Theo dõi trên

Ngăn dòng!

22/01/2021, 10:09

BT- “Ai đắp đập? Ai phá núi? Cho hồ nước đầy là mặt gương soi… Nhìn bóng chiều in ngấn nước. Ta nhìn đất trời một dòng nghiêng soi…”. Lời bài hát “Hồ trên núi” của nhạc sĩ Phó Ðức Phương vẫn da diết trong từng bản nhạc. Từng câu, từng từ ấy như được hiện thực hóa trong mắt tôi, khi đang đứng trên đập hồ Sông Lũy, thời điểm chính thức “đón” nước về…

Hồ trên núi

Tin về hồ chứa nước Sông Lũy, công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Bình Thuận đã tích nước được hơn 23 triệu m3 trước dự kiến 6 tháng đến với chúng tôi không quá khó khăn. Bởi tôi là người đã có mặt tại công trình này ngay thời điểm khởi công vào cuối tháng 2/2019. Lúc ấy, giữa bốn bề núi rừng nhấp nhô, trùng điệp. Tiếng nổ khi bấm nút khởi công được vang lên, khiến lòng người rạo rực, phấn chấn, ai cũng kỳ vọng vào một công trình hùng vĩ trong tương lai gần. Vượt qua không ít khó khăn, thử thách trong quá trình giải phóng mặt bằng, thi công, chưa tới 2 năm sau, những ai đến với hồ Sông Lũy cũng có thể ồ lên, khi trước mắt mình là một không gian đẹp, hữu tình, mênh mông nước màu xanh ngọc, là là dưới những ngọn núi nhấp nhô. Đó là hồ Sông Lũy, những ngày cuối năm Canh Tý.

Giữa trưa một ngày tháng chạp năm Canh Tý, tôi cùng vài đồng nghiệp xách vội chiếc máy hình, quyết tâm lên vùng cao Phan Lâm, Phan Sơn (Bắc Bình) săn ảnh… hồ Sông Lũy tích nước. Dọc tuyến quốc lộ 28B, những ngày cuối năm càng trở nên rộn ràng với những công trình đang thi công. Từng đoạn đường lên vùng cao Bắc Bình đang được nâng cấp, rải nhựa, hứa hẹn về một cung đường du lịch lý tưởng trong nay mai!

Khu vực công trình hồ chứa nước Sông Lũy hiện lên trong mắt tôi sừng sững giữa núi rừng. Công trình này nằm dưới hợp lưu của các sông Ta Mai, Ma Tin và Sông Lũy khoảng 700 m. Cách tuyến đập dâng Phan Rí - Phan Thiết đã xây dựng trước đó khoảng 700 - 800 m về phía thượng lưu. Vừa mới đến chân đập, chúng tôi chứng kiến hàng chục xe cẩu, xe múc và xe tải, cùng những công nhân đang tích cực lao động giữa nắng. Giờ đây, đập đất ngăn nước tạm đang được máy móc dỡ bỏ, nhường chỗ cho những dòng chảy xuôi về phía hạ du được điều tiết bởi quy trình vận hành chặt chẽ.

Loay hoay mãi nhưng vẫn chưa leo lên được đỉnh đập, một đồng nghiệp của tôi tỏ ra sốt sắng: “Sao vẫn chưa thấy nước?”. Vậy là chúng tôi leo bộ lên mái taluy vừa hoàn thành xong để lên đỉnh đập. “Ôi chao! Nước, nước nhiều quá! Đúng là một khung cảnh lý tưởng cho những tay săn ảnh chuyên nghiệp. Vẻ đẹp ấy, không đơn thuần là khung cảnh đẹp cho du lịch, mà trên hết đây là công trình cấp nước tưới cho trên 24.000 ha đất canh tác. Đồng thời, cấp nước phục vụ sinh hoạt và du lịch, duy trì dòng chảy môi trường, giảm lũ hạ du. Đây còn là nguồn cấp nước sinh hoạt nhằm nâng cao mức sống cho người dân trong vùng, kết hợp phát điện. Tôi gặp và bắt chuyện với Duy Khánh, một công nhân đang bảo dưỡng hạng mục đường bê tông trên mặt đập hồ Sông Lũy. Khánh là người dân tộc K’ho ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, xuống làm công nhân ở đây cả năm nay.

“Đến thời điểm này công trình chuẩn bị hoàn thành, anh em công nhân đang làm việc tích cực 3 ca/ngày để sớm hoàn thành các hạng mục còn lại”- Khánh chia sẻ. Chứng kiến sự nên hình, tạo dáng và đổi thay từng ngày của hồ chứa nước, Khánh cười tươi cảm nhận: “Từ ngày bắt đầu tích nước đến nay (15/12/2020), lượng nước đến hồ rất nhanh, vừa tích trữ vừa xả để phục vụ sản xuất vụ đông xuân cho bà con vùng hạ du. Em thích nhất là không khí trong lành và dòng nước mát rượi, xoa dịu cái nắng giữa trưa như thế này…”. 

