Theo dõi trên

“Đau đầu” với chất thải y tế

23/10/2018, 09:29 - Lượt đọc: 64

BT- Hiện nay phần lớn cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh, huyện trên địa bàn Bình Thuận  đều có hệ thống xử lý chất thải y tế. Tuy vậy, chất thải y tế vẫn luôn là mối lo ngại của cộng đồng, vì việc đầu tư, xử lý chất thải còn chắp vá, thiếu đồng bộ. Nhất là 130 cơ sở y tế tuyến xã, thị trấn, phòng khám còn bỏ trống chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng cũng như chất thải rắn nguy hại.

                
Đốt rác thải y tế lây nhiễm.

Cách đây 5 năm, Bình Thuận được Bộ Y tế đầu tư dự án “Hỗ trợ y tế vùng duyên hải Nam Trung bộ” với 6 lò đốt chất thải y tế, có quy trình hoạt động theo nguyên lý thiêu đốt nhiều cấp, chiều cao ống khói 8,40m, được bố trí tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận, