Theo dõi trên

Khoa Đông y Hàm Thuận Nam,  tiếng lành đồn xa

19/08/2016, 08:55

BT - Đông y Hàm Thuận Nam là gọi theo thói quen nôm na của bà con địa phương, tên chính thức trên giấy tờ là Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện huyện Hàm Thuận Nam. Khoa chỉ mới thành lập vào tháng 2/2011, mới hơn 5 năm  hoạt động nhưng khoa đã được người dân khắp nơi trong huyện tin yêu, đúng như bác sĩ Đinh Ngọc Hải, Phó Giám đốc bệnh viện đã nói: “Niềm tin của người bệnh chính là sứ mệnh của chúng tôi!”.

         
   

         

            Các bệnh nhân đang điều trị vật lý trị liệu tại bệnh viên.

Kết hợp vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu

Tôi chưa thấy ở đâu có trường hợp bệnh nhân rủ rê nhau đi chữa bệnh như ở Hàm Thuận Nam. Đơn cử như trường hợp ba bệnh nhân ở Kê Gà - Tân Thành, hiện đang nằm viện, là do bệnh nhân Trần Thị Chồi đi viện về lành bệnh nên thuyết phục các bệnh nhân khác quanh mình cùng đi. Bệnh nhân Nguyễn Thị Chồi đau nhức xương khớp lâu năm, một chân lết đi, không điều khiển được nhưng sau ba tuần nằm viện bà đã đi lại bình thường. Bà cho biết: “Cứ như là điều kỳ diệu! Tôi biết ơn các bác sĩ, lương y ở đây, họ quá tốt, quá tử tế!”. Việc điều trị thành công của bà Chồi đã thuyết phục được bà Mai Thị Mạnh và bà Nguyễn Thị Tới (là hàng xóm của bà Chồi), cùng  khám và điều trị nội trú tại Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng. Bệnh nhân Mai Thị Mạnh nói: “Tôi bị tê tay, đau nhức đến mức mất ngủ. Mới nhập viện hai tuần mà tôi đã hết đau nhức. Các bác sĩ khám, chích hay hướng dẫn trong phòng vật lý trị liệu đều mềm mỏng, nhiệt tình. Tôi nghĩ tôi mau hết bệnh một phần cũng nhờ thấy dễ chịu với thái độ phục vụ của các em, các cháu ở đây”. Bệnh nhân Tới bị đau mỏi cả hai chân gần như không đi được, ráng lắm thì chỉ đi được một đoạn là nước mắt chảy ra và phải dừng lại. “Vậy mà lạ nghen, mới lên đây hai tuần đã đi đứng được, bớt đau mỏi”, bà Tới vừa nói vừa cười hạnh phúc. “Tưởng tàn phế luôn ai ngờ có được ngày nay. Bác sĩ ở đây giỏi thiệt!”.

Bác sĩ Võ Thị Kiều Ân, Phó khoa (không có trưởng khoa) cho biết, phương pháp điều trị chính ở đây là vật lý trị liệu kết hợp với tâm lý trị liệu.

Xin nói cho rõ: Vật lý trị liệu là các phương pháp dùng tác nhân vật lý để chữa bệnh (thuốc là tác nhân hóa học hoặc sinh học) và tâm lý trị liệu là những can thiệp nhằm giúp đỡ những bệnh nhân có vấn đề khó khăn về mặt tinh thần. Cả hai sự can thiệp này đều đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức và kỹ năng chuyên biệt, nhất là phải có lòng yêu nghề, yêu người. Điều chúng tôi ghi nhận được rất rõ ở Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Hàm Thuận Nam là sự kết hợp rất thành công giữa vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu.

Bác sĩ Ân cho biết: “Khi mới thành lập, khó khăn vô cùng, trang thiết bị thì ngoài các máy điện châm ra chẳng có gì. Sau, Sở Y tế trang bị thêm được máy kéo giãn cột sống, máy có tác dụng làm giảm co thắt cơ và giảm chèn ép rễ thần kinh từ đó giảm đau cho bệnh nhân. Các bệnh nhân đau lưng cơ năng, thoát vị đĩa đệm, hội chứng thần kinh tọa rất nhiều, nhất là lứa tuổi trên 60, vì vậy mà máy hoạt động liên tục, ít khi được nghỉ. Sau, bệnh viện tự đầu tư thêm các dụng cụ tập cơ tứ đầu đùi (4 cơ đầu đùi), dụng cụ đa năng ba trong một. Thêm một bước tiến nữa là xã hội hóa, nên ngày nay khoa đã có khá nhiều máy như máy siêu âm trị liệu (sử dụng sóng siêu âm để trị liệu), máy điện xung trị liệu (ức chế cảm giác đau và kích thích cơ liệt nhằm tái rèn luyện thần kinh cơ), các thùng xông hơi thuốc, các dụng cụ tập khớp gối, cổ chân, cơ bắp chân, cổ tay, bàn tay, ngón tay… Tuy nhiên bệnh đa phần mãn tính nên bệnh nhân tái bệnh kéo dài và ngày càng đông nên phần nhân sự của khoa cũng trở nên khó khăn. Cả khoa chỉ có 2 bác sĩ, 3 y sĩ, 1 lương y và 1 bác sĩ đang đi học. Gần như một người phải cáng đáng nhiều công việc. Vấn đề phòng ốc chật chội cũng trở nên nan giải, 6 phòng thì dành 4 phòng cho bệnh nhân, không còn phòng cho y, bác sĩ. Với tinh thần tất cả vì bệnh nhân nên các y, bác sĩ ở đây cũng không ai phàn nàn gì, hàng ngày vẫn nở nụ cười trên môi, vẫn chu đáo tư vấn, hỏi han, hướng dẫn và khích lệ bệnh nhân. Từ cách đưa viên thuốc cho bệnh nhân đến lời ăn tiếng nói đều phải thật nhẹ nhàng, tinh thần của cả khoa là vậy.

