Theo dõi trên

Ngày ấy, có cô Lan…

22/09/2017, 08:49

Ngày ấy

BT- 20 năm trước. Là người chuyên trách phổ cập giáo dục của phường Phú Trinh và Trường tiểu học Phú Trinh 1, cô giáo Đỗ Thị Lan (ảnh) đã tìm cách tiếp xúc, gần gũi không ít trẻ “bụi đời”, trẻ lang thang vật vạ ở bến xe, hè phố, qua đó “ kéo” các em đến các lớp phổ cập. 

Cô giáo nói, vẫn nhớ như in ngày đầu mấy cô trò dọn hội trường khu phố 2, Phú Trinh để làm lớp học. Tiếng là hội trường nhưng vách và mái tôn đều đã mục, chung quanh đầy cỏ dại, rác… Nhưng rồi, một phần là trách nhiệm, một phần là lòng yêu trẻ, muốn các em biết đọc biết viết, may ra sau này trong cuộc đời đỡ bị thua thiệt nên cô Đỗ Thị Lan cố gắng duy trì lớp học. Tuy nhiên, vì đa phần các cháu đều có hoàn cảnh khó khăn, phải tự kiếm sống nên lớp chỉ mở buổi sáng, buổi chiều cô Lan dành cho việc đi tìm học trò. Những Tuấn, Thanh, Ly, Quýt, Hường… những em trước đó sống  bụi đời trở thành học trò theo cách ấy. Riêng chuyện em Nguyễn Lùn đi học mới khổ cực làm sao!. Nhà nghèo, Lùn đi chăn bò thuê, thích đi học nhưng sợ bò đói, chủ la. Vậy là cô trò bàn nhau đi cắt cỏ, lượm xơ mít chất đống sau trường  cho bò ăn, thằng Lùn yên tâm ngồi học… Cô Lan kể: Ngoài việc dạy trẻ bụi đời, chị còn dạy một lớp, dạng kèm cho con của một số gia đình khá giả. Tiền thù lao dạy học, sau đó được dùng mua gạo,  giúp đám trẻ “bụi đời” để các em yên tâm ngồi học. Đáp lại, các em rất yêu thương cô giáo. Có lần, cô Lan nằm viện Đông y, nghỉ dạy cả tuần. Các em kéo nhau đi thăm. Quà thăm cô đâu chừng chục trái quýt xin được của ai đó. Đường xa, khát nước nhưng  các em chỉ dám chia nhau một trái, còn bao nhiêu “để cô ăn mau bớt bệnh”. “Bữa đó, cô Lan ước ao mình mau lành bệnh để về lại với các em.

 Những học trò cũ

Nhiều trẻ mồ côi, bụi đời ngày ấy bây giờ đã lớn khôn, có việc làm. Đó là Lùn, thợ mộc của một resort, Ly làm nghề sửa khóa, Quýt thợ hồ, Mẫn bán trái cây… Thỉnh thoảng, Mẫn, Ly, và các bạn vẫn đến thăm cô, hỏi han cô khi bệnh.  “Cách đây gần 3 năm, một em ăn vận bảnh bao tới tìm chị. Em đó nói là  học trò cũ của chị. Em đó tên là L.A.T, làm việc ở Phan Rang. Sau lần thăm đó, hàng tháng, L.A.T thông qua em gái chuyển cho chị 500.000 đồng, rồi 1 triệu đồng. Ngày lễ, ngày tết, L.A.T đưa gia đình tới tận nhà thăm hỏi”, cô Lan kể.

Lần đầu tiên nhận phong bao của học trò cũ, cô Lan nói: “Không sao ngủ được. Hổng dám xài vì cứ muốn khóc khi nghĩ đến cái nghĩa của trò, nghĩ chuyện gieo nhân gì thì gặt quả ấy”.

 Cô đơn và bóng xế

Mẹ mất từ nhỏ, cô giáo Đỗ Thị Lan lớn lên từ sự chăm chút, yêu thương có phần khắc nghiệt của người cha. Rồi 3 anh lớn cũng lần lượt từ giã cõi đời, 2 chị cũng ra riêng, chỉ còn hai cha con hủ hỉ. Bận bịu suốt ngày với lũ trẻ, sổ sách và chăm cha, tuổi xuân cũng vèo qua cửa sổ. Một ngày, cha cũng bỏ chị mà đi vì già yếu. 51 tuổi, chị mới cài hoa cưới trên đầu, xúng xính áo cô dâu, cầm tay hạnh phúc với một người hơn mình 5 tuổi. Những êm đềm của ngày tháng mộng mơ kéo dài không bao lâu. 2 năm sau anh ngã bệnh. Vậy là tiếp tục nuôi chồng. Anh gượng dậy nhờ chị chăm khéo nhưng bờ vai duy nhất để chị tựa nhờ không còn sức để vững chãi. Tai biến, liệt, nhũn não… những căn bệnh quái ác liên tục ập xuống và điều chị sợ hãi nhất cũng đến: anh vĩnh viễn rời xa chị sau gần 7 năm “tình nghĩa đong đầy”…

Căn nhà xưa 2 gian mát mẻ trong con hẻm trên đường Lê Hồng Phong (TP. Phan Thiết) trở nên vắng tiếng người. Sợ một mình không thể sưởi ấm được căn nhà rộng thênh, chị nhận nuôi, dạy kèm trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Mùa hè, lũ chim chích ấy hót vang, chạy nhảy rộn nhà nhưng vào năm học mới, thời gian trống trải hơn bởi chỉ còn vài cháu tới học nhà cô Lan vào thứ bảy, chủ nhật. Cũng mấy năm nay, mấy chứng bệnh do tuổi già cũng rần rần kéo tới nên trên đầu nằm của chị, lớp nào sữa, lớp nào thuốc “để khi đêm hôm quờ tay là có mà tự cứu lấy mình chớ biết kêu ai…”. Trò chuyện với chúng tôi, chị chọn ngồi một góc khuất. Người đàn bà 67 tuổi ấy mặc tình để cho lời kể chìm trong tiếng nấc. Bất giác tôi tưởng tượng, lúc không có học trò, không có ai bầu bạn, tiếng thở dài không kìm nén của chị sẽ vọng dội lại từ những bức tường cũ kỹ, bởi chị quá cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

27 năm biên chế ngành giáo, khi trút chiếc áo thanh niên xung phong đã cầm phấn và hiện giờ vẫn còn gieo chữ cho trò, cuộc đời nhà giáo Đỗ Thị Lan như mướt xanh hơn nhờ bền bỉ chăm trồng bao lớp trẻ nhưng cũng xám buồn vì cô đơn tuổi hạc.

Con người ấy trong người dù mang không ít bệnh, nhưng lại hay động lòng trước người khổ, vì vậy dù  thu nhập từ kèm trẻ hiện nay… chẳng bao nhiêu, nhưng nghe tin con, cháu của học trò cũ của mình, bạn bè của chúng gặp cơn ngặt, bao giờ chị cũng nhờ người đưa tới tận nhà các em… để giúp  đỡ. 

Mai Kim Dung



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày ấy, có cô Lan…