Theo dõi trên

Giúp người nghèo vươn lên

21/02/2019, 09:44

BT- Làm sao để người nghèo ý thức tự thoát được nghèo, huyện Hàm Thuận Nam xác định điều quan trọng phải đi sâu sát, phải hiểu được người nghèo đang cần nhất cái gì, những điều kiện nào để họ có thể từ đó đưa cuộc sống của mình thoát khỏi nghèo đói…

 Tạo đà thoát nghèo

Thu hoạch 1,5 ha bắp lai, gia đình ông Mang Bá ở thôn 1, xã Hàm Cần đón Tết Kỷ Hợi khá sung túc. “Thời tiết không mấy thuận lợi, nhưng mình siêng năng bám rẫy, bắp trái sai hạt mừng lắm!”, Mang Bá nói. Nhớ lại trước đây, cứ đến vụ mùa, Mang Bá gặp nhiều khó khăn bởi thiếu vốn mua phân, làm đất, giống… phải chạy ngược xuôi mua chịu ở các cửa hàng, đại lý phân bón. Từ khi có chính sách đầu tư ứng trước, bài toán kinh phí ban đầu đã được giải quyết nhờ được ứng trước giống, phân bón, tiền làm đất. Ngoài ra, Mang Bá cũng học thêm những kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc đúng cách tăng năng suất. Mỗi vụ thu hoạch bắp có đầu ra ổn định, không bị ép giá, trừ các khoản chi phí vật tư trả nợ ứng trước gia đình có lãi, từ đó tích lũy mở rộng sản xuất. Không riêng gì Mang Bá, từ những chính sách hỗ trợ sản xuất nhiều hộ nghèo ở xã Hàm Cần đã vươn lên thoát nghèo. Điểm đáng mừng, kỹ thuật canh tác nông nghiệp của đồng bào thay đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất tập trung, có quy mô hơn. Không chỉ trồng hoa màu, đồng bào Rai ở Hàm Cần còn canh tác thanh long cho lợi nhuận cao. Từ 32 hộ nghèo ban đầu được huyện Hàm Thuận Nam hỗ trợ mỗi hộ 100 trụ thanh long, hướng dẫn kỹ thuật canh tác vào năm 2014. Ban đầu còn khó khăn vì thiếu vốn, nương rẫy lại khá xa nên nhiều hộ chưa thể hạ bình điện để thu thêm vụ chong đèn. Thế nhưng hiệu quả kinh tế cây thanh long mang lại hơn hẳn hoa màu đã tạo nên sức hấp dẫn, những hộ nằm ngoài diện được hỗ trợ cũng thi đua sản xuất, đến nay toàn xã có 465 ha thanh long. Thanh long đã bám trụ những mầm xanh vững chãi ở xã vùng cao này, số hộ nghèo vì thế cũng giảm đáng kể.

 Trao “cần câu”

Có thể thấy việc giảm nghèo không hề đơn giản. Thực tế, lâu nay trong chuyện xóa đói giảm nghèo, người ta hay nói tới đưa cho người nghèo “con cá” hay cái “cần câu”. Hiểu một cách ẩn dụ nếu đưa cho người nghèo con cá thì người đó sẽ ăn hết ngay, sau đó nghèo vẫn hoàn nghèo, còn nếu đưa cho họ cái cần câu thì họ buộc phải đi câu lấy cá mà ăn, cũng có nghĩa là hỗ trợ để họ tự vươn lên thoát nghèo. Một trong những nguyên nhân nghèo là người dân thiếu vốn, ít hiểu biết về cách thức làm ăn. Hàm Thuận Nam xác định việc tiên quyết giảm nghèo là hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất cho người nghèo. Có vậy mới giúp người nghèo thay đổi nhận thức, lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp với đất đai, hoàn cảnh của mình và mạnh dạn trong đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt phấn đấu thoát nghèo. 

Trong năm 2018, các ngành chức năng của huyện đã phối hợp giải ngân hơn 10,4 tỷ đồng từ các nguồn vốn cho 257 hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vay làm kinh tế. Trong đó, nguồn vốn đã phát huy được hiệu quả giảm nghèo bền vững phải kể đến vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hộ nghèo đầu tư trồng thanh long, chăn nuôi bò, trồng bắp. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh thực hiện đầu tư ứng trước cho 607 hộ đồng bào dân tộc thiểu số 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh về giống, vật tư để tổ chức gieo trồng 1.246 ha bắp lai… Thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi trồng trọt, đã cho hiệu quả kinh tế như: Nuôi bò sinh sản tại Mỹ Thạnh, 1 vụ lúa, 1 vụ đậu xanh tại xã Hàm Cần, nuôi gà ri ở 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh… Cùng với đó, các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên. Các phong trào tương thân tương ái của các đoàn thể, Mặt trận chung tay giảm nghèo phát huy hiệu quả: Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, Quỹ hỗ trợ nông dân, hội viên cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế, thanh niên lập nghiệp…

   T.Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giúp người nghèo vươn lên