Theo dõi trên

Lan tỏa “làn gió” khởi nghiệp  

25/04/2019, 08:24 - Lượt đọc: 12

Bài 1:   Tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh

BT- “Phụ nữ khởi nghiệp” là cụm từ được nhắc đến nhiều trong 2 năm gần đây, giống như luồng gió mới khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong chị em. Mỗi người một ý tưởng, cách khởi nghiệp, phát triển kinh tế nhưng sẵn sàng góp công, góp sức để quê hương ngày càng phát triển.

                
Sinh hoạt lồng ghép tập huấn phụ nữ khởi    nghiệp tại xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết.

 Tiếp sức cho phụ nữ khởi nghiệp

Để hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, những năm qua các cấp hội trong tỉnh đã triển khai nhiều phong trào giúp hàng ngàn hội viên, phụ nữ tự tin làm chủ đời sống, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Đó là thành lập các tổ nhóm tiết kiệm, đổi công, hỗ trợ cây, con giống, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ủy thác của các ngân hàng, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều chị em chưa mạnh dạn phát huy thế mạnh của địa phương để khởi nghiệp; một số chị có ý tưởng hay nhưng do thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật nên không hiện thực hóa được ý tưởng của mình… Trên cơ sở Quyết định 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch 4163/KH-UBND để thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.

Trong đó, đối tượng được thụ hưởng là phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ; hội, câu lạc bộ doanh nhân nữ. Đặc biệt ưu tiên phụ nữ thuộc hộ nghèo khó khăn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật hoặc sống tại địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp.

Tại “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp” năm 2018 do Hội LHPN tỉnh tổ chức, đã mang lại cơ hội cho phụ nữ nâng cao hiểu biết về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước trong khởi nghiệp. Trên cơ sở các ý tưởng khởi nghiệp đó, các cấp hội có những chương trình hỗ trợ nhằm hiện thực hóa các mô hình kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ, góp phần đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế.

 Hiện thực hóa ý tưởng

Trở về từ cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh phát động, với giải ba trên tay, chị Lưu Thị Xuân An đã hiện thực hóa ngay ý tưởng “Mang mầm xanh đến với mọi người”. Trong đó khách hàng đầu tiên chị hướng tới là học sinh, nhân viên văn phòng và các khu du lịch.

Vứt bỏ nỗi sợ hãi trong kinh doanh, chị đã mạnh dạn làm, mạnh dạn vay vốn, nhập nhiều loại hoa từ các tỉnh miền Tây, Đà Lạt về và phân thành các khu có mái che, khu ngoài trời để cây thích nghi với điều kiện khí hậu Bình Thuận. Ngoài ra tận dụng hệ thống tưới phun sương của vườn thanh long để đảm bảo độ ẩm cho cây trồng, tiết kiệm công lao động. Hiện chị An đang có một khu vườn trên sân thượng tại thôn Xuân Hòa, xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết, với hàng trăm chậu cảnh xinh xắn, những giống hồng ngoại tự cấy ghép đủ sắc màu và lượng lớn khách hàng ổn định là các resrot, khách đặt mua qua mạng, trên các trang diễn đàn.

Tại thôn Đại Lộc, xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, có một gương mặt phụ nữ trẻ không chỉ được hội viên trong xã biết đến vì tài năng văn nghệ, sổi nổi trong các phong trào của hội, mà còn là người mạnh dạn trong khởi sự kinh doanh, đó là Nguyễn Thị Hồng Thắm. 25 tuổi, bận rộn với vườn thanh long 500 trụ, nhưng niềm đam mê kinh doanh thôi thúc Thắm quyết định thử sức chế biến và bán nguyên liệu dưỡng mi bằng dầu dừa.

Ý tưởng này xuất phát từ việc trước đây, Thắm thường xuyên chải mascara giúp mi cong nhưng lâu dần lông mi yếu và rụng. Nhớ lại ngày xưa bà nội vẫn dùng dầu dừa để ủ tóc, Thắm lấy một ít áp dụng bôi trên mi và kết quả mi dài ra nhanh. Đọc qua nhiều tài liệu thấy dầu dừa nguyên chất chứa nhiều vitamin E và các axit béo giúp kháng khuẩn, giữ ẩm và kích thích mi dài, dày hơn. Không chần chừ, Thắm đã bắt tay ngay vào làm và thông báo bán sản phẩm qua kênh Facebook. Với giá 20.000 đồng/thỏi macara, nên khách hàng là học sinh, sinh viên, công chức đặt hàng khá đông. “Để giúp tôi tiếp cận với đa dạng nhóm khách hàng và quảng bá sản phẩm, mới đây Hội Phụ nữ xã Hàm Hiệp đã làm cầu nối để tôi được tiếp cận với Câu lạc bộ doanh nhân nữ và học hỏi những kinh nghiệm trong khởi sự kinh doanh. Đây là bài học bổ ích, cần thiết với những người mới bước vào lĩnh vực kinh doanh, giúp tôi tự tin, vững vàng cho chiến lược dài hơi sắp tới”.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lan tỏa “làn gió” khởi nghiệp