đập ra để lấy nước. Điều đáng nói là tại những điểm cống giao nhau, có rất nhiều rác thải sinh hoạt như túi ni lông, nhựa, thậm chí là bao bì phân, thuốc bảo vệ thực vật vứt vô tội vạ. Có đoạn nghe đâu là người của đơn vị quản lý đi kiểm tra vớt bỏ lên trên. Theo phản ánh của anh Nguyễn Văn Thắng, người dân sinh sống ở đó cho biết: “Có người  lấy nước từ kênh này để phun xịt, sục rửa bình thuốc, người thì tiện tay vứt rác ra đường gió cuốn vào trong lòng kênh…”. Đến ngay đoạn cống giao nhau chỉ cách hồ tầm hơn 2km theo đường thẳng, may mà có tấm chắn sắt nhưng nhìn rác tấp vướng vào đó không ít. Chúng tôi vớt được hẳn một vỏ bao đựng phân màu trắng lên đường. Cứ nghĩ đến cảnh những chất dơ từ bao phân hay họ rửa những chất đựng thuốc trừ sâu xuống dòng kênh và nước sẽ chảy về nhà máy nước chúng tôi lại thấy ớn lạnh. Ngoài ra, các tuyến kênh nhỏ giao nhau với kênh dẫn nước chính cũng chứa đầy rác thải nổi lềnh bềnh, điều này tất nhiên sẽ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt… 

Ý thức người dân

Trao đổi với ông Đoàn Thanh - Phó Giám đốc Nhà máy nước Phan Thiết về nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trên tuyến kênh dẫn vào nhà máy, ông Thanh thừa nhận, tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ hồ Cà Giang là có. Thời gian qua, nhà máy đã phối hợp với Cảnh sát môi trường làm việc, phát tờ rơi, kiểm tra việc vứt rác, đồng thời tuyên truyền cho người dân trong khu dân cư dọc hồ Cà Giang và Phú Hội. Mặt khác, hàng ngày đơn vị thường cử người đi vớt rác, nhưng sau đó đâu lại vào đấy khi tình trạng xả rác xuống kênh vẫn tiếp tục diễn ra. Về phản ánh nguồn nước bị người dân xả bao bì thuốc trừ sâu, theo ông Thanh, nhà máy nước vẫn lấy mẫu xét nghiệm định kỳ nhưng chưa phát hiện ra chất độc hại. Theo ông Thanh, một số đoạn kênh hở trên tuyến kênh này còn bị người dân đập phá để lấy nước. Trước thực tế trên, theo đại diện lãnh đạo Nhà máy nước Phan Thiết, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân về ý thức bảo vệ môi trường và phối hợp các cơ quan chức năng để tác động, tạo ra hiệu ứng tốt. Để chứng minh nguồn nước dẫn đến nhà máy, ông dẫn chúng tôi ra phía hồ sau nhà máy và chỉ: “Đường ống kia là từ hồ Cà Giang về, sau đó sẽ qua các giai đoạn lắng lọc và xử lý của nhà máy, bảo đảm an toàn cho bà con khi sử dụng nước sinh hoạt…”

Không chỉ xả thải dọc tuyến kênh, nhiều hộ còn xả thải (gốc thanh long) tại khu vực hành lang bảo vệ công trình hồ Cà Giang.  Ông Nguyễn Anh Khoa- Trưởng phòng Quản lý nước và công trình- Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, hành vi xả rác của người dân đã vi phạm tại Pháp lệnh khai thác bảo vệ công trình thủy lợi. Điều này vừa gây mất mỹ quan vừa tác động xấu đến công trình, gây ô nhiễm môi trường. Cũng theo ông Khoa, mới đây Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Thuận (đơn vị quản lý) đã nhận được văn bản của Công ty cổ phần Bình Hiệp về việc xin phép đắp bờ chắn đất tại khu vực bờ phải Nhà máy nước Cà Giang để bơm, hút bùn lên phơi. Về phía Công ty KTCTTL tỉnh cho biết, trong quá trình hoạt động, Nhà máy nước Cà Giang của Công ty cổ phần Bình Hiệp đã xả bùn xuống lòng hồ Cà Giang, làm ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước Phan Thiết. Do đó, để tránh ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, công ty không thống nhất việc đắp bờ chắn đất tại khu vực bờ phải Nhà máy nước Cà Giang để bơm hút bùn lắng lên phơi, vì nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước. Đồng thời đề nghị Công ty cổ phần Bình Hiệp không xả bùn ra lòng hồ Cà Giang, nghiên cứu hút và vận chuyển bùn đi nơi khác…

