Theo dõi trên

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

29/09/2020, 09:32

BT- Theo bà Lê Thị Tuyết, một doanh nhân ở TP. Hồ Chí Minh, cũng có công ty tại Bình Thuận, hiện đang ở Úc cho biết: Bạn chị, một nhà phân phối lớn ở khu Cabramata-Sydney than phiền họ sẽ không nhập thanh long thương hiệu này để phân phối nữa, bởi vì họ yêu cầu mỗi thùng 5 kg, size khoảng từ 2 - 2,5 kg 4 trái trắng, đỏ để riêng. Nhưng họ chỉ nhận được hàng đúng yêu cầu có 2 đợt, đến đợt thứ 3 đã trộn trái trắng, đỏ lẫn lộn và lớn nhỏ lung tung. Chiếm được thị trường đã vô cùng khó khăn, giờ để mất thị trường thật đáng tiếc chỉ vì doanh nghiệp làm ăn không uy tín.

                
      Lô hàng bị trộn trái không đúng hợp đồng ở Úc.

Thanh long ở Úc có giá bán lẻ 12,99 đô la Úc/kg (hơn 220.000 đồng Việt Nam) là loại trái cây thuộc trong hàng đắt nhất ở Úc. Đây còn là 1 cửa hàng rất lớn chuyên bán nông sản nhập khẩu châu Á. Bán được hàng ở đây là một thành công lớn, không hiểu sao doanh nghiệp trên lại làm như thế?!

Theo tìm hiểu của chúng tôi với một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long thì nhãn hàng này không phải ở Bình Thuận. Sự thật như thế nào chưa kết luận, nhưng từ sự việc trên lại gióng lên cảnh báo vấn đề thương hiệu cần đăng ký bảo hộ ở các nước đã nhập khẩu thanh long Bình Thuận. Vào tháng 6/2006, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ đã cấp đăng bạ xuất xứ hàng hóa thanh long Bình Thuận. Loại trái cây này đã được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên phạm vi toàn quốc.

Hiện nay việc tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ càng nhiều, việc bảo hộ nhãn hiệu cho thanh long tại một số nước rất quan trọng, góp phần để thanh long Bình Thuận có chỗ đứng trên các thị trường tiềm năng, đồng thời cũng là bảo vệ uy tín cho thanh long Bình Thuận. Bình Thuận có hơn 30.000 ha thanh long, trái thanh long chủ yếu xuất sang đường mậu biên Trung Quốc, ngoài ra còn xuất theo đường chính ngạch sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, New Zealand, Úc, Chile, Argentina, Thụy Sỹ, Ấn Độ…

Việc xuất khẩu ra thị trường các nước trên là một nỗ lực, cố gắng không nhỏ của bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu, chính quyền và ngành chức năng. Ngay cả Trung Quốc từ năm 2018, Trung Quốc đã yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu, cụ thể trên bao bì phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Vì thế vấn đề uy tín và thương hiệu càng cần được chú trọng hơn. Chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được đăng ký bảo hộ tại các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU). Riêng nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT” hiện đã có nhiều nước đồng ý bảo hộ như:  Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Đài Loan…

Vì những lý do trên, đối với các nước đã đồng ý nhập khẩu thanh long Bình Thuận, ngành chức năng cần sớm đăng ký bảo hộ, tránh những đơn vị nhập nhằng lấy tên thanh long Bình Thuận làm ăn không có uy tín, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở Bình Thuận. Bên cạnh đó, cũng là lời cảnh báo với các đơn vị xuất khẩu cần giữ chữ tín trong làm ăn để tránh như trường hợp đã xảy ra, việc nhập khẩu được thanh long vào các thị trường khó tính đã khó càng không nên đánh mất “mối làm ăn” về lâu dài.

Tuấn Vũ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”