Theo dõi trên

Mất ăn, mất ngủ vì con mất tích

03/12/2020, 08:50

BT- Nếu đứa con gái khôn lanh như chúng bạn thì khi mất tích vợ chồng ông Nhị không đến nỗi buồn và khóc nhiều, nhưng con lại khờ khạo, sẽ sống ra sao khi thiếu vắng người thân. Ông bà Nhị mong ngành chức năng giúp đỡ tìm ra con gái của mình.

                
   Trần Thị Bình.

Nỗi đau...

Kể từ khi con gái Trần Thị Bình (SN 1991), tên thường gọi là “Móm” mất tích, vợ chồng ông bà Trần Văn Nhị (SN 1964) và Phạm Thị Lượng (SN 1966) ở khu phố Lương Nam, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình mất ăn, mất ngủ vì thương con. Ngày ngày cứ chiều muộn khi chuông nhà thờ đổ, bà Lượng, người mẹ gầy trơ xương, bệnh tật đầy mình ra cổng đứng ngóng các con đi làm về, nhưng chỉ trong vô vọng. Ông Nhị tuổi đã cao, ai thuê gì làm nấy, cũng luôn chán nản, buồn lo. “Tôi đi làm vậy chứ, không yên lòng, thương nó vì nó không được bình thường như chúng bạn, ai bảo sao làm vậy. Từ ngày nó mất tích tôi ăn không ngon, ngủ không yên, cứ tưởng tượng nó bị người ta hại...”, ông Nhị nói trong nước mắt.

Vì thương con cho nên chỉ cần ai nói thấy con gái ở tỉnh, thành nào, ông bà cũng muốn tìm đến nhưng vì nghèo không có lộ phí đi lại. Trong một lần gặp người quen xấu bụng ở TP.Hồ Chí Minh về thị trấn Lương Sơn nghe chuyện Móm mất tích, người này bảo: “Thấy Móm đang làm việc cho một công ty ở Bình Dương, có địa chỉ số nhà 17/10 hẻm 24/12, đường Hồ Văn Cống, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một” và có ý định đòi ông bà đưa tiền để đi dẫn Móm về. Ông Nhị cho biết: “Khi nghe nói vậy, tôi mừng lắm, nhưng không có tiền đưa cho anh ta. Sau đó tôi đi vay nóng 3 triệu đồng, trả lãi suất mỗi ngày 50.000 đồng. Tôi và một người cháu trai bắt xe vào Bình Dương, tìm đến địa chỉ nhưng đó chỉ là địa chỉ ảo, tôi và người cháu lủi thủi trở về”.

Đến nay đã hơn 1 năm mà con vẫn chưa về, ông bà tiếp tục đêm ngày nghe ngóng tin con. Mặc dù, ông bà đã báo Công an thị trấn Lương Sơn về việc con mất tích cũng như thông báo trên loa phát thanh của thị trấn và trên mạng xã hội.   

Bặt vô âm tín

Theo ông bà Nhị, Bình và Trần Thị Yên là 2 chị em sinh đôi rất khờ khạo, đã gần 30 tuổi nhưng không lanh như bạn bè cùng trang lứa, không đọc thông viết thạo vì chỉ học tới lớp 1 là nghỉ. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, khoảng 14 tuổi, ông bà Nhị xin cho 2 chị em phụ quán ăn gần nhà, Bình làm ở quán cơm Sinh Đôi và Yên làm ở quán bên cạnh. Hàng ngày cứ 4 giờ sáng, bà Lượng dậy sớm dẫn 2 con ra quán làm rồi mới yên tâm trở về. Hàng quán ở khu vực này đông khách, bao gồm cả công nhân của Nhà máy gạch men Trung Nguyên đóng chân trên địa bàn.

Tối 11/4/2019, trời đất như sụp đổ dưới chân ông bà khi Yên chạy về nói: “Con không thấy Móm”. Cả nhà tá hỏa chia nhau đi tìm suốt đêm, hỏi những người sinh sống và làm việc gần quán cơm, thì có người nói khoảng 17 giờ chiều cùng ngày thấy Móm đi cùng một thanh niên tên Cương làm việc trong Nhà máy gạch men Trung Nguyên. Người này khoảng 30 tuổi, cao 1m60, da ngăm đen, để tóc dài, cổ có đeo sợi dây chuyền bạc, có mặt răng nanh heo. Vì nghĩ con đi vài ngày sẽ về, nhưng chờ mãi vẫn không thấy, ông bà đến Công an thị trấn trình báo con gái mất tích. UBND thị trấn Lương Sơn đã thông báo trên loa tìm Móm để mọi người biết, nếu thấy thì báo cho gia đình, Công an thị trấn cũng lấy hình ảnh Móm đăng trên các trang mạng xã hội tìm trên diện rộng. Cùng với đó, em gái Móm là Trần Thị Kim Thanh làm việc ở TP.Hồ Chí Minh lấy số điện thoại của Móm gọi hỏi Móm đang ở đâu. Thanh cho biết, khi gọi thì người bắt máy là đàn ông, qua trao đổi người này nói điện thoại là của con trai đưa cho ông... Thanh xin phép ông cho địa chỉ để đến tìm gặp Móm, ông ta tắt máy và kể từ đó không thể liên lạc.

                
   Phóng viên trực tiếp gặp ba mẹ cô gái mất    tích.

Cho đến nay đã hơn 1 năm trôi qua nhưng tin tức Móm đang ở đâu vẫn không rõ. Vốn là lao động nghèo ông bà không hiểu biết nhiều về pháp luật, nên cũng không làm đơn trình báo gửi công an, mãi đến gần đây 1 người cháu đề nghị ông bà làm đơn trình báo gửi Công an huyện Bắc Bình. Gia đình ông Nhị hiện đang rất mong ngành chức năng vào cuộc sớm tìm Móm để ông bà yên tâm tuổi già.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mất ăn, mất ngủ vì con mất tích