Theo dõi trên

Một thời làng đào chai La Gi

14/05/2021, 09:44 - Lượt đọc: 810

BT- Những ai đã từng sống ở La Gi vào những năm thập niên 70 của thế kỷ XX, ít nhiều cũng đã nghe đến một làng dân cư chuyên sống bằng nghề đào chai (chò). Đó là làng Phước Bình, nay thuộc khu phố 8, phường Tân An, thị xã La Gi.

Chai là mủ do cây chò chai tiết ra mà thành. Cây chò chai ở rừng Bình Tuy xưa, nay là một phần của La Gi mọc rất nhiều ở khu vực rừng Núi Nhọn, vùng rừng Phước Thành, suối Rửa Tội giáp ranh Tân Thắng…

Chai có nhiều loại, loại tốt nhất là chai móng, chai diều. Chai móng, do cây chò tiết mủ ra bên ngoài thân cây hoặc cành nhánh. Mủ chò đọng lại thành những mảng dài, màu sắc lóng lánh như hổ phách, những mảng chai này hoặc còn dính trên cây hoặc đã rụng xuống nhưng chưa bị đất vùi lấp gọi là móng hay diều. Loại tốt tiếp theo là chai ong, đây là loại chai do một loại ong gọi là ong chai hút mủ chò còn non về làm tổ trong bọng cây dên dên, lâu ngày tạo thành chai ong. Chai ong xốp hơn chai móng, gặp những bọng ong lớn, lượng chai thu được có khi cả 100 kg. Một loại chai khác có tên là chai ổ. Loại chai này nằm chôn sâu hàng trăm năm dưới lòng đất, có những ổ chai đào sâu trên mét đất mới tìm thấy. Chai ổ kích cỡ rất lớn, có những cục chai to như bắp chân, phần lõi cứng, màu sắc rất lóng lánh. Loại chai kém nhất là chai phân gà, sở dĩ có tên gọi như vậy vì cục chai này rất nhỏ, nằm chen nhau dưới gốc chò nom giống như phân của con gà. Mủ chai bà con thường dùng  làm đèn thắp gọi là đèn chai. Để làm đèn chai, người ta giã nhỏ cục chai thành bột mịn trộn thêm ít trấu, đổ xuống đất thành đống đốt cho chúng cháy dẻo ra, rồi dùng đũa bếp xúc lên từng lọn, lấy bàn lăn lăn tròn thành hình trụ dài khoảng 20 cm, lớn bằng cổ tay, sau đó thả vào thau nước, chai sẽ nguội và cứng lại. Vậy là đã hoàn thành một thỏi đèn chai. Khi thắp lấy một cái nẹp bằng tre kẹp ngang thân đèn đề làm tay cầm. Trước khi thắp người ta quấn quanh đèn chai một lớp lá chuối để tránh cháy lan. Đèn chai dùng để thắp sáng trong nhà, làm đuốc đi đêm. Đây là chất liệu thắp sáng phổ biến của người dân ngày xưa.

Nhưng hữu dụng nhất là người dân miền biển dùng chai đề xảm ghe, đặc biệt là trét ghe thúng. Hai từ thúng chai cũng từ đó mà có. Dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, thúng chai được dùng khá thông dụng. Ở những bãi ngang bà con ngư dân dùng thúng chai để đánh bắt ven bờ. Các tàu đánh cá công suất lớn xa khơi, chở thúng chai theo để câu mực…

