Theo dõi trên

Làm gì để giảm nguy cơ  lây truyền dịch bệnh?

14/12/2018, 09:06 - Lượt đọc: 24

BT- Với điều kiện thời tiết khí hậu hiện nay rất thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch. Trong đó, có các bệnh như tay chân miệng, các bệnh về đường tiêu hóa luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát… Một trong những giải pháp phòng chống và giảm nguy cơ nhiễm bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa đó là rửa tay với xà phòng đúng cách.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19 - 45% và phòng ngừa rất hiệu quả căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Các chuyên gia y tế cho biết, trên bàn tay của mỗi người có chứa hàng triệu vi khuẩn, trong đó có rất nhiều vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp, cúm, tả, lỵ, thương hàn, tay - chân - miệng… Những năm gần đây đã và đang xuất hiện một số dịch bệnh từ nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm mới, đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Vì vậy, cách tốt nhất để các vi khuẩn này không vào được cơ thể hay phát tán chính là vệ sinh bàn tay đúng cách.

Theo ông Chế Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: “Ngay cả khi tay trông không bẩn thì trên tay vẫn có thể tồn tại nhiều vi sinh vật có khả năng gây bệnh mà mắt thường không thể nhìn thấy. Rửa tay với xà phòng đúng cách sẽ làm giảm nguy cơ bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa. Xà phòng có khả năng diệt khuẩn cao. Do đó, rửa tay với xà phòng dễ thực hiện, rẻ tiền nhưng rất hiệu quả để ngăn chặn bệnh tiêu chảy, bệnh viêm đường hô hấp cấp và một số bệnh nhiễm trùng khác như bệnh tay chân miệng, rota virut…góp phần cứu sống hàng triệu người”.

Những thời điểm quan trọng cần phải rửa tay với xà phòng như: sau khi đi vệ sinh hay sau khi sử dụng nhà vệ sinh, trước khi chế biến thực phẩm, trước khi nấu ăn, trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi tắm rửa và làm vệ sinh cho trẻ, trước và sau khi tiếp xúc chăm sóc người bệnh, sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch lên tay, sau khi sinh hoạt hoặc vui chơi ngoài trời, sau khi tiếp xúc với động vật, kể cả với vật nuôi trong nhà.

Nên rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, thực hiện các bước rửa tay đúng cách (6 bước), rửa và kỳ cọ, chà sát kỹ lòng bàn tay, khoảng trống giữa những ngón tay, đầu ngón tay, móng tay và mu lưng bàn tay. Sau đó, để tay khô tự nhiên hoặc lau sạch bằng khăn sạch, không nên lau tay vào quần áo hoặc khăn dùng chung.

Tại Bình Thuận,  Chương trình Mở rộng quy mô Vệ sinh và Nước sạch nông thôn dựa trên kết quả tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung bộ đã được ngành y tế triển khai thực hiện nhiều nội dung truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh nông thôn, trong đó có nội dung rửa tay bằng xà phòng. Mục tiêu của chương trình nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tăng cường tiếp cận bền vững nước sạch và vệ sinh nông thôn.

    
  

  Quy trình   rửa tay theo 6 bước của Bộ Y tế

  

  Bước 1:   Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào   nhau.

  

  Bước 2:   Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và   ngược lại.

  

  Bước 3:   Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.

  

  Bước 4:   Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.

  

  Bước 5:   Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.

    Bước 6:   Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch   tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.

 H.Châu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để giảm nguy cơ  lây truyền dịch bệnh?