Vượt tiến độ

Hôm chúng tôi đến hồ Sông Lũy, cũng là thời điểm Ban quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 (Ban 7), đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao làm chủ đầu tư có mặt tại công trình. Họ vừa có cuộc họp bàn với ngành nông nghiệp tỉnh liên quan đến hồ chứa này. Xế chiều, khi cuộc họp vừa kết thúc, ông Phạm Quang Lộc - Giám đốc Ban 7 cùng đoàn rảo bước đi trên con đường bê tông trên đập mới hoàn thành. Khi thấy chúng tôi, ông Lộc tiến lại gần, tỏ ra khá ngạc nhiên, hỏi: Vì sao các anh chị biết được hồ Sông Lũy đã tích nước? Chúng tôi chỉ cười, nhưng nghĩ thầm: “Nghề nào nghiệp ấy mà! Nói vậy, nhưng ông Lộc cũng không ngại bày tỏ vui mừng, khi công trình hồ chứa lớn nhất tỉnh nhận được sự quan tâm đặc biệt của địa phương và Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ông Lộc cho biết, tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.484 tỷ đồng, gồm các hạng mục đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, cống lấy nước. Đến tháng 6/2021, đơn vị phấn đấu phải tích nước đạt cao trình + 126m, tương đương với 53 triệu m3. Riêng đến thời điểm này, tiến độ công việc đã đạt 95%, chỉ còn khoảng 5% khối lượng công việc, chủ yếu là hoàn thiện công trình. Riêng những gói thầu chính hoàn thành đã đủ điều kiện để tích nước phục vụ nhân dân.

Vậy từ nay, trên bản đồ thủy lợi của tỉnh, lại có thêm một công trình lớn, hiệu quả với dung tích 100 triệu m3. Ông Võ Đức Anh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh có mặt trong đoàn cũng bày tỏ niềm vui và hy vọng. Ông Đức Anh nhấn mạnh thêm với chúng tôi rằng, khi hoàn thành, hồ Sông Lũy có thể kết nối với các hồ khác trên địa bàn, tạo ra mạng lưới nước cho Bình Thuận, đáp ứng hơn 40.000 ha đất sản xuất các huyện phía Bắc tỉnh và góp phần giảm lũ.

Đó là chuyện tương lai gần, còn trước mắt với trên 23 triệu m3 nước hiện có tại công trình này sẽ thực hiện tốt việc chống hạn trong mùa khô 2021, phục vụ nước sản xuất vụ đông xuân và giúp điều tiết quá trình chạy máy thủy điện…

Quả thực, khi nghe về những hiệu quả mà công trình mang lại, tôi còn khá ngỡ ngàng. Chợt nghĩ, vậy là bấy lâu nay khi chưa có hồ Sông Lũy, tỉnh khô hạn như Bình Thuận đã bất đắc dĩ lãng phí một khối lượng lớn nước xả thủy điện ra biển, trong khi nhu cầu sử dụng nước của người dân rất lớn.

Theo quy trình, dòng chảy đến hồ Sông Lũy gồm dòng chảy tự nhiên trên lưu vực và dòng chảy phát điện của nhà máy thủy điện Đại Ninh, thông qua nhà máy thủy điện Bắc Bình. Trong đó, thủy điện Bắc Bình cung cấp cho hệ thống điện miền Nam và chuyển nước từ nhà máy thủy điện Đại Ninh về hồ thủy lợi Sông Lũy.

Nhìn về biển nước mênh mông, nhấp nhô dưới các ngọn núi, chắc không phải ai cũng biết được, chỉ hơn một tháng trước đó, để công trình đủ điều kiện tích nước đến cao trình + 126 m, đơn vị thi công đã phải thu dọn lòng hồ, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, cống lấy nước đảm bảo vận hành an toàn…

Hướng ánh nhìn từ hồ Sông Lũy xuống dưới vùng hạ du Bắc Bình, tôi chợt nhớ đến trong một chuyến kiểm tra tiến độ thi công hồ Sông Lũy vào tháng 5/2020, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã rất kỳ vọng. Ông nói với tôi: Hãy tưởng tượng khi công trình hoàn thành, sẽ có hàng ngàn ha đất lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 hứa hẹn bội thu, góp phần tăng năng suất gieo trồng và sản lượng lúa thu hoạch, vì có nguồn nước tưới dồi dào. Lúc ấy, chỉ kinh tế - xã hội của huyện Bắc Bình nói chung, 2 xã vùng cao Phan Lâm, Phan Sơn nói riêng sẽ khởi sắc, mà còn chuyển tiếp nước cho 2 huyện lân cận là Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc. Và đến thời điểm này, kỳ vọng ấy đã thành hiện thực…

Trời đã xế chiều, khi mặt trời sắp sửa khuất sau lưng núi, chúng tôi mới tạm rời hồ Sông Lũy. Ngoái đầu nhìn lại, ánh nắng nhạt dần hòa vào từng gợn sóng dưới mặt nước mênh mông. Ngoài đập ngăn dòng, những phía còn lại của hồ Sông Lũy đều tựa vào lưng núi, lấy núi làm bờ… Đứng ở khung cảnh ấy, chắc khó thể ai quên…!

Bút ký: Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn dòng!