Theo dõi trên

Giảm nghèo còn thiếu bền vững

27/09/2018, 11:02

BT- Thời gian qua, trong điều kiện kinh tế - xã hội của Bình Thuận còn khó khăn, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đã tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm...

                
Trao nhà cho người nghèo.

 Vượt mục tiêu đề ra

Trong 2 năm (2016 - 2017) toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo là 2,3%, bình quân mỗi năm giảm 1,15%, đạt mục tiêu tỉnh đề ra giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 - 1,2%/năm. Đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 20% trong 2 năm giảm 9,66%, bình quân mỗi năm giảm 4,83%, đạt vượt mục tiêu của tỉnh đề ra bình quân mỗi năm giảm từ 2 - 3%;  giảm từ 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 20%) đầu năm 2016 xuống còn 8 xã đầu năm. Đồng thời, thông qua tác động từ các dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tình hình đời sống của người nghèo, cận nghèo đã được cải thiện rõ rệt; cơ sở hạ tầng ở các thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được hoàn thiện, tăng cường, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và thông tin... Nhiều công trình cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng khang trang, nhất là hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế và công trình thủy lợi ngày càng hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, trao đổi sản phẩm, rút ngắn khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, giữa nông thôn và thành thị.

Các chính sách giảm nghèo được triển khai tương đối đồng bộ và kịp thời nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với học sinh sinh viên. Nhờ đó, đời sống, thu nhập của người dân, nhất là người nghèo được cải thiện, nâng lên. Đầu năm 2018, toàn tỉnh còn 11.085 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,67% và 14.445 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,78% so với tổng số hộ toàn tỉnh.  

Vẫn chưa bền vững

Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác này ở Bình Thuận vẫn còn những tồn tại: Nguồn vốn Trung ương đầu tư cho từng dự án của chương trình còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu; việc giải ngân chậm đã ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các công trình đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Bên cạnh đó, ngân sách địa phương khó khăn nên nguồn vốn đối ứng thực hiện các dự án của chương trình còn thấp, chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; chưa được phân khai kinh phí thực hiện việc mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học cho các trường thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác và việc huy động nguồn lực trong xã hội tập trung cho công tác giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn.

Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách giảm nghèo ở địa phương, cơ sở tuy có quan tâm nhưng chưa được thường xuyên nên có nơi người dân chưa nắm bắt được thông tin đầy đủ các chủ trương, chính sách giảm nghèo bền vững; nhận thức, trách nhiệm của người dân tham gia vào công tác giảm nghèo tuy có chuyển biến nhưng còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa và trong đồng bào dân tộc thiểu số còn biểu hiện tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Công tác niêm yết, công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo nơi công cộng còn một số địa phương thực hiện chưa tốt. Công tác chỉ đạo triển khai ở một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu các giải pháp cụ thể trong quản lý, điều hành. Kết quả giảm nghèo còn biểu hiện thiếu vững chắc, tính bền vững chưa cao, các hộ thoát nghèo chủ yếu nằm trong danh sách hộ cận nghèo nên có nguy cơ tái nghèo. Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm còn nhiều bất cập do tiêu chí xác định thu nhập của hộ theo phương pháp đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, dẫn tới còn một số hộ thuộc diện nghèo nhưng không được công nhận là hộ nghèo, gây sự bất bình, thắc mắc trong nhân dân. Năng lực của cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp cơ sở, nhất là các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế trong công tác tham mưu triển khai thực hiện các dự án, chính sách thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo…

Thời gian đến cần tập trung làm theo như mục tiêu của tỉnh đề ra: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; từng bước nâng cao điều kiện sống, tăng thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo, nhất là ở các xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng và các nhóm dân cư. Tiếp tục phát động phong trào thi đua “Bình Thuận chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2017 - 2020 đến các cấp, các ngành…               

Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm nghèo còn thiếu bền vững