Theo dõi trên

Gia tăng tai nạn lặn biển

23/05/2018, 09:08

BT- 3 năm gần đây, số ngư dân bị tai biến, tử vong do lặn biển có xu hướng tăng. Ngư dân lặn quá sâu khoảng 30m nên tăng giảm áp đột ngột, thiếu trang thiết bị, kỹ năng dự phòng nên gia tăng tai nạn.

                       
Máy oxy cao áp tại Bệnh viện YHCT và phục    hồi chức năng Bình Thuận.

Tăng, giảm theo “biểu đồ hình sin”

Theo Sở Y tế, tai nạn do lặn biển để lại hậu quả nặng nề cho ngư dân và gia đình như liệt não, liệt do tổn thương tủy sống, thậm chí tử vong… Từ năm 2014 đến nay,  có hơn 40 trường hợp tai biến do lặn biển xảy ra; trong đó có 10 trường hợp tử vong ngoại viện, phần lớn tập trung ở huyện đảo Phú Quý. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn nhiều như La Gi, Hàm Tân, Phước Thể (Tuy Phong), Phú Quý, Phan Thiết là những nơi có nhiều ngư dân hành nghề lặn.

Bác sĩ Phạm Thanh Bình (Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT và phục hồi chức năng Bình Thuận) cho biết: 2 năm 1998, 1999 là thời điểm cao điểm nhất về tỷ lệ tàn tật, tử vong do lặn biển. Bởi đặc thù lặn sò, bàn mai đem lại kinh tế cao, thu hút khoảng 2.000 người lặn. Sau thời gian ấy, số người lặn giảm đáng kể;  có thể do ý thức rủi ro của nghề lặn nên dần dần chuyển ngành nghề. Tuy nhiên, 3 năm gần đây số ngư dân bị tai biến, tử vong do lặn biển có xu hướng tăng.

Nếu cách đây 2 thập niên, Bình Thuận có khoảng 2.000 người lặn biển, thì hiện số người này giảm còn khoảng 800 – 900 người. Rõ ràng, từ số liệu trên cho thấy, số lượng người lặn giảm nhiều, nhưng số lượng người bị hội chứng lặn biển tăng - giảm theo “biểu đồ hình sin” trong suốt 2 thập niên.

 Thiếu thiết bị, kỹ năng

Một số ngư dân lặn tiết lộ, trên ghe không có thiết bị gì hiện đại cho thợ lặn, không được trang bị quần áo bảo hộ chuyên dụng. Chỉ dùng máy nén không khí truyền oxy cho người lặn. Giả sử trên ghe có 5 người lặn, máy truyền oxy có  5 đầu vòi. Mỗi người ngậm một đầu vòi oxy này lặn dưới biển. Khi có sự cố từ dây dẫn oxy hoặc máy phát điện, ngư dân phải trồi lên mặt nước, do thay đổi áp suất đột ngột nên tử vong hoặc bị liệt. Với kỹ thuật lặn, chủ yếu theo kiểu “nghề dạy nghề” (người đi trước bày người đi sau).

Bác sĩ Bình nói thêm: Ngư dân lặn quá sâu (30m), tình hình sức khỏe không ổn định. Khi trồi lên mặt nước đột ngột, khí nitơ trong máu không đào thải qua da, nước tiểu, hơi thở; mà trở thành bọt khí gây tắc mạch dẫn đến tai biến não, liệt chi, tử vong… Lặn càng sâu, tỷ lệ tai biến càng cao. Đặc biệt, ngư dân lặn thường dùng phương pháp giảm áp theo dân gian cho người bị nạn chưa đúng kỹ thuật.

 Làm tốt dự phòng

Để hạn chế ngư dân gặp tai nạn lặn biển, các ghe tàu phải trang bị bình oxy, mặt nạ thở... để xử lý cấp thời cho người bị nạn trong thời gian “vàng” từ 4 phút đến 1 -2 giờ. Các ngư dân phải kiểm tra sức khỏe trước khi lặn; tham gia tập huấn kỹ thuật lặn, sơ cấp cứu tai nạn lặn. Đồng thời, các cơ sở y tế tại các vùng ven biển như La Gi, Tuy Phong, Phú Quý… cần được đầu tư máy oxy cao áp. Đây là máy đặc hiệu điều trị cho người bị hội chứng lặn. Đó là khuyến cáo của bác sĩ Bình.

Theo Sở Y tế, trong thời gian tới, Hiệp hội Pháp ngữ tương trợ và phát  triển các khoa học đời sống (AFEPS) sẽ hỗ trợ chương trình đào tạo cấp cứu tai nạn lặn biển cho ngư dân lặn Bình Thuận.

Trang Hiếu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gia tăng tai nạn lặn biển