Theo dõi trên

Để người nghèo nói “không” với vay nóng, nặng lãi

22/06/2018, 09:32

BT- Ông Đỗ Quốc Bảo, Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết, cho biết: Tại phường Đức Nghĩa tình trạng cho vay nặng lãi có chiều hướng gia tăng.

                
Minh họa: Nguyễn Tài

Những người đã lỡ vay nặng lãi, sau đó vì nhiều lý do không trả nổi lãi và gốc, thường bị chủ nợ hăm dọa (lắm khi bị dằn mặt) đến nỗi sợ hãi phải bỏ nhà đi. Về hình thức vay thì giữa người vay và người cho vay đều thỏa thuận miệng, không có hợp đồng, vì vậy rất khó để cơ quan pháp luật xử lý, ngoại trừ việc tuyên truyền, ngăn chặn, cũng như áp dụng các biện pháp hỗ trợ người nghèo tìm đến ngân hàng.

Về đối tượng vay, đa phần là lao động phổ thông, buôn bán hàng rong,  những người có máu đỏ đen (số đề, cá độ bóng đá)… Chẳng hạn, trường hợp  chị N.T.V., phường Đức Nghĩa có 2 mẹ con. Chị là lao động thời vụ, thường ngày phụ việc ở các quán ăn. Một lần do cần tiền, chị vay “nóng” 10 triệu đồng với lãi suất cao. Dù chị trả tiền lãi 100.000 đồng/ngày, nhưng tiền gốc 10 triệu đồng vẫn còn hoài. Đến một ngày, không còn khả năng trả, chị V phải bỏ nhà đi xa.

 Nguyên nhân

 Hiện nay, với hộ nghèo, cận nghèo  được chính quyền xác nhận, thì cơ hội tiếp cận đồng vốn ngân hàng mở ra khá lớn. Nhưng với  người nghèo, khó khăn, vì lý do nào đó  chưa được xác nhận thì khả năng họ tìm đến vay nóng là không tránh khỏi. Cũng có không ít trường hợp: trước đó được vay vốn từ các hội phụ nữ, đoàn thể, không qua thế chấp, nhưng rồi do sử dụng đồng vốn không hiệu quả, dẫn đến nợ cũ chưa trả xong lại mang nợ mới, đành xoay qua vay nóng để trả nợ cũ. Bên cạnh đó, cũng có người đến thời điểm đáo nợ ngân hàng, nhưng không có nguồn tiền để trả,  xoay qua vay nóng rồi sa vào… vòng lẩn quẩn “nợ sau trả nợ trước, lãi mẹ đẻ lãi con”…

 Vài cách làm

Ông Võ Đức Trưởng (Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh Bình Thuận) cho hay: Hiện nay, ngoài Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Bình Thuận, có 3 ngân hàng khác cho các hội viên phụ nữ nghèo vay phát triển kinh tế hộ gia đình không thế chấp, thông qua sự bảo lãnh của hội phụ nữ tại xã, phường. Riêng Liên Việt, mức cho vay tối đa 50 triệu đồng, trả lãi theo dư nợ giảm dần. Trước khi cho vay, nhân viên tín dụng sẽ khảo sát. Trong thời gian hội viên vay tiền, ngân hàng thường xuyên kiểm tra họ có sử dụng đồng vốn đúng mục đích, để ngăn ngừa từ xa tình trạng “người vay không trả được vốn vay”.

Tại Bình Thuận, Trung tâm phát triển cộng đồng Thiện Chí cũng đã và đang  hỗ trợ  nhiều gia đình khó khăn làm kinh tế bằng cách cho mượn vốn (không lấy lãi) trong 6 vòng đầu tiên (5 tháng/vòng), khoảng 4 triệu đồng/ vòng/hộ. Các  vòng tiếp theo, người vay trả lãi suất thấp, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích cho các hoạt động tạo thu nhập (trồng trọt, chăn nuôi heo gà... Ngoài ra, trung tâm còn  thường xuyên cử nhân viên theo dõi việc sử dụng vốn, cũng như hỗ trợ người vay tạo việc làm; giới thiệu và mua giống cây trồng vật nuôi tốt với giá ưu đãi; tập huấn kỹ thuật nông nghiệp; tiêm chủng phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm khi cần thiết... Cách làm này của trung tâm đã giúp nhiều người nghèo vượt khó trong một số năm qua.

Qua  sự việc trên cho thấy: để giảm tình trạng người nghèo vướng vào vòng vay nặng lãi thì kênh tạo vốn cần được mở rộng với nhiều hình thức. Các hội - đoàn thể, ngoài việc đứng ra tín chấp thì cần có vai trò giám sát việc sử dụng vốn vay của hội viên mình.  Mặt khác, người vay vốn cần sử dụng vốn đúng mục đích; tránh xa với nạn cờ bạc, các tệ nạn xã hội. Cần xây dựng các điển hình về sử dụng vốn đúng  mục đích, cũng như các bài học  kinh nghiệm về sản xuất để những người nghèo qua đó học tập và làm theo…

Chỉ có áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp, cộng với việc xử lý nghiêm những người cho vay nặng lãi thì may ra tình trạng người nghèo tìm đến vay “nóng” mới có  thể giảm thiểu.

Trang hiếu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để người nghèo nói “không” với vay nóng, nặng lãi