Khi được hỏi mơ ước của bác sĩ quyền trưởng khoa hiện nay là gì? Bác sĩ Ân nhấn mạnh hai điều: Thứ nhất, nội lực, ngoại lực đều phải mạnh thì mới mong hoàn thiện.  Thứ hai, thấy các bệnh nhân già uống thuốc viên khó khăn nên mơ ước triển khai được phòng cung cấp thuốc thang.

Được tin yêu khó, giữ được niềm tin yêu lâu dài càng khó

Trong phòng vật lý trị liệu, lúc này là 10 giờ, bệnh nhân rất đông, các giường bệnh và máy móc đều đang có bệnh nhân điều trị. Chúng tôi tranh thủ hỏi chuyện thêm một số người đang ngồi chờ đến lượt điều trị của mình.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Đức (56 tuổi), thường trú Hiệp Nghĩa, Tân Thuận, nhập viện đã ba tuần vì bị thần kinh tọa và gan nhiễm mỡ. Bà cho biết: “Tôi có cảm tình với y, bác sĩ ở đây vì thái độ của họ. Thời gian đầu, chân tôi nặng như đeo đá, đau suốt nên rất khó chịu trong người. Nhờ điều trị hiệu quả mà tôi thấy nhẹ cả người, cũng nhờ các y, bác sĩ ở đây biết cách chăm sóc bệnh nhân. Họ dịu dàng quá làm sao mình gắt gỏng được! Đỡ bệnh thấy thật quý các em, các cháu đã thật sự hết lòng với bệnh nhân một cách vô tư”.

         
   

         

            Bác sĩ Võ Thị Kiều Ân (bên phải).

Bệnh nhân Dương Thị Hà (50 tuổi), thường trú thôn 1, Hàm Minh, bệnh thoát vị đĩa đệm cho biết nay đã giảm nhiều, bớt đau và sinh hoạt đi đứng bình thường. “Biết ơn các y, bác sĩ vô cùng, tôi đang kêu gọi mấy chị bạn gần nhà đi điều trị”.

Bác sĩ Phan Thị Mỹ Lệ đang trực, lúc giường này, thoắt cái đã sang giường khác, đi đến đâu bác sĩ cũng tươi cười, hướng dẫn và giải thích cho mọi người một cách cặn kẽ, chu đáo. Bác sĩ là người mới chuyển về công tác 6 tháng nay. Khi được hỏi về công việc và cảm nghĩ, bác sĩ Lệ chia sẻ: “Trước đây, tôi công tác ở Bệnh viện Đông y tỉnh, chỉ làm mỗi người một công đoạn, nay cũng đã quen dần cảnh bác sĩ đa năng. Tôi rất vui được phục vụ bà con ngay trên quê nhà của mình! Thấy bà con tin yêu cũng mừng và quên hết khổ cực. Được tin yêu khó, giữ được niềm tin yêu lâu dài càng khó, bởi vậy các y, bác sĩ ở đây luôn phải cố gắng”.

Để kết bài viết ngắn này, tôi tìm gặp bác sĩ Đinh Ngọc Hải, hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Hàm Thuận Nam. Bác sĩ Hải nói ngay: “Rất vui mừng và tự hào về Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng! Bệnh viện sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho khoa dần hoàn thiện. Kết hợp với Bảo hiểm, Hội Chữ thập đỏ và cả việc mở rộng xã hội hóa để tạo được không gian chữa bệnh tốt nhất, rẻ nhất cho bệnh nhân. Hiện đã có 26 bữa cơm từ thiện hàng ngày phục vụ cho bệnh nhân nội trú, có hệ thống lọc nước tinh khiết, có tivi phục vụ bệnh nhân chờ khám… Sắp tới, bệnh viện sẽ ưu tiên tăng cường nhân sự và kêu gọi nguồn tiền đầu tư xây thêm phòng ốc, trang bị thêm máy móc…”.

Chào tạm biệt bác sĩ Phó Giám đốc, chúng tôi tin Đông y Hàm Thuận Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, vững mạnh và nhất là giữ được niềm tin yêu của bệnh nhân.

N.T.H



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khoa Đông y Hàm Thuận Nam,  tiếng lành đồn xa