Theo dõi trên

Người tạo thương hiệu gạo an toàn

25/05/2018, 11:12

BT- Sau hơn 7 năm (từ 2010 - 2017) đầu tư, hỗ trợ và định hướng chỉ đạo, đến nay Tánh Linh cơ bản có sản phẩm gạo được sản xuất tại địa phương theo quy chuẩn cánh đồng lớn. Sản phẩm được đóng nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” đồng nhất về kích cỡ và an toàn về chất lượng.

                
“Gạo Đức Lan” được ông Đức đóng gói chuẩn    bị cho ra thị trường.

Người tiên phong trồng lúa hữu cơ

Tháng tư, tôi về Tánh Linh thăm người thân. Trong bữa cơm trưa cùng gia đình hôm đó, có rất nhiều món ăn mang đậm hương vị của vùng núi rừng. Nhưng tôi không thể nào quên mùi thơm dễ chịu của nồi cơm nóng hổi được bưng ra. Khi ăn tôi nhận thấy cơm rất mềm, không dẻo ngậy mà có vị ngọt hậu khi nhai kỹ. Hỏi địa chỉ của nơi sản xuất loại gạo này thì được người thân giới thiệu, đây là sản phẩm chất lượng cao, an toàn của cơ sở sản xuất “Gạo Đức Lan” ở xã Đức Bình. Thú thật khi nghe nói đến sản phẩm gạo an toàn được sản xuất ở đây, tôi rất vui mừng và tìm hiểu về quy trình sản xuất của loại gạo này.

Dừng chân tại cánh đồng xã Đức Bình, nghe nông dân đang rôm rả bàn luận xung quanh câu chuyện sản xuất lúa hữu cơ của ông Nguyễn Anh Đức ở thôn 3. Đây là mô hình sản xuất mới và ông Đức chính là người tiên phong sản xuất lúa hữu cơ tại xã. Để hiểu lý do vì sao ông lại chọn hướng đi mới này, tôi tìm đến nhà ông Đức. Rót chén trà mời khách, ông kể: “Gắn bó với nghề trồng lúa gần nửa cuộc đời là chừng ấy thời gian tôi tiếp xúc với rất nhiều loại thuốc hóa học, trong đó có rất nhiều loại độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Sau đợt bệnh nặng đến độ đi tiểu ra máu, giờ cứ ngửi mùi thuốc hóa học trừ sâu là tôi buồn nôn, không thể chịu được”. Nghĩ đến đứa con trai năm nay 20 tuổi cũng theo nghề nông, ông Đức không an tâm khi cho con sản xuất lúa theo cách thông thường. Hằng đêm, ông trăn trở, suy nghĩ phải làm cách nào để thay đổi cách sản xuất mà không sử dụng thuốc và các chất hóa học. Rồi ông mày mò, tìm hiểu qua các kênh thông tin thấy mô hình sản xuất lúa hữu cơ, rồi quyết định thực hiện mô hình này. Ông liền bàn với con trai: “Nhà mình có 4 ha lúa, ba lấy 2 ha trồng thử nghiệm mô hình sản xuất lúa hữu cơ vi sinh con thấy sao?”. Để con hiểu thêm về mô hình này, ông phân tích so với trồng lúa thông thường, trồng lúa hữu cơ sẽ vất vả hơn, năng suất thấp nhưng bù lại giá cao gấp đôi mà đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng. Từ khâu chọn giống, làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch đòi hỏi phải theo dõi sát sao và thực hiện đúng quy trình. Những ngày đầu bắt tay vào trồng lúa hữu cơ, ông gặp không ít khó khăn và thách thức trong việc kiểm soát dịch hại và sâu bệnh. Đối mặt với dịch hại lớn nhất là rầy nâu làm cho cây lúa kém phát triển và cho năng suất thấp. Rồi những lo lắng cũng dần đi qua, vụ mùa đầu tiên tuy năng suất đạt thấp chỉ tầm khoảng 3 – 4 tấn/ha nhưng ông Đức cảm thấy rất vui vì mình đã thực hiện thành công mô hình. Nhưng điều mà ông Đức an tâm nhất là để con trai được nối nghiệp nghề nông trong an toàn.

