Theo dõi trên

Đi tìm xóm Lụa xưa

26/04/2019, 10:28

 Xóm Lụa, có hai xóm Lụa…

BT- Tối nọ, một anh văn nghệ sĩ gọi điện hỏi tôi, có biết tư liệu về xóm Lụa, về nghề nuôi tằm, dệt lụa xưa không. Tôi ngần ngừ, rất ít, hầu như không có. Ngẫm lại, đúng thật vậy. Xóm Lụa thoảng qua chính sử, xuất hiện trong nhân gian như dải sương mờ, như giấc mơ mộng ảo. Bẵng đi một dạo, nhân có việc sục sạo tư liệu, tôi vô tình phát hiện, người ta cũng chịu khó viết về xóm Lụa từ lâu rồi.

                
Xóm Ngã ba sông ngày nay. (qua google map)

“…Vùng Chợ Lầu (Bắc Bình) xa xưa có xóm Tằm, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ cung cấp cho xóm Lụa phía bên kia sông Thương, chuyên nghề dệt lụa. Năm 1908, xóm Lụa còn gọi là xóm Ngã Ba Sông, nơi hợp lưu sông Cạn, sông Cái, sông Quao đổ ra cửa biển Phú Hài”(1).

“…Xóm Tằm, tên gọi của làng Xuân Hội, trồng dâu, nuôi tằm nằm ở tả ngạn sông Thương, cung cấp cho xóm Lụa, tên gọi của làng Thương Thủy, chuyên nghề dệt lụa nằm ở hữu ngạn sông Thương. Từ năm 1908, địa danh xóm Lụa còn được gọi là Phú Long (xã Hàm Nhơn, huyện Hàm Thuận Bắc), nơi tiếp giáp 3 con sông (sông Cạn, sông Cái, sông Quao) nên còn gọi là xóm Ngã Ba Sông”(2). Tuy vậy, qua hai (trong một vài) bài viết trích dẫn, đã thấy có sự nhầm lẫn của tác giả.

Một là, xóm Lụa, xóm Tằm của Chợ Lầu, Hồng Thái còn được gọi là xóm “Ngã Ba Sông”, Phú Long.

Tác giả không biết trên thực tế, mảnh đất Bình Thuận có hai nơi mang tên xóm Lụa, cách nhau gần 60 km. Đó là xóm Lụa (nay thuộc thôn Thái Thành, xã Hồng Thái), xóm Tằm (nay thuộc khu phố Xuân Hội, thị trấn Chợ Lầu) của huyện Bắc Bình và xóm Lụa (nay thuộc khu phố Phú Thành, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc). Ngoài ra, một vài bài viết gọi “làng Phú Long” là “làng Lụa” (chắc để tránh nhầm lẫn với xóm Lụa, xóm Tằm ở Bắc Bình). Nhưng tránh nhầm lẫn, lại càng nhầm lẫn. Theo tư liệu, do ở ngã ba sông, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, nên thôn Phú Long còn gọi là “xóm Lụa”. Dân sinh sống nơi đây chưa bao giờ gọi là “làng Lụa”.

Hai là, ngã ba sông là nơi tiếp giáp ba con sông: Cạn, Cái và Quao.

Tác giả không biết sông Cái tức/hay/chính là sông Quao, cũng như thuật ngữ “ngã ba sông” dùng để chỉ nơi hai con sông gặp nhau, một sông nhánh đổ vào sông cái(3), chứ không phải “ngã ba sông” là phải có ba con sông hợp lưu. Cụ thể, ở xóm Lụa (Phú Long), sông Cạn (là sông nhánh) đổ vào sông Quao (là sông lớn, sông chính, sông cái trong vùng và trở thành tên gọi khác của sông Quao) để chảy ra cửa biển Phú Hài, nên đoạn cuối còn gọi là sông Phú Hài. Trong sách Đại Nam nhất thống chí, tập XII, có ghi chép về sông Cái: “…nguồn ra từ trong núi thôn Mỹ Sơn, chảy về phía Đông Nam 14 dặm đến thôn Tầm Hưng, lại 30 dặm đến thôn Phú Long, có một nhánh (tức sông Cạn) từ trong núi Long Thịnh ở phía Bắc chảy đến hợp vào, lại chảy 5 dặm đến thôn Thiện Mỹ…”. 

                
Những kén tơ trắng mượt chỉ còn trong quá    khứ.

Ba là, địa danh xóm Lụa còn được gọi là Phú Long.

