Theo dõi trên

Để du lịch Bình Thuận vững như « Kiềng ba chân »

20/01/2020, 14:51

BX- Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch bền vững đang trở thành xu hướng được đón nhận, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, hệ sinh thái cũng như bản sắc văn hóa của khu vực mà ta đi qua. Trong bối cảnh đó, Bình Thuận đang phấn đấu đưa ngành du lịch của tỉnh phát triển bền vững theo hướng chuyên nghiệp, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là điểm đến có sức hấp dẫn trong cả nước và khu vực...

 Phát triển bền vững

Bình Thuận may mắn sở hữu nhiều nét đẹp của tự nhiên với đường bờ biển dài, nhiều thắng cảnh đẹp, nổi tiếng, các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc... Đây là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững các loại hình du lịch của tỉnh. Những năm qua, Bình Thuận đã cung cấp nhiều sản phẩm du lịch đặc thù như các khu nghỉ dưỡng biển cao cấp, trung tâm thể thao nước trên biển, tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên, tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương kết hợp tham quan các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Chămpa... Cùng với đó, tỉnh còn chú trọng liên kết với tỉnh Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh để tạo ra những tour, tuyến du lịch đặc trưng, mang tính liên kết vùng như: Hoa Đà Lạt - Chợ Bến Thành - Biển Mũi Né, tuyến du lịch các tỉnh miền Trung...

Nhờ đó ngành du lịch Bình Thuận thời gian qua đã có nhiều tiến bộ và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Đến gần cuối năm 2019, tổng lượng khách đến tỉnh du lịch, nghỉ dưỡng đạt hơn 5,8 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế khoảng 700.700 lượt. Khách quốc tế chủ yếu đến từ Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Pháp, Mỹ... Nhờ hoạt động của ngành du lịch diễn ra sôi động quanh năm, nên góp phần đưa doanh thu du lịch trong năm 2019 của tỉnh đạt khoảng 13.849 tỷ đồng, tăng hơn 18% so cùng kỳ năm trước. Những số liệu trên cho thấy ngành du lịch đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cũng như bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng so với tiềm năng và lợi thế hiện có của địa phương thì kết quả mà ngành đạt được thời gian qua chưa thật sự như kỳ vọng...

Để du lịch thật sự vững vàng

Du lịch bền vững là du lịch mà giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương. Ngoài ra có thể thực hiện lâu dài, nhưng không ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi mà nó phụ thuộc. Du lịch bền vững còn được ví như “kiềng ba chân”, bao gồm sự thân thiện môi trường - gần gũi về văn hóa xã hội - có kinh tế. Làm thế nào để giải quyết bài toán vừa đảm bảo lợi tức, môi trường và cộng đồng song hành cùng nhau không phải là điều dễ dàng. Trước hết du lịch cần gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bởi di sản thiên nhiên và văn hóa được xem là tài sản vô giá, góp phần tạo nên sức hút du lịch riêng cho mỗi vùng miền. Đặc biệt cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch cũng như phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Trong khi Bình Thuận có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này, điển hình là điểm tham quan Bàu Trắng (Bắc Bình) gắn với các nghề truyền thống của đồng bào Chăm, tham quan sông Cà Ty (TP. Phan Thiết) với trải nghiệm cuộc sống của ngư dân trên thuyền đánh cá... Chính cộng đồng hiểu rõ nhất những khó khăn cũng như điểm mạnh và hạn chế của họ. Nếu tiếng nói của họ được coi trọng, họ sẽ tham gia tích cực và nỗ lực giải quyết những khó khăn một cách hiệu quả nhất.

                
Du khách tham quan sông Cà Ty. Ảnh: Đ.Hòa

Phát triển du lịch bền vững còn đòi hỏi việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực là người địa phương. Điều này được áp dụng đặc biệt đối với cán bộ tổ chức và hướng dẫn viên có kiến thức sâu rộng và mối quan tâm lớn trong vùng, việc tham gia của họ sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bởi du lịch và môi trường có quan hệ rất gắn bó. Chừng nào cả 2 yếu tố ấy còn giữ được sự cân bằng thì kinh tế sẽ phát triển bền vững. Nếu sự mất cân bằng bị  phá vỡ sẽ tác động trực tiếp đến môi trường, chất lượng sản phẩm du lịch khi đó sẽ không còn đủ sức hấp dẫn.

Với những bước tiến dài và bền vững, hy vọng ngành du lịch Bình Thuận không chỉ trở thành ngành kinh tế trọng điểm của địa phương mà còn là điểm sáng nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam. Du lịch Bình Thuận sẽ hướng tới tương lai bằng một điểm đến mang tầm quốc gia và khu vực.

Hồng Trinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để du lịch Bình Thuận vững như « Kiềng ba chân »