Anh Thắng - người dân địa phương nói thêm với chúng tôi: “Do ý thức người dân hết chị ạ, người này vứt rác được thì người kia cũng vứt mà không nghĩ sẽ bị ô nhiễm, mấy tuyến nước chảy xuống kênh sợ cũng không đảm bảo vệ sinh lắm. Chị thấy đấy, rác lẫn vào tùm lum. Anh em bên phía đơn vị cũng đi vớt nhưng đâu lại vào đấy”. Tôi biết lo lắng của anh là không thừa khi mà nguy cơ ô nhiễm nguồn nước tất yếu sẽ xảy ra nếu không có các biện pháp ngăn chặn. 

Giải pháp

Theo báo cáo tại Hội thảo xây dựng chương trình hành động về arsen, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trên thế giới hàng năm có khoảng 60.105 tấn các chất hữu cơ tổng hợp bao gồm các chất nhiên liệu, chất màu, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, các phụ gia trong dược phẩm, thực phẩm. Các chất này thường độc và có độ bền sinh học khá cao, đặc biệt là các hiđrôcacbon thơm gây ô nhiễm môi trường mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Các hợp chất hữu cơ như: các hợp chất hữu cơ của phenol, các hợp chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu DDT, linden (666), endrin, parathion, sevin, bassa… Các chất tẩy rửa có hoạt tính bề mặt cao là những chất ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, bị nghi ngờ là gây ung thư. Vi khuẩn có hại trong nước bị ô nhiễm có từ chất thải sinh hoạt của con người, động vật có thể gây ra bệnh tả, thương hàn và bại liệt. Chính vì thế nếu nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây những hậu quả lâu dài khó lường. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp, được biết tình trạng người dân xả rác thải quanh khu vực này diễn ra đã khá lâu. Chính quyền, đoàn thể, Mặt trận địa phương đã có nhiều biện pháp, đến nhà dân để tuyên truyền, phổ biến và đề nghị nhân dân ký cam kết giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi ra kênh. Đồng thời, xã tổ chức phát tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để bà con nâng cao ý thức; có các hình phạt… Tuy nhiên theo ông Cường, sau các nỗ lực của chính quyền, hiện vẫn có một số gia đình cố tình không chấp hành, xả rác vào thời điểm ban đêm nên rất khó xử lý…

Ô nhiễm nguồn nước có thể gây ra nhiều tác hại không nhỏ về lâu dài, nguồn nước từ hồ Cà Giang lại là nơi cung cấp nước nước sinh hoạt cho người dân Phan Thiết. Để bảo vệ nguồn nước, điều cần làm nhất là địa phương nơi có tuyến kênh đi qua cần tuyên truyền nâng cao ý thức người dân phải biết giữ gìn nguồn nước, không vứt rác bừa bãi, rửa các dụng cụ có thuốc trừ sâu, phân bón vào dòng kênh… Về phía cơ quan quản lý cần thường xuyên tuần tra, nhất là ở những đoạn kênh hở phát hiện rác thải để xử lý, phạt nặng những ai có hành vi vứt rác bừa bãi…

    
      Hiện nay xã Hàm Hiệp có trên 3.000 hộ dân với gần 13.000 nhân khẩu. Với   số dân đông như vậy, đồng nghĩa với việc sẽ có lượng lớn rác thải hàng   ngày. Trong khi đó, việc thu gom rác tại địa bàn được thực hiện vào thứ   ba hàng tuần (1 lần/tuần). Theo mong muốn của bà con địa phương, cần mở   rộng địa bàn thu gom rác hàng tuần để giảm bớt lượng rác sinh hoạt dồn ứ   - ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp nói.

Phóng sự: THU THỦY - KIỀU HẰNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguồn nước từ hồ Cà Giang: Nỗi lo ô nhiễm nước sinh hoạt