Người thợ dùng chai để xảm ghe, thúng (ảnh tư liệu). Ảnh: Đình Hòa

Ở làng Phước Bình, vào những năm 1970, nghề đào chai ở đây cực thịnh, gần như cả làng, nhà nào cũng có người đi đào chai. Cứ tầm 2, 3 giờ sáng từng đoàn người cơm đùm, cơm gói lên đường hướng về những cánh rừng đã chọn trước để tìm chai. Vì số lượng người tham gia rất đông, nên từng nhóm, mười, hai mươi người chọn cho mình một hướng riêng. Nhóm này đi hướng núi Nhọn, nhóm kia sẽ đi hướng suối Rửa Tội… những người lớn tuổi ngại đi xa lội rừng thì chọn cách đào chai rẫy. Dụng cụ đi đào chỉ là một cái cuốc nhà binh, loại này có thể xếp mở, bửa bọng cây, chấn gốc rễ đều tốt cộng với một cái lon loại to bằng gàu nước có quai cầm và bao cát để đựng chai. Vào rừng, chọn một vị trí thuận tiện nhất trên đường xe be để làm điểm tập kết. Cơm nước xong chừng 7 giờ sáng. Từng tốp hai, ba người, cắt rừng tìm chai để đào, cứ nhìn thấy tán cây chò là đến, đầu tiên phải đảo mắt quanh gốc xem có cục chai móng, chai diều nào không, xong mới tiến hành đào chai, mỗi người một khoảnh, cứ cuốc bươi trong đất, được cục chai nào cho vào lon, đầy lon đổ vào bao. Cứ thế hết gốc chò này đến gốc chò khác, có khi mãi mê trong rừng cách xa điểm tập kết hàng cây số. Nhiều hôm trời đổ mưa dầm, cả cánh rừng tối om, lạc đường đến tối mịt mới ra được.

Tốp nào may mắn gặp được bọng chai ong thì ngày ấy trúng đậm. Thường thì xong một ngày đào chai, sản phẩm được bao nhiêu mang về bán ngay trong tối hôm đó. Ở Tân An hồi ấy có 2 điểm thu mua chai nổi tiếng, đó là điểm bà Thành ở đầu cầu Phước An, chuyên thu mua chai của cánh quân đào chai Núi Nhọn. Điểm thu mua bà Cảnh ở Tân Tạo thì đón mua của đoàn quân đào chai rừng Phước Thành… Bán mua xong, về nhà đã 8, 9 giờ đêm, vậy mà sáng hôm sau 2, 3 giờ sáng lại tiếp tục lên đường.

Còn đào chai rẫy thì gần hơn, không phải lội rừng băng suối, nhưng phải chịu dang nắng. Người đào chai phải liên tục đi dò tìm những khoảnh đất nghi có chai để đào, khi phát hiện có chai cứ theo đường chai ăn mà đào, gặp chai ổ phải đào sâu cả mét, chai ổ nằm tập trung, cục chai rất to, cân nặng ký. Một ổ chai trúng có thể cả trăm ký hơn. Kinh nghiệm của người đào chai rẫy, những vùng có ổ chai cỏ ít mọc, trên bề mặt xuất hiện bọt chai màu vàng. Gặp những chỗ đất như thế người đào chai phải đào thử rất nhiều điểm khác nhau, điểm nào có chai ăn dày thì theo đó phát triển đào rộng ra.

Ở Phước Bình hồi ấy có nhiều người nổi tiếng đào chai giỏi như chị Hiệp, chị Chỉ, chị Tựu… Nhưng nghề nào rồi cũng có nghiệp, chị Hải trong một lần đục cái gốc dên mục để tìm chai ong, gốc ngả đè chị chết ở cánh rừng suối Rửa Tội. Trong một rủi ro khác, 5 bạn tuổi đời mới 17, 18, một lần đến vùng suối Sâu (Tân Hải) để tìm chai, lọt vào bãi mìn, mìn nổ chết một lúc cả 5, những người còn lại, may mắn được bộ đội đến kịp thời, gỡ mìn dẫn lối ra, không thì hậu quả không biết chừng nào!

Bây giờ ở La Gi mủ chai đã cạn,  chỉ một số ít còn sót đang chôn sâu trong lòng đất. Nghề đào chai cũng đã kết thúc, nhưng mỗi lần họp làng, họp bạn, ngồi nhắc lại cho nhau nghe cái nghề xưa cũ ấy, ai cũng thấy rưng rưng nỗi nhớ!

Ngô Văn Tuấn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một thời làng đào chai La Gi