Giữa dòng
Giữa dòng
BT- Nếu sơ sẩy… nghĩ đến đây, tôi bỗng nhớ hình ảnh 2 nữ cán bộ của xã Sơn Mỹ
ngồi trong lán tại thôn 3 canh xe chở cát lậu vào buổi trưa hôm ấy mà lo…
 |
Điểm khai thác cát lậu ở Láng Dầu. |
Phức tạp Láng Dầu
“Mình đi đây là chúng đã báo tin cho
nhau biết hết rồi. Chúng ngồi trong các quán nước ấy”- một cán bộ xã Sơn Mỹ nói
như nhắc tôi quan sát xem có đúng không. Đúng là, tại cái xã nông nghiệp lại
luôn bị thiếu nước này, đã giáp ranh với Vũng Tàu, cách xa trung tâm huyện Hàm
Tân hơn 30 km và để đến được phải mượn đường qua thị xã La Gi, lại có nhiều
người rảnh rỗi ngồi quán xá đến thế. “Bây giờ, Sơn Mỹ đang mùa gì anh? Mì, điều,
khoai từ, củ kiệu…” - tôi hỏi. “Không, đang mùa khai thác cát trái phép, giá cát
qua Vũng Tàu đang 1 triệu đồng/xe ben 6 khối cát”- câu trả lời vừa đùa vừa thật
của cán bộ xã Sơn Mỹ, người chở tôi đi xuống điểm mật phục mà cả bí thư, chủ
tịch xã… đã ở đó cả đêm qua đến giờ như thông báo một tình cảnh đang gay cấn ở
đây.
Sau một hồi băng qua đường bằng lẫn
đường gập ghềnh trong rừng trồng, chúng tôi cũng đến nơi cần đến. Láng Dầu, địa
danh đã nổi tiếng, vì trước đó, có bao nhiêu cuộc ẩu đả, đẩy đuổi khai thác cát
trái phép diễn ra ở đây, lúc nóng ran, lúc im ắng nhưng đến giờ, hình như chưa
có dấu hiệu chấm dứt. Chỉ vì khu vực rộng lớn này có đến 5 hướng ra. Một chạy
thẳng ra gặp QL1A. Một hướng theo đường vào thôn 3, nơi chúng tôi vừa đi qua.
Một chạy tới thôn 1, từ đây có đến 3 lối dẫn ra đường lớn. Khai thác sự phức tạp
này, bọn trộm cát luôn rình rập Láng Dầu. Và đêm hôm qua, cả bí thư lẫn chủ tịch
xã cùng đoàn đủ thành phần đi mật phục bắt cát tặc ở đây, nhưng khi chúng tôi
đến thì không thấy đâu. Nghe nói sáng sớm, đoàn đã di cư đến một điểm nóng khai
thác cát lậu khác.
Trước mắt tôi hiện ra một vùng đất
cát trắng tinh bị đào bới, bị múc lung tung, tạo ra những hầm hố loang lổ, nằm
lọt giữa rừng keo lai và những vạt mì xanh ngát. Anh cán bộ xã kể “lịch sử” của
những hầm hố ấy với nét mặt căng thẳng khiến tôi có thể hình dung nơi đây đã bị
bao kẻ ủ mưu ra sao để kiếm tiền bất chính nhanh nhất. “Vốn dĩ đây là đất trồng
mì của một hộ dân nhưng không hiểu sao, bọn hắn lại vào đây tự tiện khoắng cát
chở đi. Chủ đất thì cứ lơ ngơ rằng, không biết và cũng chẳng có phản ứng gì gọi
là bị xâm phạm đất đai thuộc quyền sử dụng. Ai chẳng biết làm 1 vụ mì, lời cao
lắm chục triệu đồng, có khi bị lỗ nhưng nếu ngầm cho khai thác thì hắn cầm được
vài chục triệu đồng cùng lúc”.
