Theo dõi trên

Làm vậy là “đuổi” khách đi

19/04/2018, 15:07

BT- “Cứ làm ăn kiểu chụp giật, buôn gian, bán lận như thế này thì ai còn quay lại Bình Thuận du lịch nữa…”, một bạn đọc bình luận khi Báo Bình Thuận Online đăng tải thông tin “Du khách phản đối cân thiếu hải sản tại Mũi Né”…

Đi hàng trăm cây số ra Bình Thuận để tận hưởng gió biển, ăn hải sản tươi sống nhưng du khách lại gặp những chuyện “phiền lòng”. Tháng 3/2018, Báo Bình Thuận đã đăng tải thông tin phản ánh chuyện một gia đình ở tỉnh Bình Dương ra thăm Dinh Thầy Thím rồi xuống bãi biển Ngảnh Tam Tân ăn hải sản. Họ mua 2 kg mực tươi nhưng cân lại chỉ còn 1,5 kg… khiếu nại với người bán chẳng ăn thua lại gặp thêm những chuyện bực mình khác như: khách sạn không niêm yết giá phòng, khi trả phòng tính tiền giá mới… tá hỏa phát hiện tiền phòng được tính như khách sạn 3 sao; quán bán đồ ăn đêm kiếm lời; còn rác thì chôn xuống bãi biển… Mới đây, tháng 4/2018, một đoàn du khách ở TP. Hồ Chí Minh gần 10 người, ra Mũi Né nghỉ mát rồi ghé vào mua hải sản tại một cửa hàng hải sản tươi sống ở Làng chài Mũi Né (Mũi Né). Mua 2 kg ốc hương, 2 kg tôm nhưng khi về phòng cân lại thì hỡi ôi: Tôm chỉ còn 1,3 kg và ốc hương cũng chỉ còn 1,2 kg. Bức xúc, nhóm du khách mang số hải sản và cân của đoàn mang theo ra nói chuyện phải trái. Chủ cửa hàng bán hải sản thừa nhận bán thiếu. Rồi chủ cửa hàng đã thêm số hải sản bị thiếu cho đoàn khách và lại đổi ý không bán, trả lại toàn bộ số tiền cho du khách. Cân gian, bán dối và ngay cả cách giải quyết vụ việc cũng thay đổi thất thường của chủ cửa hàng khiến nhóm du khách ngao ngán…

Chuyện cân gian, bán dối không còn là chuyện lạ với những trung tâm du lịch trên cả nước. Nhưng chỉ khác ở cách mà chính quyền những nơi này “xử phạt” tình trạng cân gian bán dối. Cách đây khoảng 3 năm, nói đến tình trạng cân gian, chặt chém trên bản đồ du lịch cả nước thì thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa nổi lên như điểm đen. Thời điểm đó, nhiều du khách du lịch phía bắc rỉ tai nhau kinh nghiệm “muốn ăn gì ở Sầm Sơn phải hỏi giá trước”.  Nhưng chỉ một thời gian ngắn với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền cùng chế tài xử phạt mạnh tay, tình trạng chặt chém du khách ở Sầm Sơn giờ đã là dĩ vãng. Chuyện nhà hàng Duy Anh (đường Hồ Xuân Hương, phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn) “chặt chém” du khách thêm 2 bát cơm với giá 60.000 đồng để rồi nhận quyết định xử phạt chủ nhà hàng này 20 triệu đồng của UBND thị xã Sầm Sơn vẫn được những hộ kinh doanh ở đây nhắc đến như một bài học. Hay như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trước tình trạng du khách than phiền vì bị cân thiếu hải sản, nâng giá khi ăn ở các nhà hàng trên địa bàn, UBND tỉnh này đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc yêu cầu chủ các nhà hàng niêm yết giá công khai. Ở những nơi buôn bán hải sản họ cho để cân đối chứng, công khai số điện thoại đường dây nóng ngay ở đó để du khách phản ánh. Và tất nhiên, nếu phản ánh của du khách là đúng sự thật thì những người buôn gian, bán lận sẽ nhận một mức phạt không hề nhỏ… Kết quả của sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền của 2 địa phương trên là sự hài lòng của du khách tăng lên.

  Đã là người kinh doanh, ai cũng biết “uy tín quý hơn vàng mười”. Và trong kinh doanh du lịch thì uy tín, chất lượng dịch vụ còn được đánh giá cao hơn cả cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Hơn 20 năm phát triển, ngành “công nghiệp không khói” ở Bình Thuận đã đạt được những thành tựu nhất định. Sau sự kiện nhật thực toàn phần, du lịch Bình Thuận phát triển rất nhanh. Từ vùng đất hoang sơ, Bình Thuận vươn lên thành “thủ đô Resort” của cả nước. Trong du lịch, xây dựng thương hiệu đã khó nhưng để duy trì, phát triển thương hiệu đó còn khó hơn gấp bội. Sau một thời gian phát triển “bùng nổ” du lịch Bình Thuận mấy năm nay ít nhiều bị chững lại. Lượng du khách đến ít đi và những lời “phàn nàn” về chất lượng dịch vụ nhiều hơn… Có khó quá không khi đặt một chiếc cân đối chứng ở những nơi buôn bán hải sản, đặt một tấm bảng công khai số điện thoại đường dây nóng ở những nơi đông du khách tham quan…?

N.L



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm vậy là “đuổi” khách đi