Theo dõi trên

“Khổ sở” vì đường xuống cấp do vướng đền bù

02/07/2019, 09:26

BT - Đường xuống cấp không thể sửa do vướng đền bù, giải tỏa, khiến người dân thôn Hiệp Hòa, xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) khổ sở khi lưu thông, vận chuyển nông sản. Người dân “kêu cứu” đến ngành chức năng, chính quyền địa phương nhưng giải quyết bất thành... 

Thôn Hiệp Hòa – có diện tích thanh long lớn nhất xã Tân Thuận, nhưng tuyến đường huyết mạch dẫn vào thôn xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt đoạn đầu của tuyến đường (ngã ba giáp đường ĐT 712) vướng đền bù, giải tỏa với hộ ông Ngô Nhật Cường, thôn Tân Phước (cùng xã). Mùa mưa thành biển nước, mùa nắng bụi bặm, nước động sình lầy, người tham gia giao thông thường xuyên bị té ngã. Chị Nguyễn Thị Hoa – một cư dân thôn Hiệp Hòa chia sẻ: “ban ngày thì ít người té ngã hơn ban đêm và phần lớn nạn nhân là người già, phụ nữ, trẻ em... Dân kiến nghị đổ đất để đi lại dễ dàng, nhưng gia đình ông Cường ngăn cản, vì cho rằng là đất của ông”. 

Đoạn đường xuống cấp do vướng đền bù giải tỏa.

Đoạn đường không chỉ làm khổ người tham gia giao thông mà còn làm khổ các hộ dân sống 2 bên lề đường. Điển hình như nhà già làng Thông Sâm, mùa mưa bị nước tràn vào nhà... Già làng vừa qua đời, người thân phải xin gia đình ông Cường cho đổ vài xe đất trước cổng nhà để khách đến thăm viếng thuận tiện. Ông Cường đồng ý, nhưng các con ông tuyên bố ngay sau đám tang sẽ đóng cọc rào lại. Bà Ngô Thị Cam – con ông Cường cho biết: “Toàn bộ khu đất hơn 1 sào bao gồm cả phần đất đầu đường vào thôn Hiệp Hòa là đất của gia đình bà. Hiện cha mẹ bà đã phân chia cho các con ở, trong đó có bà. Nhà nước thu hồi làm đường thì phải cấp lại đất, với vị trí đất cũng trên tuyến đường ĐT 712, chứ không ở chỗ khác, hoặc nếu không cấp đất thì phải đền bù thỏa đáng. Không giải quyết sớm, tới đây anh em bà sẽ rào lại phần đất của mình”, bà nói thêm.

Nếu gia đình ông Cường rào lại thì vùng kinh tế sản xuất trọng điểm của xã Tân Thuận sẽ khó khăn cho việc vận chuyển nông sản ra khỏi thôn để tiêu thụ. Ông Nguyễn Ngọc Đức - Thôn trưởng thôn Hiệp Hòa bức xúc: Ngành chức năng phải làm thế nào để có đường đi lại đảm bảo an toàn cho bà con. Để tình trạng này, việc đi lại người dân rất khó khăn. Tang gia, cưới hỏi đều không có lối đi.

Được biết, năm 2014 khi mở đường làm cầu Sông Phan vào thôn Hiệp Hòa, một phần đất của gia đình ông Cường nằm trong diện giải tỏa. UBND huyện Hàm Thuận Nam lập thủ tục thu hồi đất, đền bù và cấp lại đất cho gia đình ông ở Khu tái định cư Láng Giang (thôn Hiệp Hòa), nhưng gia đình ông không chấp nhận, cho rằng chưa thỏa đáng. Sự việc cứ thế kéo dài đến nay, mặc dù đã hòa giải, cưỡng chế nhiều lần.  

Ông Cao Xuân Linh - Chủ tịch UBND xã Tân Thuận thừa nhận nỗi khổ của người dân thôn Hiệp Hòa đối với đoạn đường này. Ông cho biết:  Huyện Hàm Thuận Nam đã lập thủ tục thu hồi đất, mời hộ ông Ngô Văn Hùng (con trai ông Cường, người đứng tên sổ đất) đến làm việc nhiều lần, nhưng vẫn chưa đồng thuận với quyết định thu hồi đất. UBND huyện cũng như xã đang tiếp tục làm việc với gia đình, để giao mặt bằng làm đường cho người dân Hiệp Hòa thuận lợi đi lại, làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, nhiều hộ dân cho biết cách giải quyết của địa phương làm người dân Hiệp Hòa không an tâm, vì bằng chứng là nhiều năm giải quyết bất thành, và chưa biết bao giờ mới giải quyết dứt điểm?.

Từ vụ việc, thiết nghĩ chính quyền địa phương và ngành chức năng cần giải quyết dứt điểm để tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông cho người dân. Người có đất thu hồi cần được đền bù thỏa đáng theo quy định của Nhà nước, nhưng cũng vì cái chung, vì lợi ích của cộng đồng và tình làng, nghĩa xóm.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cân đối nguồn nước để sản xuất vụ hè thu thuận lợi
Sau khi các địa phương cơ bản kết thúc vụ đông xuân, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2024 chặt chẽ, với khung thời vụ gieo trồng từ nay đến giữa tháng 6. Hiện Bình Thuận đang đứng trước thực trạng thiếu hụt nguồn nước do hạn hán, vì vậy các địa phương cần nắm chắc diễn biến thời tiết, nguồn nước để có phương án bố trí sản xuất.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Khổ sở” vì đường xuống cấp do vướng đền bù