Du lịch nông nghiệp tại Tuy Phon
Du lịch
nông nghiệp tại Tuy Phong: Tăng lợi nhuận nhờ giống nho mới
BT- Nằm gần quốc lộ 1A,
những năm gần đây, nông dân xã Phước Thể đã kết hợp sản xuất cây nho với du lịch
sinh thái vườn. Đặc biệt, hơn 1 năm nay bà con chuyển đổi, nhân rộng giống nho
mới NH01-152 (Hồng Nhật) mang lại hiệu quả kinh tế cao, được khách tham quan ưa
chuộng…
 |
Ông Thành và vườn nho Hồng Nhật. ảnh: Đ.
Hòa |
Điểm du lịch lý tưởng
Tháng tư về vùng đất Phước
Thể, huyện Tuy Phong càng trở nên nắng gắt. Thời điểm này, địa phương đang vào
mùa thu hoạch các loại cây ăn trái, cây lương thực nên bà con nhộn nhịp, bận rộn
hơn những ngày thường... Nho Phước Thể, nhiều năm nay vốn được xem là một trong
những loại đặc sản của huyện Tuy Phong nói riêng và Bình Thuận nói chung. Ngoài
2 giống nho đỏ và nho xanh truyền thống đang dần bị thoái hóa, từ năm 2020 đến
nay, nông dân địa phương đã lựa chọn giống nho mới Hồng Nhật để canh tác, vừa
cho năng suất, vừa có giá bán cao, lại được khách du lịch ưa chuộng. Một trong
những hộ nông dân đi đầu trong việc trồng giống nho Hồng Nhật, phục vụ du lịch
nông nghiệp tại Phước Thể là ông Nguyễn Văn Thành - Chủ vườn nho Tư Thành.
Dẫn chúng tôi vào khu vườn
nho giống Hồng Nhật đang cho trái năm đầu tiên (trồng từ năm 2020), ông Thành
giới thiệu: Điểm tham quan này chỉ cách quốc lộ đoạn qua xã Phước Thể chừng 100
m. Du khách có thể tham quan không tính vé, chụp hình tại vườn nho đang trĩu
trái, chín mọng. Họ có thể thưởng thức thoải mái tại vườn, có thể tự cầm kéo cắt
chùm nho nào ưng ý và cân ký ngay tại vườn để tính tiền. Đoàn chúng tôi ai nấy
đều ồ lên trước vẻ đẹp của giàn nho đang trĩu trái. Dù đứng dưới ánh nắng chói
chang, nhưng giàn nho xanh ngát lại khiến du khách có cảm giác mát rượi, thỏa
thích với những chùm trái nho chín mọng. Không những vậy, tại vườn nho Tư Thành,
du khách có thể được thưởng thức những ly rượu vang nho, nước ép từ trái nho
thanh ngọt do cơ sở này chế biến, giúp khách tham quan xua đi cái nắng nóng trưa
hè.
Ông Thành chia sẻ thêm: Gia
đình tôi gắn bó với nghề du lịch nông nghiệp hơn 10 năm nay. Thường lệ mỗi tuần
có khoảng 2 đoàn khách từ các tỉnh TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… đến tham quan, mua
nho tại vườn. Việc chăm sóc, thu hoạch nho theo hình thức cuốn chiếu, để thời
điểm nào cũng có trái chín phục vụ du khách.
Tăng lợi nhuận
Ngước nhìn hơn 2.000 m2
nho Hồng Nhật và khoảng 3.000 m2 nho truyền thống đều đang cho trái,
ông Thành không giấu niềm vui: Giống nho mới này đang cho thu hoạch với năng
suất bình quân trên 1 tấn /sào/lứa (4 tháng/lứa). Ngoài bán tại vườn, sản phẩm
còn được xuất bán tại các điểm siêu thị, chợ, cửa hàng trên địa bàn trong và
ngoài tỉnh. Đáng nói, giá bán nho xanh, nho đỏ hiện chỉ khoảng 30.000 đồng/kg,
trong khi đó giá nho Hồng Nhật 120.000 đồng/kg nhưng lại hút khách. Lý giải về
điều này, ông Thành cho biết trái nho Hồng Nhật rất thích hợp với thị hiếu người
tiêu dùng vì trái to và khi chín có màu đỏ vang rất đẹp, sau đó chuyển sang màu
vàng, hồng, đỏ tươi nên nhiều người đã gọi là “nho 3 màu”.
Anh Trần Lê Minh Trí, cán bộ
nông nghiệp xã Phước Thể cho biết: Theo thống kê tại xã Phước Thể hiện có khoảng
17 ha nho, bao gồm nho đỏ, nho xanh và nho Hồng Nhật. Qua hơn 1 năm trồng, cho
thấy đây là giống nho mới nhưng phù hợp thổ nhưỡng, năng suất cao. Do giống nho
mới có vị giòn, ngon và lạ miệng nên thu hút du khách đến tham quan, mua tại
vườn. Về phía nông dân, do đạt giá cao nên bà con đang từng bước nhân rộng diện
tích trồng nho giống mới này…
Theo khuyến cáo của Trung tâm
Khuyến nông tỉnh, giống nho Hồng Nhật thích nghi với điều kiện sản xuất tại
huyện Tuy Phong. Tuy nhiên, để sản xuất nho giống mới trên diện rộng đạt hiệu
quả, các hộ cần liên kết chặt chẽ hơn, để tạo ra sản phẩm có chất lượng và đồng
đều, an toàn giúp xây dựng thương hiệu cho nho Tuy Phong. Đồng thời rèn luyện
thói quen viết nhật ký thường xuyên, đầy đủ nhằm tạo cơ sở để truy xuất nguồn
gốc sản phẩm, tạo lòng tin đối với người tiêu dùng, có hướng mở rộng cho vùng
nho của địa phương.
KiỀu HẰnG