Theo dõi trên

Hồng Phong,  nơi người dân “ly nông bất ly hương”

18/01/2019, 09:51 - Lượt đọc: 516

 BT- Con đường như con trăn khổng lồ chạy ngoằn ngoèo giữa những đồi cây thấp, dẫn lên con dốc đứng, sau con dốc ấy là Hồng Phong, một xã cực Nam của huyện Bắc Bình hiện nay.

                
Đúc trụ bê tông tại một dự án điện mặt trời    ở Hồng Phong.

 Chuyện cũ

16 năm trước, có lẽ vậy, tôi từng về Hồng Phong, nhưng đó là chuyến đi với bao sự lạ lẫm, muốn tìm hiểu một địa phương nổi tiếng là cơ cực, nhưng người dân thì lòng đỏ như son: hết lòng theo cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trước đó, và sau năm 1975 vẫn đi đầu trong các phong trào của địa phương. Đêm đầu tiên ngủ ở Hồng Phong, nghe gió gào thét, thổi qua các hàng cây xác xơ, trụi lá. Chủ nhân căn nhà tôi ngủ kể rằng: Hồng Phong nằm trong khu Lê, mà đất khu Lê đa phần là đất cát, không có nước ngầm, trong khi nước bề mặt chỉ có 3 cái bàu nhỏ khô cạn về mùa khô, vì vậy nên chỉ loài cây lá kim, ô rô, cóc kèn… là sống được. Người dân chỉ chờ nước trời, trồng một số cây màu như: mì, đậu các loại..., không hề có bóng dáng cây lúa… Cuộc sống của dân không tránh khỏi thiếu thốn, cơ cực. Ngoài chuyện thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cũng là vấn đề nan giải. Mỗi gia đình thời đó, chương trình UNICEF tài trợ cho 5 lu nước, thì đều cố gắng hứng nước mưa, tích đầy lu để dùng trong năm. Đã vậy, đường đi lại toàn cát, hoặc sỏi đỏ, lắm dốc dài nên Hồng Phong gần như biệt lập trong một góc rừng. Người dân sống qua ngày với những thực phẩm có được, chế biến được, như: bắt dông làm thịt, quanh năm muối đậu các loại, hoặc là cá khô gởi mua một lần ăn cả chục ngày. Nắng gió, thiếu nước, chất tươi hạn chế, ở Hồng Phong dạo đó  tìm đỏ con mắt vẫn  chẳng thấy đâu cô gái có làn da mỡ màng. Vì vậy, trong cái đêm đầy gió ấy,  nghe chuyện về người dân chịu đựng bao gian khổ, tôi  không khỏi trách mình: buổi chiều, lúc tắm rửa đã vô tình dùng nước thái quá. Và cũng trong đêm ấy, tôi hỏi người chủ nhà có cách gì để xây âm một hầm chứa nước dùng cho cả mùa nắng thì anh đáp rất khó bởi thu nhập của dân quá thấp. Thấp, cơ cực, nhưng người dân không bỏ đất mà đi vì cha ông họ, người thân họ từng trụ bám, hy sinh trên đất này trước bao trận càn của địch, của lính Mỹ với xe tăng, máy bay trên đầu. Người dân Hồng Phong khi ấy chỉ có nỗi ước mong là Nhà nước bằng cách gì đó đưa nước về xã, để cuộc sống bớt cơ cực hơn.

 Những thay đổi

Sau đó một năm, năm  2003, tôi trở lại Hồng Phong, xã đã có  trạm cấp nước sinh hoạt trên đầu dốc, trụ sở UBND xã được xây lại ở vị trí mới, nhưng đời sống của dân vẫn khó bởi đất cằn cỗi, nạn cát bay không cho loại cây gì cho năng suất cao được, cũng như đại bộ phận người dân chưa tìm ra cách gì khác làm giàu trên đất.

Thế nhưng, lần này vừa lên khỏi con dốc dài, tôi ngỡ ngàng vì cái màu xanh hiện ra ở dưới thấp. Những ngôi nhà không cao lắm, nhưng đã có nhà xây. Có tiệm bán phở bò, bún buồi sáng, tiệm cà phê, tiệm sửa xe máy… Ở trụ sở xã, một trụ sở bề thế, tôi gặp hai cán bộ còn khá trẻ, đang bàn vấn đề gì đó trong phòng. Hai anh niềm nở đón khách. Một người tự giới thiệu là Huỳnh Đông Dược - Phó Chủ tịch UBND xã, phụ trách kinh tế; người kia là Trương Tấn Trung, Phó Chủ tịch UBND, phụ trách văn hóa - xã hội. Trung và cả Dược đều rất am hiểu tình hình địa phương khi cho tôi hay: Hồng Phong có địa hình phức tạp, bao quanh là đồi cao và thấp  dần phía trung tâm xã. Là vùng nhiều nắng, ít mưa nhất nước. Lượng mưa bình quân 744 mm/năm, trong khi đó lượng bốc hơi 1.690 mm/năm. Hồng Phong mang khí hậu vùng núi vừa mang khí hậu vùng biển. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, với đặc trưng là nắng gắt, gió to… Hiện nay cả xã có 400 khẩu, 1.500 người. Đất đai thuộc diện đặc biệt. Trong tổng số 8.721 ha đất toàn xã, đất trồng cây hàng năm chỉ có 717 ha, còn lại là đất trồng rừng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất… Do không chủ động thuỷ lợi, nên diện tích gieo trồng hàng năm thường thấp, trên dưới 600 ha và đa phần là trồng dưa lấy hạt, dưa bán trái, mì.. 

