Theo dõi trên

Gành Son… không son!

29/05/2018, 09:38 - Lượt đọc: 216

BT- Gành Son thuộc xã Chí Công của huyện Tuy Phong là một bãi biển đẹp, nhưng vẫn còn hoang sơ, ví như “nàng công chúa áo đỏ” say sưa ngủ chưa bị đánh thức. Tuy nhiên vấn nạn rác thải mỗi ngày đã và đang làm xấu đi những bãi cát mênh mông, ghềnh đá huyền thoại và màu xanh hiền hòa của biển cả.

Gành Son “kêu cứu”

Mặc dù không có bảng chỉ dẫn cụ thể, nhưng hỏi Gành Son (Chí Công) thì ai cũng biết. Từ chùa Phước An thuộc thôn Hà Thủy 1, đi chừng cây số nữa sẽ gặp một đường mòn vài chục mét, đây là con dốc bẩn thỉu và hôi thối với lổn ngổn những rác thải sinh hoạt dọc hai bên. “Lễ, tết Gành Son đông đúc, người dân địa phương và du khách họ đều tìm đến. Rác cũng nhiều vô số kể, Đoàn thanh niên vừa thu gom nên lối vào mới bớt rác. Dù mê mẩn biển đẹp nhưng mỗi lần vào Gành Son em đều bịt mũi”, chị Phạm Xuân Hương - một cán bộ xã đi cùng nói bằng giọng tiếc nuối. Dù gió biển lồng lộng thổi cũng không thể giảm bớt mùi hôi tại con đường nhỏ này. Qua “đường mòn rác” một đoạn nữa sẽ gặp con hẻm nhỏ bằng bê tông và đá có thiết kế tâng cấp dẫn vào Gành. Ngay cuối con dốc có một hàng quán bé xíu, tạm bợ nhưng khá sạch sẽ để dừng chân. Từ nơi hàng quán hiện ra những ngọn núi đất đỏ như son nằm nhìn thẳng ra mặt biển. Một màu đỏ thẫm nhô cao, lồi lõm như bị đẽo gọt của thời gian.

Gành Son trước mắt tôi là sự pha trộn của những mảng màu đa sắc. Thiên nhiên như một họa sĩ lãng đãng say sưa tạo hình cho biển nhưng sơ ý đánh rơi lọ màu đành pha thêm một phối cảnh mới là những ngọn đồi đất sét lưng chừng như hành tinh đỏ xa xôi, kỳ bí. Chính điều này đã tạo nên một nét rất riêng gây ấn tượng bằng sự tương phản thị giác khi ai đó dừng chân và chiêm ngưỡng thắng cảnh này. Nhưng đáng buồn thay, Gành Son trong ngày nắng rát bỏng trưa tháng 5 nắng chang chang thu vào tầm mắt nhìn đâu cũng thấy rác. Cát không còn màu trắng mịn màng mà đan xen trên đó là vô vàn túi ni lon nửa bị cát vùi trong cát, nửa là đà với gió biển. Trên những gành đá, dọc ngọn đồi cheo leo nhìn xuống biển, rác chiếm gần hết đất. Rác giành giật cả “mạch sống” của cây cỏ. Dân cư sống sát Gành Son khá đông, chưa kể những năm gần đây nhà cửa tự phát của một số hộ dân mọc lên nên rác lưu cửu và rác sinh hoạt vô tư cứ đổ xuống biển ngày càng nhiều. Một vài ngôi mộ bê tông rải rác nằm ngay sát nhà người dân, có ngôi mộ còn để trống hoác không hiểu vì lý do gì…

