Theo dõi trên

Diệt lăng quăng - Biện pháp số một phòng chống sốt xuất huyết

07/08/2017, 08:39

BT- Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) giảm so cùng kỳ năm 2016, nhưng Bình Thuận vẫn là một trong số 14 tỉnh, thành phố có số mắc cao và dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng. Trong đó, mật độ lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước chiếm tỷ lệ cao.

                
      
   Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung    ương Đặng Đức Anh kiểm tra lu nước tại xã Phong Nẫm (Phan Thiết) năm    2016.

Số ca mắc giảm

Tính từ đầu năm đến 31/7, số ca mắc bệnh SXH tại Phan Thiết là 146 ca, giảm 11% so cùng kỳ (164 ca). 136 ca mắc tại Hàm Thuận Bắc giảm 171 ca so cùng kỳ (307 ca) và La Gi 75 ca… Riêng Hàm Thuận Nam có 208 trường hợp SXH, tăng 3,65 lần so cùng kỳ (57 ca).  Nhìn chung, phần lớn số ca mắc SXH tại các huyện, thị đều giảm. Toàn tỉnh ghi nhận 905 ca mắc SXH, giảm 6,5% so cùng kỳ năm 2016 (968 ca), không có ca tử vong. Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Hoàng Văn Hùng (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) giải thích: “Năm 2016, 3 xã vùng cao thuộc huyện Hàm Thuận Bắc gồm Đông Giang, Đông Tiến và La Dạ bùng phát SXH nên đẩy số mắc tăng cao. Hơn 20 năm chưa có ca mắc, người dân các vùng này không biết về SXH. Vì thế, trung tâm phối hợp UBND huyện xã đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống SXH tại các xã vùng cao. Đến năm 2017, số ca mắc giảm so cùng kỳ năm 2016, chủ yếu tập trung các xã đồng bằng”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ  Y tế, Bình Thuận là một trong số 14 tỉnh, thành phố có số mắc cao và dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng (TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Tây Ninh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Nam Định).  

Mật độ lăng quăng cao

Để đánh giá, dự báo tình hình sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thực hiện công tác giám sát lăng quăng (bọ gậy) muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus truyền bệnh ở toàn bộ dụng cụ chứa nước của 500 hộ dân bằng quy trình cụ thể, để xác định chỉ số có liên quan. Với kết quả, các dụng cụ chứa nước đều có các ổ lăng quăng, bọ gậy phát sinh muỗi truyền bệnh. Cụ thể, tỷ lệ lăng quăng trong các lu mái là cao nhất, chiếm 38,8%. Các phuy hình trụ có tỷ lệ lăng quăng ở mức 20,92%. Và 11,33% là tỷ lệ trong các hồ, pi. Các vật phế thải như túi nilông, vỏ xe, chậu cảnh, chai lọ, lon nước ngọt... có tỷ lệ lăng quăng 6,13%.

Theo bác sĩ Hùng, các dụng cụ chứa nước tại thị trấn Ma Lâm, xã Hàm Chính, Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc); Mũi Né (Phan Thiết)  chứa nhiều lăng quăng do người dân tiết kiệm nước không thường xuyên súc rửa các dụng cụ chứa nước, thậm chí không đậy nắp. Trong khi muỗi Aedes thì sinh trưởng tốt trong môi trường nước sạch. 

Diệt lăng quăng là biện pháp căn cơ

Không để dịch bệnh SXH gia tăng và bùng phát thành dịch, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có kế hoạch phối hợp với các huyện, thị, thành phố tổ chức vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi. Song, phun hóa chất diệt muỗi chỉ là giải pháp không bền vững, hóa chất chỉ có tác dụng diệt muỗi trưởng thành tại thời gian phun hóa chất. Nếu không diệt lăng quăng trước và ngay sau khi phun hóa chất, lăng quăng có trong dụng cụ chứa nước lại nở thành muỗi và những con muỗi trưởng thành mới này hoàn toàn không bị ảnh hưởng hóa chất phun trước đó. Đây cũng là nguyên nhân mật độ muỗi vẫn không giảm sau khi phun hóa chất. Trong phòng chống SXH, biện pháp căn cơ là phòng ngừa để không có muỗi truyền bệnh hoặc nếu có thì mật độ muỗi phải ở mức rất thấp, không có khả năng truyền bệnh, lây lan ra cộng đồng. Muốn làm được điều này, phải thực hiện tốt việc diệt lăng quăng ở từng hộ dân, từng khu phố, môi trường ở  các công trình xây dựng…

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Diệt lăng quăng - Biện pháp số một phòng chống sốt xuất huyết