                
Dự án Hồng Phong IA đang chôn các trụ bê    tông, nơi sẽ lắp đặt các tấm pin mặt trời.

 “Ly nông bất ly hương”

Gần đây, Hồng Phong có một sự thay đổi mang tính lịch sử, đó là  chính quyền địa phương hướng người dân đẩy mạnh chăn nuôi gia súc có sừng và kêu gọi đầu tư du lịch, trồng rừng, xây dựng các trung tâm năng lượng mặt trời nhằm khai thác tiềm năng lợi thế nắng, gió  địa phương. Đến nay, cả xã có 18 dự án du lịch và trồng rừng, riêng điện mặt trời có 4 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Câu chuyện đang hứng khởi thì một người đàn ông tuổi ngoài 50 đi ngang qua,  bất ngờ dừng lại, bước vào phòng. Ố là là, tôi nhận ra anh Trần Thanh Bình. Năm 1983, anh Bình từ huyện Bắc Bình tăng cường về Hồng Phong làm trực Đảng, rồi làm Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng công an… ngần ấy công việc đã giúp anh thông tỏ mọi ngóc ngách ở Hồng Phong. Nhận ra người quen, lại biết Dược và Trung đang kể chuyện ở xã, anh Bình phấn khởi, nói: “Có một chuyện mà nhiều nhà báo từng đến đây song chưa ai viết. Đó là, nhiều gia đình ở đây đang “ly nông bất ly hương”. Đây cũng là quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động tại xã”. Anh Bình sau đó cho hay: Quá trình các dự án vào Hồng Phong làm phát sinh nhu cầu lao động và chủ dự án nhắm đến lao động địa phương, bởi lao động địa phương sẽ yên tâm làm việc mà chi trả cũng thấp hơn tuyển từ xa đưa về. Vì vậy, lao động của trong xã hiện nay không lo không thiếu việc. “Tôi nhận lời tuyển cho dự án điện mặt trời Hà Đô 40 vệ sĩ nhưng mới được một nửa”, anh Bình nói. “Lý do, phần lớn lao động ở xã, từ 18 -45 tuổi hiện nay đi làm cho các công ty du lịch ở Mũi Né - Hàm Tiến (TP. Phan Thiết); làm cho Công ty May ở thị trấn Phú Long. Số nào không làm công nhân thì làm nghề tự do với ngày công khá cao. Đơn cử, công thợ phụ hồ trước là 180.000 đồng/ngày, nay là 270.000 đồng/ngày, song không phải lúc nào cần cũng có thợ”. Cũng theo anh Bình, 100% lao động trong độ tuổi ở xã đều có việc. Chính vì vậy, khái niệm “nhận lương” trước đây không mấy người nhắc, ngày nay  trở nên quen thuộc với các cô, chàng. Nhất là ở các cô chủ quán xinh đẹp, nơi mà các chàng trai ưa tới  cắm quán để gần gũi, trò chuyện với các em. Nhiều cô, mặc dù tế nhị cũng đã nói với các chàng trai: “Có lương rồi, anh nhớ tới ủng hộ quán em nhé!”. 

Điện mặt trời

         
      Trong    tương lai gần, điện mặt trời ở Hồng Phong sẽ lên lưới quốc gia, đi    khắp nơi. Hồng Phong sẽ là trung tâm năng lượng điện của huyện Bắc    Bình.

Chuyện lại rôm rả khi tôi hỏi đến các dự án điện triển khai thế nào thì Dược sốt sắng: “Anh có thấy cái ngã ba ở đầu đường vô xã không? Rẽ vô đó chừng 1 cây số sẽ thấy người của các dự án điện mặt trời: Hồng Phong IA, Hồng Phong IB... đang đúc các thanh bê tông. Theo tôi biết, Công ty cổ phần năng lượng Hồng Phong IA có diện tích 210 ha, đang sang lấp mặt bằng và vận chuyển thiết bị vào vùng dự án. Công ty năng lượng Hà Đô, diện tích 57,6 ha, đã bồi thường cho dân trên 70% diện tích”. Cũng theo lời Dược, trong tương lai gần, điện mặt trời ở Hồng Phong sẽ lên lưới quốc gia, đi khắp nơi. Hồng Phong sẽ là trung tâm năng lượng điện của huyện Bắc Bình. Khi đó tất nảy sinh nhiều việc làm nữa, xã càng có cơ hội phát triển hơn.

Còn hiện tại, do chỗ được đền bù hoa màu, quyền sử dụng đất, nhiều người ở Hồng Phong trở nên khá giả, tỷ phú. Có khoảng 6 người sắm xe con loại đời mới, hoặc xe tải, xe múc các loại… Tuy nhiên, Hồng Phong lại xuất hiện một điều đáng lo là nhu cầu nước sinh hoạt hiện nay tăng cao. Trước đây, nhu cầu nước toàn xã là 220 m3/ngày, nay là 400 m3/ngày bởi số dân tăng và lượng lao động từ các nơi đổ về làm các dự án. Vì vậy việc đẩy mạnh trồng rừng là cần thiết. Trong 3 năm, từ 2015 - 2018 có 1.191 ha rừng được trồng. Năm năm, mười năm nữa, nhờ diện tích rừng lớn, nước được giữ lại trong lòng đất, đất màu mỡ hơn. Cuộc sống của dân chắc chắn tốt lên.

Hồng Phong, nơi tôi về hôm nay rồi sẽ nở hoa!

Ghi chép: Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồng Phong,  nơi người dân “ly nông bất ly hương”