Lập luận như trên sẽ gây cho người đọc ngầm hiểu là tên gọi “xóm Lụa” có trước tên gọi “Phú Long”, cho nên “xóm Lụa” mới còn được gọi là “Phú Long”. Thật ra, “Phú Long thôn” là tên gọi chính của vùng đất nằm ở ngã ba sông Cái, sông Cạn. Khi phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, “Phú Long thôn” còn gọi là “xóm Lụa”. Và xóm Lụa chỉ là tên gọi dân gian của Phú Long, không phải là tên đơn vị hành chính thời phong kiến lúc bấy giờ.

 Tìm về xóm Lụa Phú Long

Phú Long xưa phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm từ bao giờ (?). Khi được dịp tham gia làm cuốn sử thị trấn Phú Long xây dựng và phát triển, tôi có đọc vài tài liệu về nghề trồng dâu, nuôi tằm vùng đất này. Trong tập “Hàm Nhơn những chặng đường đấu tranh cách mạng (1930 –1954)” có ghi, nghề trồng dâu nuôi tằm Phú Long phát triển từ năm 1912; cũng như trong đề án phát triển nghề truyền thống xã Hàm Nhơn năm 1985, có khái quát việc này.

Hơn 300 năm trước, nghề trồng dâu nuôi tằm bắt đầu thâm nhập vào các vùng Phú Long, Dương Xuân, Phước Môn, Thiện Mỹ, An Long. Những năm đầu thế kỷ XVIII, nơi đây có nhiều vườn dâu rộng gần 1 ha; nghề nuôi tằm, dệt vải ở xóm Lụa được hình thành. Đến năm 1938, do ảnh hưởng chiến tranh, nghề truyền thống bị bế tắc, các vườn dâu thiếu sự chăm sóc, tàn lụi. Từ năm 1954 trở đi, xuất hiện sản phẩm vải vóc du nhập nên nghề nuôi tằm dệt lụa mất dần, đến những năm 60 thì xóa hẳn. Sau giải phóng, chỉ còn lại dư âm một vài cây dâu cằn cỗi, lác đác trong thôn, xóm làm nhân chứng cho một thời đã qua. Với quyết tâm góp phần vào cái mặc cho nhân dân, tiến đến dệt những tấm vải lụa cao cấp xuất khẩu, Hàm Nhơn (tên gọi trước đây của thị trấn Phú Long) đưa ra mục tiêu phấn đấu khôi phục lại nghề nuôi tằm, dệt lụa. Xã phát động trồng lại vườn dâu, giao cho mỗi hộ dân chịu trách nhiệm trồng, giữ sống mười cây dâu. Mỗi hợp tác xã nông nghiệp trồng 2 ha, tập trung ở An Long, Dương Xuân, Cây Duối. Sau đó, dựa vào kinh nghiệm một số nghệ nhân dệt lụa còn sống, phấn đấu khôi phục lại làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, dự án trên không thành công. Từ năm 1985, việc khôi phục ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được cấp ủy, chính quyền xã Hàm Nhơn quan tâm. Tuy vậy, xã chưa mạnh dạn phát huy tay nghề hiện có trong nhân dân để làm ra sản phẩm thương hiệu truyền thống nhiều nơi biết đến, như nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa của xóm Lụa xưa. 

Nguồn gốc nghề dệt lụa Phú Long từ đâu(?) Qua quá trình tìm hiểu, xuất hiện vài giả thuyết xung quanh chuyện này. Một là, do người Chăm thành thạo nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, khi sinh sống cùng người Kinh, đã có sự giao thoa truyền nghề. Hai là, người Kinh từ Hòn (đảo Phú Quý) vào đất liền, đến thôn Phú Long lập nghiệp, mang theo nghề dệt vải bạch bố (vải Hòn, vải lụa trắng, loại vải cung cấp cho làng, xã và nộp thuế cho triều Nguyễn). Hiện nay vẫn còn hậu duệ của những người từ đảo Phú Quý, làm ăn, sinh sống tại tổ Giếng Hộc, chùa Bửu Long, chùa Liên Thành (thuộc khu phố Phú Cường). Ba là, xóm Lụa do một nhóm người Quảng vào lập nghiệp mang theo nghề trồng dâu, nuôi tằm. Người thợ dệt cuối cùng của xóm Lụa là ông Nguyễn Văn Năm (còn gọi là Năm Dệt) cũng đã qua đời. 

