Theo dõi trên

Hồ Sông Lũy và câu chuyện sinh kế dài lâu

16/10/2018, 08:41 - Lượt đọc: 24

 BT- Việc Nhà nước thu hồi đất, gia đình tôi ủng hộ, nhưng cũng cần bố trí đất sản xuất cho người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống vì ngoài làm rẫy ở Phan Sơn  không còn nghề nào khác.

 Từ đồng thuận...

Những ngày này, đi đâu người ta cũng nghe người dân xã Phan Sơn, Phan Lâm, huyện Bắc Bình bàn tính chuyện thu hồi đất sản xuất năm trong dự án hồ Sông Lũy đang được tích cực triển khai. Người nói chuyện giá đất đền bù, người nói chuyện hỗ trợ sản xuất. Bàn tính là vậy nhưng ai cũng hồ hởi chủ trương thu hồi đất. Bởi xây dựng hồ thủy lợi đồng nghĩa người dân có thêm nước để sản xuất. Nhưng với những hộ bị thu hồi toàn bộ diện tích đất sản xuất thì câu chuyện không chỉ dừng lại  việc nhận tiền đền bù.

Khu vực người dân xã Phan Sơn bị thu hồi đất nằm trong khu vực có chất lượng đất tốt nhất xã. Tại đây, người dân ít trồng lúa mà thay vào đó là những cây ăn quả. Trong những hộ đang có đất sản xuất ở khu vực bị ảnh hưởng khu đất của gia đình chị Trần Thị Sáng thuộc loại “trời cho”. Ở giữa khu vườn rộng 5,8 ha của gia đình chị Sáng có mạch nước ngầm. Những năm hạn hán nhất khi sông Tho hết nước thì ao trong đất của chị Sáng vẫn đủ nước tưới. Có nước, gia đình chị đã đầu tư hệ thống tưới bài bản nên cây trồng phát triển khá tốt. Trên đất chị đang có khoảng 10.000 cây chuối, 1 ha điều, 1 ha bưởi còn lại là mít, sa bô chê. Với hơn 10.000 cây chuối, cách khoảng 3 ngày là gia đình chị thu hoạch chuối bán. Mỗi lần thu hoạch cũng được vài trăm nghìn đồng.  “Với 5,8 ha gần như ngày nào gia đình tôi cũng có trái cây bán. Nhờ đó mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu nhập hơn 300 triệu đồng. Việc Nhà nước thu hồi đất gia đình tôi ủng hộ. Nhưng cần bố trí đất sản xuất cho người dân để ổn định cuộc sống”.

Tương tự chị Lại Thị Vân cũng bị thu hồi hết diện tích đất sản xuất, chị chia sẻ: Nhà tôi có gần 3 ha đất để trồng bắp, lúa và điều. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình 6 nhân khẩu. Giờ Nhà nước làm dự án, thu hồi hết số đất trên thì tôi cũng ủng hộ. Nhưng nếu không có đất sản xuất, số tiền được đền bù sẽ không đủ…”. 

Đến lo lắng

Có thể nói, việc thực hiện thu hồi đất để xây dựng hồ Sông Lũy được người dân 2 xã Phan Sơn, Phan Lâm rất ủng hộ. Tuy nhiên với người dân nơi đây không làm rẫy thì họ không biết làm gì để sinh sống. Chị Sáng cho biết: Nếu tính theo giá mà cán bộ xã thông báo thì khu đất 5,8 ha của gia đình sẽ được đền bù khoảng 2 tỷ đồng. Số tiền khá lớn với một hộ dân nhưng nếu không có việc làm thì trong tương lai số tiền này cũng hết. “Lúc nhận được thông báo thu hồi đất, gia đình đã bàn tính khá nhiều để tìm ra phương án cho thời gian tới, nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất. Ở Phan Sơn hiện không còn đất để sản xuất nông nghiệp nên chắc gia đình sẽ sang xã Phan Lâm thuê hoặc mua lại đất của người dân. Nếu mua không được thì gia đình cũng chưa biết tính sao”, chị Sáng phân vân.

“Trong giai đoạn 1 của hồ Sông Lũy, xã Phan Sơn có 167 hộ bị thu hồi đất với diện tích 167 ha. Trong số này có đến 150 hộ bị thu hồi toàn bộ diện tích đất sản xuất. UBND xã Phan Sơn và huyện Bắc Bình đã nhận thấy các khó khăn mà người dân sẽ gặp khi bị thu hồi hết diện tích đất sản xuất. UBND xã đang định hướng chuyển đổi nghề bằng cách nuôi bò hay buôn bán, dịch vụ. Bên cạnh đó, UBND huyện Bắc Bình cũng đang tìm nguồn đất để người dân thuê sản xuất nông nghiệp”, ông K’ Bảy, Chủ tịch xã Phan Sơn cho biết. Sau khi khảo sát diện tích đất Nhà nước đang quản lý trên địa bàn 2 xã Phan Sơn, Phan Lâm, UBND huyện Bắc Bình dự kiến sẽ lấy tiểu khu 82B ở khu vực Dốc Đá xã Phan Lâm để làm khu sản xuất mới. Tuy nhiên, khu vực này đất không thuận lợi cho người dân trồng cây lâu năm, nên UBND huyện Bắc Bình dự kiến sẽ san ủi tạo mặt bằng cho người dân trồng lúa. Mới đây, UBND tỉnh có công văn yêu cầu huyện Bắc Bình tiến hành rà soát quỹ đất hiện có tại khu vực hồ Sông Lũy để bố trí đất sản xuất cho người dân. Nếu quỹ đất không đủ thì báo cáo UBND tỉnh để tìm phương án giải quyết…

Việc xây dựng hồ Sông Lũy sẽ mang lại tiềm năng rất lớn cho người dân 2 xã Phan Sơn, Phan Lâm trong phát triển sản xuất. Nhưng vấn đề sinh kế lâu dài cho người dân cần được tính toán hợp lý. Bởi ngoài dự án hồ Sông Lũy, sắp tới trên địa bàn 2 xã này chuẩn bị triển khai dự án điện mặt trời và dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết… 

    
    Dự án Hồ   Sông Lũy do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 7 trực thuộc Bộ Nông   nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư. Dự án được Bộ Nông nghiệp & PTNT phê   duyệt với tổng mức đầu tư dự án là 1.484 tỷ đồng. Khi hoàn thành, hồ   Sông Lũy sẽ cung cấp nước tưới ổn định cho diện tích 37.200ha đất canh   tác thuộc khu vực Phan Rí - Phan Thiết, cấp nước phục vụ dân sinh, góp   phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị   gia tăng và phát triển bền vững, nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời   sống nhân dân trong khu vực. Để thực hiện dự án sẽ thu hồi diện tích đất   1.743,83 ha.

Mai vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồ Sông Lũy và câu chuyện sinh kế dài lâu