 “Gạo Đức Lan”

Tuy là người tiên phong sản xuất lúa hữu cơ nhưng ông Đức đã nhận được sự quan tâm của nhiều phía, điều này tiếp thêm động lực cho ông thực hiện mô hình này. Ông Đức cho biết: “Khi thực hiện sản xuất lúa hữu cơ được nửa chặng đường, tôi đã báo với Trạm Khuyến nông huyện Tánh Linh và được cử cán bộ về hỗ trợ giúp tôi xây dựng quy trình sản xuất”. Đã từng thử trồng lúa hữu cơ trong vụ mùa trước, nhận thấy việc sản xuất không khó như đã nghĩ nên nhiều nông dân trong vùng rất tâm đắc với mô hình của ông. Từ đó, chính quyền cho thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình sản xuất lúa hữu cơ do ông Đức làm chủ tịch, kiêm giám đốc. Ban đầu HTX chỉ có 4 thành viên tham gia sản xuất được 4 ha lúa hữu cơ, đến nay đã kết nạp được 10 thành viên. Vụ đông xuân vừa qua, HTX đã sản xuất được 7 ha lúa hữu cơ, dưới sự hướng dẫn của ông Đức và cán bộ kỹ thuật theo đúng quy trình sản xuất nên việc quản lý dịch bệnh được chủ động và năng suất đạt cao hơn, từ 4 - 5 tấn/ha. “Xét về chi phí đầu tư, các sản phẩm sinh học tuy có giá trị cao hơn các loại thuốc BVTV và phân bón hóa học. Tuy nhiên, nếu nông dân biết dùng theo hướng dẫn thì chi phí bỏ ra cũng không cao hơn so với cách làm lúa thông thường. Bởi năng suất lúa hữu cơ đạt thấp nhưng bù lại giá lúa cao gấp đôi lúa thường, dao động từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg (lúa thường 4 -5.000 đồng/kg) và mang lại sức khỏe cho cộng đồng”, ông Đức chia sẻ.

Hiện tại, ông Đức bao tiêu sản phẩm lúa hữu cơ của các thành viên trong HTX với mức giá ổn định để tạo thành sản phẩm an toàn về chất lượng. Chỉ vào bao gạo mang thương hiệu “Gạo Đức Lan” vừa được đóng gói xong, ông Đức giới thiệu “đây là sản phẩm gạo an toàn về chất lượng cao được sản xuất theo quy trình thâm canh lúa chất lượng cao hữu cơ của HTX.  Sản phẩm đã được Trạm Khuyến nông huyện Tánh Linh chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Tánh Linh” có hiệu lực 3 năm kể từ ngày 8/2/2018” và được Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Bình Thuận thử nghiệm đạt gạo chất lượng cao”. Trong bối cảnh thực phẩm không an toàn tràn lan như hiện nay, người tiêu dùng rất quan ngại khi chọn phải gạo kém chất lượng. Vì thế, “Gạo Đức Lan” an toàn về chất lượng có mặt trên thị trường chính là tin vui cho các bà nội trợ. 

 Hướng đi mới cho nông dân

Tánh Linh được xác định là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh, trong đó lúa gạo là sản phẩm chủ lực trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Tính đến nay, tổng diện tích lúa ổn định toàn huyện từ 22.000 – 24.000 ha lúa/năm, sản xuất từ 2 – 3 vụ. Quan điểm chỉ đạo của huyện là tập trung đi vào chiều sâu, coi trọng chất lượng, tiếp tục nâng cấp chuỗi giá trị của một số loại cây trồng, vật nuôi chủ lực. Trong đó, trên vùng lúa chất lượng cao, đã duy trì được mối liên kết doanh nghiệp đầu tư, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, đã xây dựng lộ trình cánh đồng lớn đến năm 2020 là 1.150 ha và đến năm 2025 sẽ xây dựng xong cánh đồng lớn diện tích 3.000 ha trên vùng lúa chất lượng cao.

Quyết tâm đưa sản xuất lúa theo hướng hữu cơ an toàn thực phẩm, năm 2017 huyện Tánh Linh đã thực hiện 50 ha tại xã Đức Phú theo mô hình cánh đồng lớn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư cho phía Nam. Trên cơ sở đó, đã lồng ghép liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ chuyển giao quy trình cấy bằng máy, bón phân hữu cơ vi sinh để tạo sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn Mỹ. Tuy năng suất thấp hơn nhưng đem lại lợi nhuận tăng từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/ ha/vụ so với ngoài mô hình, môi trường đồng ruộng được cải thiện, đất đai được cải tạo. Mô hình được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, trong xây dựng cánh đồng lớn, HTX nông nghiệp được xác định là nền tảng mời gọi doanh nghiệp liên kết đầu tư sản xuất – tiêu thụ.

Do đó, trong năm 2017 huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập mới 3 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 6 HTX. Trong đó, có HTX Đức Bình mới thành lập tháng 8/2017 nhưng bước đầu đã sản xuất thành công mô hình lúa hữu cơ sinh học, sản xuất ra gạo sạch theo tiêu chuẩn Việt Nam cung ứng cho thị trường tiêu thụ. Đây cũng là sản phẩm gạo chất lượng cao, an toàn mang nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” đầu tiên. Hiện nay huyện đang thực hiện bước cuối cùng công bố quy trình sản xuất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để áp dụng thực hiện trên địa bàn huyện. 

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Lễ viếng các Anh hùng liệt sĩ và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), sáng nay 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đến viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người tạo thương hiệu gạo an toàn