Hồi ức cây dâu và bài ca dao   

Tôi là dân xóm Lụa Phú Long. Lúc nhỏ, sát chuồng heo bỏ hoang phía sau nhà có mấy cây dâu cổ thụ cao, thân to, cành lá sum suê. Mỗi buổi chiều không đi học, tôi leo lên nóc chuồng heo lợp tol, bứt lá dâu to bằng bàn tay người lớn xòe ra, rải xuống mái tol thành chỗ nằm hóng mát. Trên cao gió lộng, mùi lá dâu ngai ngái đưa tôi vào giấc ngủ. Một lần trong lúc ngủ mê, tôi lăn vô thức, trôi theo độ nghiêng mái tol. May nhờ mấy thân dâu cản lại, làm giật cả mình tỉnh giấc, nếu không sẽ rơi từ độ cao gần 3 m xuống đất. Nghe tiếng ầm ầm trên nóc chuồng heo, bà tôi nhìn lên thấy thằng cháu mặt mày tái mét, liền bảo trèo xuống, đánh cho một trận vì tội nghịch ngợm, cấm không được leo trèo lung tung. Bị ăn đòn nhưng tôi vẫn lén bà leo lên trên đó, bởi chỗ nằm mát mẻ, bởi sức hấp dẫn mấy quả dâu tằm lúc đỏ tươi chua chua, khi chuyển đỏ bầm thì ngọt lịm.

Bà tôi bắt thằng cháu nằm trên bộ ván gỗ dài ngủ trưa, cầm quạt đung đưa, rồi cất lời ru: Chị kia bới tóc đuôi gà/ Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu?/ Nhà tôi ở dưới đám dâu/ Ở trên đám đậu, đầu cầu ngó qua/ Ngó qua đám bắp trổ cờ/ Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông/ Ngó qua nhà trống bên sông/ Có con bìm bịp ăn trầu đỏ môi… Lúc ấy, lòng tôi ấm ức, bực bội, chỉ mong sao bà ngủ trước, để lén trốn leo lên chỗ trú ẩn thần tiên, nhâm nhi mấy quả dâu ngon. Nhưng từng lời ru làm tôi lim dim mắt ngủ quên mất, triệt tiêu luôn ý định “đào tẩu”. Khi tôi hỏi về mấy câu hát kia, bà bảo rằng bài hát đó nói về xóm Lụa Phú Long quê mình. Lúc đó, tôi rất hãnh diện khi xóm Lụa Phú Long của tôi lại được lưu danh như thế. Đến sau này tôi mới biết, đó là một bài ca dao của đôi nam nữ đang quen nhau, chứ không phải bài hát chỉ riêng một vùng đất nào. Tôi lớn lên không còn thấy nghề nuôi tằm, dệt lụa quê mình nữa. Mấy cây dâu cổ thụ phía sau nhà tôi cũng bị người ta chặt hạ để lấy đất cất nhà. Khi chợ Phú Long còn ở bên sông, cạnh cây cầu, chưa dời lên chợ mới, trên dốc đi xuống chợ, có người thợ nhuộm vải, lúc nào cũng bận rộn với hai thùng cao đầy thứ chất lỏng nghi ngút khói. Người ta gọi ông tên là Mười Nhuộm (nay ông cũng đã qua đời). Bàn tay ông thô ráp biến mảnh vải bạc phếch thành đen tuyền. Màu đen huyền ảo nọ làm cho mảnh vải không phai, bền lâu.

“…Xóm Lụa là xóm của mình…”/ Câu ca trĩu nặng ân tình xa xưa/ Một chút nắng, một giọt mưa/ Đủ cho giọng hát đung đưa giữa đồng/ Đủ cho lòng nối với lòng/ Và mênh mông đất nối mênh mông trời...(4). Một người con của xóm Lụa Phú Long đã viết những câu thơ chan chứa tình cảm với quê hương mình tràn đầy bình yên, giản dị và đời thường đến vậy. Mà chỉ vậy thôi, đủ toát lên đất và người Phú Long chứa đựng biết bao ân tình, từ xa xưa đến hôm nay và mãi mãi.

Hà Ngân

(1): vanhien.vn/news/Tham-lang-nghe-truyen-thong-Cham-o-Bac-Binh-26911 (truy cập ngày 20/3/2019).

(2): vjol.info/index.php/sphcm/article /view/29748/25371 (truy cập ngày 20/3/2019).

(3): Tratu.coviet.vn

(4): “Bài thơ Gởi xóm Lụa” - Đỗ Quang Vinh.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi tìm xóm Lụa xưa