Theo dõi trên

Không kiểm soát nổi lò mổ gia súc tư nhân

15/08/2019, 08:39

BT- Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang hoành hành khắp cả nước. Tại địa bàn tỉnh, hầu hết các địa phương đã xuất hiện dịch. Thế nhưng, tình trạng giết mổ động vật, buôn bán thịt gia súc, gia cầm ở huyện Hàm Thuận Bắc, vẫn không thực hiện theopháp lệnhthú y hiện hành. Sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hầu như diễn ra ở các xã, thị trấn trong huyện. Hầu hết các hộ giết mổ gia súc tư nhân đều phân tán ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Vì vậy, ngành thú y huyện không kiểm soát nổi các hoạt động giết mổ. Bà Lê Thị Minh ngụ xã Hàm Đức, chuyên bán thịt heo ở Ma Lâm cho biết: “Tôi làm nghề này đã hơn chục năm, hàng ngày đều giết mổ heo đem ra thị trường nhưng thỉnh thoảng thú y mới tới kiểm tra. Bình quân kiểm tra khoảng 2 lần/tuần. Họ đến xem thịt và đóng dấu, rồi thu phí là xong, việc làm này xem ra rất sơ sài”.

Trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, các lò giết mổ gia súc tư nhân thường xuyên hoạt động tại nhà riêng. Chính từ đó, việc kiểm soát sát vệ sinh thú y hết sức khó khăn, thực tế trong nhiều năm qua không kiểm soát nổi. Theo quy định của Pháp lệnh Thú y, việc kiểm soát sát sinh phải thực hiện trước và sau giết mổ. Tức là, cán bộ kỹ thuật thú y phải có mặt ở cơ sở giết mổ để khám lâm sàng cho gia súc trước khi giết mổ và khi giết mổ xong phải khám thật kỹ nội tạng bên trong…rồi quyết định có đem ra thị trường tiêu thụ? Tuy vậy, việc làm này không thực hiện được từ lâu? Sản phẩm thịt heo không kiểm soát vẫn đem ra chợ bán tràn lan. Một số người đã mua phải thịt heo bệnh, khi ăn vào bị tiêu chảy, ói mửa…

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành thú y cần tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát sát sinh tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Phải nghiêm túc kiểm tra, nếu gia súc có biểu hiện bị bệnh nguy hiểm liên quan đến tính mạng con người cần xử lý luộc chín hay tiêu hủy sản phẩm. Người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đã qua kiểm dịch, kiểm soát sát sinh, có đóng dấu vào sản phẩm thịt. Không mua những sản phẩm thịt chưa qua kiểm soát sát sinh, thịt có biểu hiện bệnh như xuất huyết dưới da những mảng đen. Cán bộ thú y kiểm tra sản phẩm thịt phải xử lý nghiêm khi thịt có dấu hiệu nhiễm bệnh truyền nhiễm như dịch tả, tụ huyết trùng, tai xanh, lở mồm long móng…Đối với người tiêu dùng, khi phát hiện sản phẩm động vật bày bán có dấu hiệu bệnh và chưa qua kiểm dịch thú y, cần báo ngay cho ngành chức năng, lực lượng thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.                                                     

MINH THÁI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không kiểm soát nổi lò mổ gia súc tư nhân