Theo dõi trên

Gắn đào tạo nghề với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa

09/07/2018, 14:35

BT- UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) năm 2018 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, góp phần tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp ổn định để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nửa đầu năm 2018, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 3.750 người, chiếm tỷ lệ 34,09%; trong đó, đào tạo nghề cho LĐNT 1.500 người, chiếm tỷ lệ 25%; có 1.082 LĐNT được đào tạo nghề nông nghiệp. Những con số trên cho thấy 6 tháng đầu năm 2018, việc triển khai công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn chậm, việc thực hiện chỉ tiêu đào tạo thấp so kế hoạch được giao. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề chưa thực sự sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, một bộ phận người lao động xem nhẹ việc học nghề. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, việc thực hiện chỉ tiêu đào tạo thấp so kế hoạch là do một số huyện triển khai ký hợp đồng đặt hàng còn chậm, mặc dù cơ sở đào tạo đã gửi danh sách học viên đăng ký tham gia học nghề. Trong đó, các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân chưa ký hợp đồng đặt hàng đào tạo nghề cho LĐNT. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động, tích cực mở lớp đào tạo, chưa phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề. Mặt khác, công tác phối hợp giữa Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chậm, chưa tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh phê duyệt định mức chi đào tạo nghề cho LĐNT năm 2018. Kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới còn hạn chế.

Phấn đấu đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 2.800 LĐNT được học nghề nông nghiệp, trong đó có khoảng 80% lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập sau đào tạo. Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, huyện, thị cần tăng cường công tác tuyên truyền tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho LĐNT. Đồng thời, lựa chọn các ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân, phát huy hiệu quả sản xuất, chú trọng ngành chủ lực là thế mạnh gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Gắn đào tạo nghề với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, các mô hình khuyến nông, dự án phát triển sản xuất, tạo việc làm cho LĐNT. Đặc biệt, tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả. Chú trọng đào tạo theo hình thức “bắt tay chỉ việc” tại nơi sản xuất, các thôn, bản, xã, lấy thực hành là chính.

Cùng với đó chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền học nghề. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyển sinh đào tạo các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp theo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Đổi mới phương thức đào tạo theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và đi sâu hơn vào chất lượng, phù hợp cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo. Chú trọng xây dựng các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả để nhân rộng, lựa chọn ngành nghề phù hợp gắn với các vùng sản xuất hàng hóa lớn, có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thu Hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gắn đào tạo nghề với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa