Theo dõi trên

Giữ lửa làng nghề

21/07/2017, 09:16 - Lượt đọc: 1,314

BT- Tôi có người anh ở Na Uy về nước nhờ đặt mua một lượng đũa lớn để sang bán lẻ cho cộng đồng người Việt, người Thái, người Trung Quốc ở đó. Tôi đưa ra cho anh các lựa chọn về đũa hiện có trong nước: Đũa kim giao, đũa xăng đá, đũa dấp, đũa mun, đũa trắc, đũa tre, đũa đước, đũa cau, đũa dừa, đũa lá buông, đũa nhựa, đũa hợp kim… Anh nói nhanh: “Ở đây, người ta chỉ chuộng đũa sóng lá buông thôi”. Tôi đi tìm và đã gặp ông Nguyễn Quang Thái, người giữ lửa cho làng nghề truyền thống làm đũa lá buông. Hiện ông là chủ cơ sở sản xuất đũa Thái Nguyên ở thôn 2, xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh.

                
Sản xuất đũa lá buông.

Thăng trầm làng nghề

Cô Nguyễn Thị Lệ Duyên, cán bộ xã Suối Kiết, kể rằng: Nghề làm đũa lá buông ở Suối Kiết lâu đời lắm, từ lúc dân ở đây còn rất thưa thớt, là nghề làm thêm của dân làng sau khi thu hoạch rẫy bái. Khi Duyên còn bé tẹo đã thấy bà ngoại mình cùng với cả nhà ngày đêm ngồi vót đũa và ông ngoại suốt ngày cưa những cây mép lá buông ra từng khúc ngắn rồi chẻ thành những chiếc đũa thô. Các nhà xung quanh nơi Duyên ở đều làm nghề này. Người dân Suối Kiết ngày ngày gùi đũa lá buông đi bán khắp nơi, nó là nguồn tiền chợ, tiền áo quần, thuốc men của cả làng. Chẳng biết từ lúc nào nghề này bị quên lãng dần, thậm chí tưởng có lúc mất hẳn, cho đến một ngày nó được sống lại, cái ngày mà những người lớn tuổi thường nói với nhau:  Đúng là cùng tắc biến!

22 giờ 40 phút, thứ ba ngày 23/10/2001 là mốc thời gian quan trọng đánh thức làng nghề làm đũa sóng lá buông. Khi ấy đàn voi 8 con bất ngờ xuất hiện tại khu vực đất dự án trại giam Ðồng Tháp, khu vực Suối Gà Lôi, Suối Sâu thuộc địa phận xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh. Anh Điểu Hùng (SN 1978) là nạn nhân thứ 12 bị voi giẫm chết đã như một giọt nước tràn ly, người dân Suối Kiết không chỉ sống với nơm nớp lo trước ngó sau trong những ngày trước đó mà là nỗi sợ hãi thật sự bao trùm lên tất cả. Họ cuống cuồng bỏ chạy về hướng tỉnh lộ 710, để lại sau lưng hơn 1.000 ha hoa màu đang kỳ thu hoạch đã bị tàn phá. Trước cảnh cùng cực màn trời chiếu đất của hơn 440 người dân chạy voi, UBND xã Suối Kiết đã họp khẩn cấp và quyết định thành lập tổ hợp sản xuất đũa sóng lá buông, tái sinh trở lại nghề truyền thống  bị mai một, để giải quyết cấp thời công ăn việc làm cho bà con. Lợi thế lớn nhất lúc bấy giờ là rừng lá buông vẫn còn dày đặc hai bên đường và ông Nguyễn Quang Thái, người phụ trách tổ hợp cùng ba thành viên nữa trong dàn lãnh đạo xã là những người rất rành nghề làm đũa.

Bốn thành viên chỉ đạo tổ hợp, mỗi người tự nguyện chạy vạy nộp vào 3 triệu đồng lo cái ăn tối thiểu trong thời gian hướng dẫn nghề cho bà con. Hạt Kiểm lâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp tổ hợp có được nguồn nguyên liệu miễn phí. Tất cả các khâu cắt, xẻ, chẻ, vót đều được khoán xuống từng hộ gia đình, khi đũa ra thành phẩm thì có một bộ phận lo phần đầu ra. Nhờ sự lanh trí của Ủy ban xã, nhờ tài chỉ đạo, xoay xở khéo léo của ông Thái mà hơn 440 người dân chạy voi đã thoát khỏi nạn đói mà có lúc tưởng là chuyện đương nhiên.

 Rừng buông cạn kiệt, thách thức mới

“Nhìn tay biết ngay nghề đũa”, bà Mang Thị Kha vừa đưa cho chúng tôi xem những ngón tay cong vênh, móng tay mòn vẹt sát tận da với rất nhiều vết xước, vừa nói như thế. Bà lại cười móm mém tiếp tục câu chuyện về cái nghề mà bà làm gần như suốt cuộc đời đã hơn 70 tuổi của mình. Nỗi lo đứt nghề đã hiển hiện trên ánh mắt của từng người dân khi rừng lá buông ở Suối Kiết đang dần cạn kiệt, cây lá buông con mọc và phát triển rất chậm, còn lâu mới có được khu rừng giàu nguyên liệu như ngày xưa. Suối Kiết hoàn toàn không có ruộng, nguồn lương thực chủ yếu dựa vào việc trồng tỉa trên mặt rẫy bái, chính vì vậy mà các rẫy mì, rẫy bắp cứ lấn dần những vùng đất trước đây là rừng lá buông. Việc gì đến sẽ phải đến, rừng lá buông thực sự cạn kiệt, đi tìm đỏ con mắt cũng không được một mép lá buông nào. Đứt nghề! Tất cả đang thở ra, không biết rồi ngày mai lấy tiền đâu ra để lo cho đời sống. Tổ hợp chia phần ít ỏi tiền bạc còn lại cho các thành viên và giải tán.

