Theo dõi trên

“Loạn” sang nhượng đất nông nghiệp ở Phú Quý

11/06/2018, 09:25

Bài 1: Người đất liền đổ xô ra đảo mua đất!

BT- Huyện đảo Phú Quý có vị trí địa lý vô quan trọng trong vùng lãnh hải phía Nam và chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, gần đây cũng “nóng sôi” vì đất. Hầu hết diện tích sang nhượng đều là đất nông nghiệp ven biển, các giao dịch mua bán đa phần đến từ đất liền. Thực tế này khiến chính quyền địa phương và người dân  lo lắng…

                
Trang web giới thiệu mua bán đất tại đảo    Phú Quý.

Giá đất “nhảy múa” theo giờ

Vừa mới đặt chân đến đảo Phú Quý, chỉ cần hỏi bất cứ người dân nào trên đảo về vấn đề đất, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: “Đất ở đây đang sốt, nhích giá từng ngày, thậm chí từng giờ”. Đáng nói, trong khi người địa phương gần như chẳng đoái hoài đến những miếng đất “đẻ ra vàng” thì người đất liền lại ồ ạt ra đảo gom đất đầu cơ kiếm lời. Có mặt tại một quán cà phê “cóc” trên đảo vào dịp cuối tuần, lượng khách đến tham quan đảo khá đông và nhộn nhịp. Trong đó lượng người đến đảo với mục đích mua đất cũng không hề ít. Xung quanh chúng tôi ngồi đều nghe mọi người bàn về chuyện đất. Theo người dân địa phương, từ trước Tết Nguyên đán 2018 đến nay, giá đất bỗng dưng “nhảy múa” khiến người dân huyện đảo ngỡ ngàng. Làm quen với anh Hưng ở TP. HCM khi anh đi cùng chuyến tàu với chúng tôi ra tham quan đảo. Hỏi thăm vài câu, anh Hưng cho biết, nghe bạn bè giới thiệu đất ven biển ngoài này rẻ nên có ý định mua vài sào để dành. Tiếp chuyện anh, tôi hỏi ngoài này có dự án gì mà nhiều người muốn đầu tư mua đất. Anh Hưng không ngần ngại chia sẻ: Tôi có người trong ngành “mách”, Phú Quý sẽ phát triển du lịch trong nay mai và có dự án đầu tư nhà máy nước nên sẽ khó mà “trật chìa” được.

Khi biết chúng tôi có nhu cầu mua đất, Q. - cò đất có vài năm kinh nghiệm trong nghề ở đảo Phú Quý dẫn chúng tôi đi một vòng quanh đảo để xem đất. Q. dẫn chúng tôi đến khu vực Mộ Thầy, xã Long Hải. Đây là nơi giá đất đang nhảy theo giờ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo giới thiệu của Q, đất ở đây vào thời điểm hiện tại có giá trên 1 tỷ đồng/sào (1.000 m2) vì là khu vực gần biển và có cảnh quan rất đẹp, thuận lợi cho ai có nhu cầu đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch. Cách đây chừng vài tháng, giá đất ở khu vực này chỉ khoảng vài chục triệu đồng/sào, nhưng dân ở đất liền ra gom rất nhiều nên giá được đẩy lên cao và dường như quỹ đất cũng không còn. Nếu chúng tôi nếu có ý định mua thì nên đặt cọc liền vì ngày mai giá có thể khác, Q. nhắn nhủ, đồng thời hướng dẫn chúng tôi vào trang web “BĐS Phú Quý - Mũi Né - Phan Thiết” để tìm hiểu, giao dịch.

 Mất cái tình vì… đất

Có khu vực nào giá “mềm” hơn không? - chúng tôi tỏ vẻ quan tâm hỏi và được Q. dẫn sang khu vực điện gió. Q. cho biết, nếu tuần trước 1 sào đất vị trí này chỉ có 200 triệu đồng, thì nay đã trên 500 triệu đồng. Theo quan sát, cùng thời điểm đi xem đất với chúng tôi còn có nhiều nhóm khách cũng được “cò” dẫn đến khu vực này tham quan, ngã giá. Hầu hết họ đều là người ở các tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh… Tại đây, chúng tôi gặp lại anh Hưng. Anh tỏ vẻ vui mừng thông báo rằng vừa chồng tiền mua 1,3 sào đất ở gần đây với giá 700 triệu đồng. Lại gần chúng tôi, anh Hưng mách nhỏ, nên đầu tư sớm, tương lai đất còn lên vùn vụt, lúc đó bán lại vẫn có lời. Không chỉ đất trồng cây lâu năm mà đất thổ cư ở đảo cũng cao chót vót. Một nền mặt tiền đường Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo... nay cũng ngót giá gần 1 tỷ đồng.

Những người ở đất liền có ý định mua đất đầu cơ, khi ra đảo thường mang theo rất nhiều tiền, nếu vừa ý mảnh đất nào, họ đặt cọc chồng tiền ngay vì họ sợ đất tăng giá vô điều kiện. Anh T. - cò đất khác ở Phú Quý kể chúng tôi nghe những câu chuyện dở khóc dở cười về chuyện đất cát. Đó là trước tết đến nay, giá đất cứ lên ào ào làm những người vội bán tiếc rẻ. Anh T. đứng ra “mua dùm” cho  vị khách ở TP.HCM mảnh đất 1,2 sào với giá 450 triệu đồng từ bà D. (xã Ngũ Phụng). Bà D. đã đồng ý nhận cọc 25 triệu đồng, nhưng qua hôm sau nghe nói đất khu vực nhà mình đang lên nên đổi ý không bán nữa. Vợ chồng con cái bà D. kéo nhau sang nhà T. năn nỉ cho trả lại cọc. Nếu theo hợp đồng phải đền cọc, nhưng bà D không chịu và nhờ người thỏa thuận dùm. Khỏi phải nói, sau khi vị khách mua đất được báo lại sự việc, đã tỏ vẻ khó chịu, tiếc nuối, nhưng sau đó đành trả thêm 20 triệu đồng để mua được mảnh đất ưng ý đã chọn trước đó.

Những tình huống như trên xảy ra rất nhiều tại huyện đảo, khi trong mỗi ngày, giá đất cứ thay đổi chóng mặt, khiến người bán lẫn người mua đều hồi hộp. Nhiều giao dịch đất bất thành khiến không ít gia đình, hàng xóm cãi vã, to tiếng lẫn nhau, hủy kèo, hủy cọc rồi chẳng thèm nhìn mặt nhau…

M.Vân - K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Loạn” sang nhượng đất nông nghiệp ở Phú Quý