 Thời gian và sự bào mòn

Sau một hồi đội nắng khám phá xung quanh “hành tinh đỏ” lạ mắt, tôi trở lại hàng quán nhỏ ở lối vào của Gành Son. Hương đợi tôi ở đó, thong thả chuyện trò với ông Ngô Minh Tiến, chủ quán nước. Tại quán treo khá nhiều tấm biển khẩu hiệu vận động người dân không vứt rác bừa bãi. Tấm được treo ngay tại cạnh bàn khách ngồi uống nước. Tấm thì treo ngay đầu lối vào Gành Son và nếu từ biển chỉ cần ngước mắt lên là cũng thấy những khẩu hiệu thật dễ thương, ngộ nghĩnh: “Ê, em kia đừng xả rác bừa bãi”, “Hãy cho chúng tôi xin rác”… Sự tò mò của tôi cắt ngang cuộc nói chuyện giữa họ. Hương giải thích: “Đó là những tấm khẩu hiệu của Đoàn thanh niên xã, mỗi năm 1 lần các bạn trẻ đều ra quân dọn rác ở đây”. Quay sang ông Tiến tôi hỏi thêm về câu chuyện rác thì ông thở dài ngao ngán: “Rác mỗi ngày càng nhiều tôi thấy mà buồn lòng. Cứ hễ rảnh là tôi dọn rồi đốt nhưng đâu lại vào đấy”. Ngoài 70 tuổi, ông Tiến vẫn khỏe khoắn, giọng hào sảng đậm chất miệt biển. Chiều chiều khi Gành Son yên bình với trẻ nhỏ nô đùa trên bãi biển, người dân các thôn đổ ra biển tắm, ông Tiến lại cào rác dồn thành đống đợi gió lặng đốt đi. Mùa nam, sóng ở Gành Son êm ả, ghe thuyền lại đưa nhau về cập bến neo đậu. Ngư dân họ đổ vào quán nhỏ của ông  mua những thứ lặt vặt, nghỉ chân sau những giờ lênh đênh trên biển. Còn khách du lịch họ cũng tấp vào quán trú nắng, ngồi hưởng từng làn gió biển thổi vào mát rượi. Ông bảo người dân và du khách họ thích Gành Son, thích những làn gió biển, thuyền thúng lác đác nằm nghỉ ngơi yên bình dọc bãi biển, những đồi đất sét loang lỗ, sửng sốt đến kỳ lạ nên họ tìm đến. Nhất là tết cổ truyền khách du lịch đến đông lắm. Các món ăn vặt cũng được bày bán ngay trên bãi biển và quán ông lúc đó cũng chật ních người. Nhưng rồi khi họ rời chân, Gành Son phải nhận lại bao nhiêu rác là rác mà các thực khách vô tư trút vào biển. Ông Tiến gắn bó với Gành Son gần hai chục năm nay. Cái quán nhỏ ở Gành giúp ông mưu sinh qua ngày, ông thấy mình phải có trách nhiệm. Bởi vậy làm được gì để biển bớt rác thì ông làm, cứ vài ba ngày không ai bảo ông lặng lẽ gom rác đốt đi hay quét dọn lối đi vào Gành Son cho sạch sẽ. Thật đáng quý biết bao cách làm thiết thực vừa đáng yêu của các bạn trẻ xứ biển, của ông lão Tiến. Nhưng rồi tất cả sự nỗ lực dọn rác của những con người yêu biển cũng chỉ như “muối bỏ biển”…

                
Gành Son nhìn đâu cũng thấy rác...