 |
Xe chở cát lậu không biển số, che biển số. |
Một cán bộ xã khác lên tiếng: “Cát ở
Láng Dầu đã bị trộm từ 3 – 4 năm nay. Vì đất đã lở nên bọn hắn cứ bất thình lình
vào đây khoắng vài xe trong đêm, kiếm vài triệu đồng bỏ túi rồi nằm im nghe
ngóng để tiếp tục. Chính số tiền kiếm được quá hời, thêm nữa, cự ly qua Vũng Tàu
quá gần nên chỉ trong 1 đêm, 1 xe ben có thể múc 6 chuyến đã kích thích các khối
liên kết bất chấp quy định pháp luật hình thành. Người canh đường báo tin có ở
khắp nơi, công được trả cụ thể như ban ngày 300.000 đồng, còn ban đêm 500.000
đồng”. Với chất giọng Quảng Trị và ngôi thứ 2 mà người dân miền này, dù di cư
vào Sơn Mỹ rất lâu nhưng sống chung với cộng đồng cùng quê, nên họ vẫn hay dùng
từ “hắn”, tôi bỗng thấy thật phù hợp trong tình huống manh động trên. Và qua từ
“hắn” đó, có cảm giác hình như các cán bộ xã biết cụ thể cát tặc là ai…
Canh cát tặc
“Biết chứ! Đều dân trong xã cả mà!”
- Bí thư và Chủ tịch xã Sơn Mỹ cùng trả lời tôi như thế, ở dưới một tán rừng
trồng, nơi các anh vừa di chuyển đến vào sáng tinh mơ, khi chỗ cũ có đối tượng
bịt mặt chạy xe thám thính phát hiện ra. Cách đó không xa là một điểm nóng khai
thác cát lậu. Và theo chiều gió, mọi động cơ nào xuất hiện nơi ấy, ở đây rất kín
đều nghe được, sẵn sàng xuất hiện bắt tại trận, lập biên bản, đem xe về xã. Tôi
chợt nhớ, khi vào khuôn viên xã thấy 3 chiếc xe chở cát đang bị giữ lại nhưng xe
nào cũng che biển số, hình như bằng cách quét vôi trắng lên. Ai nghĩ một số
người dân vùng quê nghèo này, khi đối diện với lợi ích bất chính lại lươn lẹo
đến thế. Do vậy, càng hiểu hơn chuyện lãnh đạo xã Sơn Mỹ nói, rằng việc vận động
tuyên truyền, bắt ký cam kết không khai thác cát trái phép, ký cam kết không tái
phạm… đều không đem lại hiệu quả gì. Đó là đúc rút từ 3 năm qua, đánh dấu từ năm
2017, thời điểm các tỉnh phía nam “khát” cát xây dựng như trời hạn trông mưa,
khi chính quyền những nơi này ban bố khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ
sông là phải ngưng khai thác cát giữa dòng…
Sơn Mỹ, vùng quê nghèo, thiếu đủ
thứ, chung quy chỉ vì vùng cát, trồng cây gì cũng vất vả thì đến lúc đó, người
người mới nhận ra cát trắng nơi đây là một hàng hóa đặc biệt hơn hết thảy. So
với cát nơi khác, gần như xã Thắng Hải, xa hơn chút là Bình Châu thuộc Vũng Tàu,
cát Sơn Mỹ sạch như đã qua tuyển rửa. Thêm nữa, chất lượng cát còn khiến các nơi
phải xuýt xoa, vì chỉ qua 1 bước pha trộn, cát Sơn Mỹ vốn dành cho bồi nền có
thể chuyển sang cát tô. Nghe nói, một số mỏ bên Vũng Tàu đã mua cát Sơn Mỹ để
trộn với cát bên ấy mới có thể bán cho các thầu xây dựng lớn với giá cao. Đó là
tất cả những gì khiến cát Sơn Mỹ luôn hút hàng từ đó đến nay. Và việc ngăn chặn
khai thác cát lậu càng gắt gao thì sản phẩm càng có giá cao. Cát càng có giá,
không ít người dân trong xã bất chấp tất cả, lao vào như con thiêu thân, đối phó
chính quyền xã bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, manh động. Cũng đi canh bắt như hiện
tại nhưng lúc ấy, lực lượng mỏng, chính quyền xã loay hoay, nên việc ngăn chặn
khai thác cát như “bắt cóc bỏ dĩa”. Từ năm 2017 đến năm 2019, cán bộ xã bị kiểm
điểm liên tục. Năm nào cũng chỉ hoàn thành nhiệm vụ…
 |
Lán canh bắt xe cát lậu. |
“Nhưng năm nay, chắc sẽ không như
thế nữa” - Bí thư Đảng ủy xã Trần Sỹ Quốc, người mới được Huyện ủy Hàm Tân tăng
cường xuống Sơn Mỹ từ cuối tháng 5 năm nay nhìn các thành viên trong tổ mật phục
nói như động viên. Dưới tán rừng trồng của buổi mai mát rượi nhưng nét mặt ai,
ngay cả anh công an chính quy trẻ măng cũng lộ sự mệt mỏi, vì mất ngủ. Hình như
sự mất ngủ này đâu chỉ đêm hôm qua? Nghe tôi thắc mắc thế, những người trong tổ
mật phục, mỗi người một ý về một thời gian quyết liệt canh, bắt cát tặc nhọc
nhằn thế nào. Tôi hình dung câu chuyện diễn biến như sau: 5-6 tháng qua, khi xã
có bí thư mới, cả hệ thống chính trị của xã đều vào cuộc canh cát tặc, huy động
cả trưởng thôn, huy động cả cán bộ nữ... Có thuận lợi là thêm 5 công an chính
quy về xã nên hình thành lực lượng phân tổ, phân ca ra trực tại các điểm hay bị
trộm cát, chốt chặn ở những lối ra vào… Tất cả khiến không ít đối tượng chuyên
trộm cát đã trở nên manh động hơn trước. Có chuyện chúng ném chất bẩn vào nhà
cán bộ xã. Đã xảy ra cảnh 30 đối tượng loai choai bao vây 2 cán bộ xã gây hấn…
Còn những cuộc chạm mặt, bắt tại trận diễn ra luôn nảy lửa. Có lúc, chúng nhảy
xuống giật máy ảnh để hủy chứng cứ, nhất là những khi gặp các nữ cán bộ bắt vào
ban ngày. Có lúc, gặp cả tổ công tác, đối tượng thường nhấc thùng xe đổ cát rồi
bỏ chạy… Tính ra, đã bắt được 37 trường hợp vi phạm trong khai thác, vận chuyển,
tàng trữ cát không rõ nguồn gốc, xử phạt hơn 75 triệu đồng. UBND xã đã tổ chức
xác minh chủ sử dụng đất tại các vị trí xảy ra khai thác cát trái phép. Lập biên
bản vi phạm hành chính 17 trường hợp về sử dụng đất sai mục đích. Đã có khoảng
35 xe ben chuyên chở cát lậu ngưng hoạt động. Đến lúc này, gần cuối năm 2020, có
thể nói tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn Sơn Mỹ giảm rất
nhiều so với trước. Cũng nhờ vậy, 1 mỏ cát có phép ở xã hoạt động từ đầu năm
nhưng phải đến những tháng gần đây, mới bán được hàng .
Bây giờ, trong xây dựng đang vào mùa
hoàn thiện những công trình, cát xây tô có tiếng của Sơn Mỹ lại được săn lùng.
Thật lạ, cát xây tô ấy có rải khắp ở Sơn Mỹ, nhưng sạch, đẹp như cát lấy giữa
dòng nên dự báo chuyện trộm cát sẽ tiếp diễn. Tôi bỗng liên tưởng đến những
người canh, bắt cát tặc ở đây, hiện cũng như trong cảnh giữa dòng, khi việc canh
giữ này mất quá nhiều thời gian, sức lực nên phải cân đối, bảo đảm thực hiện tốt
bao nhiệm vụ khác của 1 xã. Nếu sơ sẩy… nghĩ đến đây, tôi bỗng nhớ hình ảnh 2 nữ
cán bộ của xã Sơn Mỹ ngồi trong lán tại thôn 3 canh xe chở cát lậu vào buổi trưa
hôm ấy mà lo…
5 - 6 tháng qua, khi xã có bí thư mới, cả hệ thống chính trị của xã đều
vào cuộc canh cát tặc, huy động cả trưởng thôn, huy động cả cán bộ nữ...
Có thuận lợi là thêm 5 công an chính quy về xã nên hình thành lực lượng
phân tổ, phân ca ra trực tại các điểm hay bị trộm cát, chốt chặn ở những
lối ra vào… |
Phóng sự: Bích
Nghị