Không ai biết rằng có một người còn lo hơn, lo đến mất ăn mất ngủ là ông Nguyễn Quang Thái. Ông âm thầm đón xe đi tận Sông Lũy, rồi lặn lội lên mãi miệt rừng Lộc Ninh, Sông Bé, rừng Sông Ba, Gia Lai để tìm nguồn mép lá buông. Sau khi nắm được lượng nguyên liệu tương đối và đặt hàng cho những người dân tộc thiểu số ở đây, năm 2003, ông mạnh dạn mở lại cơ sở sản xuất đũa sóng lá buông, lấy tên là Thái Nguyên. Ông Thái vay tiền Ngân hàng Nông nghiệp huyện đầu tư thêm các máy đánh nhám, máy chuốt bóng, đầu tư thêm khâu in ấn bao bì cho loại hàng đặc biệt giá cao. Lúc bấy giờ, con trai lớn của ông là Nguyễn Quang Thuận vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa là người hỗ trợ đắc lực cho việc thiết kế các loại máy móc.

                
Ông Nguyễn Quang Thái đang bào đũa.

Các khâu sản xuất đũa đều khoán hết cho bà con nông dân, riêng khâu cuối cùng hoàn thiện sản phẩm tự tay ông Thái làm lấy. Thị trường được mở rộng, sản lượng tăng cao để đáp ứng, sản phẩm đẹp hơn nên giá cả có tăng lên, mức khoán ở các khâu cắt, xẻ, chẻ, vót đều cao hơn trước đây làm cho bà con nông dân phấn khởi nhận khoán nhiều hơn. Cơ sở vừa khởi động đã đón nhận sự ủng hộ của nhiều người.

Ông Thái tâm sự: “Có năm lãi đến vài trăm triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm hộ nông dân và nhất là gia đình tôi đủ tiền lo cho ba đứa con vào thành phố Hồ Chí Minh học đại học. Cơ sở ngày càng đi vào ổn định”.

Nhưng một lần nữa nghề đũa truyền thống Suối Kiết lại phải đối mặt với nạn cạn kiệt nguyên liệu. Ông Thái lại khăn gói tất tả sang tận Campuchia đặt hàng và hướng dẫn cách khai thác. Giá thành sản phẩm đội lên cao là một thách thức không nhỏ trong việc giao dịch và sự tồn tại của cơ sở. Ông Thái lại một lần nữa mất ăn mất ngủ tính toán để duy trì số lượng đầu ra. Với các sản phẩm đũa loại một, loại hai và đũa thô ông vẫn giữ mức giá cũ, tức chấp nhận phần lãi ít đi (loại 1, 150.000 đồng/bó 50 đôi, loại 2, 120.000 đồng/bó 50 đôi, loại thô, 57.000 đồng/bó 50 đôi). Riêng sản phẩm đũa đẹp đặc biệt, ông tăng sản lượng, tích cực tìm đầu ra từ những Việt kiều về nước và nâng giá lên chút ít (35.000 đồng/hộp 10 đôi) để bù cho các loại sản phẩm khác. Tiếng lành đồn xa, bà con Việt kiều ngày càng đặt hàng nhiều hơn. Ông lại vay thêm ngân hàng mạnh dạn đầu tư thêm các máy cắt, máy xẻ, máy bào, máy đánh nhám... để giảm giá thành sản phẩm.

“Vừa qua, con trai Nguyễn Quang Thuận của tôi đang tích cực thiết kế thêm dàn máy liên hợp sản xuất đũa gỗ tạo sự phong phú cho sản phẩm đũa và giải phóng bớt sức lao động tay chân. Dàn máy liên hợp này sẽ hoạt động trong nay mai”. Ông Thái tự hào chia sẻ với chúng tôi về cách hiện đại hóa dần dần các khâu sản xuất với vai trò vô cùng quan trọng của người kế thừa tiếp theo cái nghề  mà ông phải trải qua bao sóng gió hơn 20 năm qua để giữ lửa được tới ngày nay. Con trai ông, một kỹ sư chế tạo máy, chắc chắn sẽ đưa việc sản xuất đũa phát triển theo hướng hiện đại hơn. Thị trường dự định sẽ mở rộng ra phía Bắc, dần dần đưa sản phẩm đũa sóng lá buông Suối Kiết và đũa gỗ Suối Kiết có mặt ở khắp các vùng miền cả nước. Một viễn cảnh tươi sáng của gia đình ông và của cả vùng quê nghèo này là điều cả ông, dân làng Suối Kiết và cả chúng tôi, những người làm báo, có quyền tin tưởng.

Ký: Nguyễn Tân Hải



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ lửa làng nghề