Nơi hàng quán gió lộng, mắt nhìn những con sóng êm ả vỗ vào cát, ông Tiến nhớ lại: Trước đây, Gành Son đỏ và đẹp hơn bây giờ rất nhiều!. Nhưng rồi thời gian mưa gió bào mòn những đồi đất sét. Mỗi lần mưa nước mưa từ trên đỉnh đồi cao, đất đá một màu đỏ ối cũng theo đó mà đổ ra biển. Chưa kể Gành Son cũng bị người dân đẽo gọt làm cho xấu đi. Hồi đó chưa phổ biến thói quen dùng sơn công nghiệp sơn nhà. Bà con vùng này họ đào đất đá của Gành Son về sơn nhà. Nhà sơn bằng “son” của Gành Son bền, đẹp nhìn mê ly. Rồi sau này có người bị chết vì leo lên núi đất đỏ, chui vào hang đào son của Gành Son nên từ đó việc lấy son sơn nhà mới không còn nữa. Qua năm tháng, chỉ có những hòn đá cheo leo là vững chãi, cứ sừng sững trước bão táp phong ba. Cạnh Gành Son còn có ngôi chùa Phước An. Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chùa Phước An là nơi gặp gỡ, bàn bạc và trao đổi thời cuộc của các sĩ phu yêu nước đương thời. Đặc biệt, vào khoảng năm 1910 trước khi vào dạy học ở Trường Dục Thanh, Bác Hồ đã từng sinh sống tại chùa Phước An một thời gian. Chùa còn bảo lưu nguyên vẹn một bộ ván gỗ năm xưa Bác nằm nghỉ ngơi. Khách đến Gành Son dạo chơi họ không quên đi bộ qua chùa thắp nhang, thăm di tích lịch sử này. Gành Son từng đỏ và đẹp hơn hiện tại rất nhiều nên vào những năm 1990 thế kỷ trước, Gành Son đã nức danh được đoàn nghệ sĩ diễn viên trung ương đã đến thực hiện bộ phim “Dấu ấn của quỷ” (đạo diễn Việt Linh, giải B Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1993)…

 Cần giải pháp bảo tồn thắng cảnh!

Ông Dương Công Nhựt - Phó Chủ tịch UBND xã Chí Công bày tỏ sự băn khoăn, bởi địa phương chưa có cách nào để “cứu” cho thắng cảnh Gành Son bị ô nhiễm. Tất cả chỉ mới là đề xuất, đánh giá tính khả thi thực hiện, lãnh đạo xã cũng thừa nhận rất khó bởi còn thiếu sự chung tay. Ông Nhựt giải thích: “Trước đây, ở Gành Son dân cư thưa thớt, rác sinh hoạt họ cứ vứt ra biển đã thành một thói quen. Hiện nay dân số đông lượng rác thải lớn mà xe công ty môi trường chưa vào được. Ngày lễ, tết, có nhóm bạn trẻ “Vì Gành Son thân yêu” của Đoàn thanh niên vào dọn dẹp, xã có thuê 2 xe ben gom rác đến bãi tập kết nhưng vẫn không xuể”. Toàn xã dân số khá đông khoảng 2,3 vạn người, hiện xe rác vẫn chưa phủ kín được tất cả các đường của xã, đặc biệt là khu vực Gành Son.

Cũng có một số giải pháp chính quyền xã đưa ra như cử người đi học hỏi mô hình xã hội hóa thu gom rác ở các xã lân cận về áp dụng tại địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện cơ chế thu gom xã hội hóa bao giờ mới thực hiện được thì lãnh đạo xã chưa có câu trả lời. Trước khi có những giải pháp mạnh tay, dài hơi để Gành Son giữ được vẻ đẹp mẹ thiên nhiên ban tặng, xã phải nỗ lực hơn nữa trong tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân. Cấp thiết hơn bao giờ hết, UBND huyện Tuy Phong cần quan tâm yêu cầu đơn vị thu gom rác là Công ty Công trình công cộng huyện nghiên cứu đề xuất xã hội hóa thu gom rác của địa phương để cùng chung tay bảo vệ thắng cảnh này.

Mặc dù ở Gành Son chưa có một dịch vụ du lịch nào phát triển, nhưng địa danh này từng nức tiếng, khách đến tắm biển và thưởng lãm ngày càng nhiều. Đã từng có các chuyên gia về nghiên cứu, doanh nhân có tầm nhìn nghiên cứu đề xuất xây dựng resort ven biển làm du lịch thưởng lãm cảnh đẹp tuyệt mỹ của Gành Son. 

    
    Mai này   “nàng công chúa áo đỏ” có được đánh thức để khai thác tiềm năng hay   không là câu chuyện của quy hoạch, trước mắt đừng để khách du lịch phải   bịt mũi khi vào Gành Son và phải chạnh lòng bởi một thắng cảnh đẹp.

Phóng sự: Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gành Son… không son!