Theo dõi trên

Hộ chăn nuôi chủ động phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

12/03/2019, 10:33

BT- Chung thực tế với cả nước, trên địa bàn Bình Thuận phần lớn vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ nuôi đan xen trong các khu dân cư. Vì vậy, nếu không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo vệ sinh, rất dễ dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Cán bộ thú y phun thuốc sát trùng tại hộ nuôi.

Từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã và đang quyết liệt các biện pháp để ngăn chặn, phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tuy nhiên, đến thời điểm này đã ghi nhận 13 tỉnh, thành có DTLCP, diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan nhanh tại các địa phương khác. Điều này càng dấy lên sự cảnh báo về các con đường lây lan và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là ý thức phòng bệnh của người chăn nuôi. Tại Bình Thuận, hiện chưa phát hiện ổ DTLCP nhưng công tác chốt chặn, triển khai các biện pháp phòng ngừa đang được UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện rốt ráo. Trong đó, sự chủ động phòng bệnh của các hộ chăn nuôi đóng vai trò rất quan trọng.

Có mặt tại gia đình chị Huỳnh Thị Tuyết Phương - thôn Tiến Hưng, xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết. Gia đình này có truyền thống chăn nuôi lợn hơn 15 năm nay. Trong khuôn viên đất rộng rãi gồm nhà ở, thanh long, chuồng lợn của gia đình với 4 ô chuồng, rộng khoảng 40 m2 tương đối sạch sẽ, không gây mùi khó chịu. Gia đình chị Phương nuôi gối đầu bình quân từ 45 đến 50 con lợn, 2 tháng xuất chuồng 1 lứa. Thời điểm chúng tôi ghé thăm, chị vừa bán xong 10 con lợn hơi với giá 52.000 đồng/kg, thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Song song, chị mua gối đầu 10 con lợn con (cai sữa 2 tuần) với giá 1,2 triệu đồng/con nhưng đang theo dõi, chưa cho nhập đàn. Chị Phương cho biết, những ngày qua gia đình và các hộ nuôi xung quanh đã được nghe thông tin về DTLCP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hơn nữa, cán bộ thú y của thành phố thường xuyên đến nhà nhắc nhở, kiểm tra tình hình phòng bệnh. Ý thức được tầm quan trọng của việc phòng dịch bệnh, nên thức ăn chính của đàn lợn chủ yếu là cám công thức và hàng ngày lấy nước cơm ở trung tâm Phan Thiết về nấu chín lại cho lợn ăn. Chị Phương cũng thường xuyên theo dõi, mua thuốc sát trùng xịt khu vực chuồng trại, mua thuốc bổ để tăng sức đề kháng cho đàn lợn. Riêng lợn con phải bổ sung thêm men tiêu hóa. Hàng ngày dọn dẹp, tắm ngày 3 lần cho đàn lợn, một tuần sát trùng một lần. Riêng trong những ngày qua, do sợ dịch bệnh nên 3 ngày xịt thuốc sát trùng một lần.

         
         Tại TP. Phan Thiết, hiện có khoảng 1.000 hộ chăn    nuôi lợn, với khoảng 10.000 con. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các    xã vùng ven như Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi.

Ông Ngô Văn Lang - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp TP. Phan Thiết cho biết: Trước diễn biến phức tạp của DTLCP tại các tỉnh thành, trung tâm mỗi tuần đều xuống cơ sở để kiểm tra, nhắc nhở các hộ nuôi về tình hình dịch bệnh. Đồng thời, tuyên truyền cho các chủ lò, hộ chăn nuôi chú trọng vệ sinh tiêu độc khử trùng, người chăn nuôi không được tiêu thụ lợn bệnh, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi. Ông Lang cho biết thêm: Những ngày qua, cơ quan chuyên môn thú y triển khai tuyên truyền đến các phường, xã về thực tế bệnh DTLCP không lây sang người để người tiêu dùng yên tâm, không quay lưng với thịt lợn.

Mới đây nhất, trong dịp thăm trang trại chăn nuôi lợn ở xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã vận động người chăn nuôi tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y…

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hộ chăn nuôi chủ động phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi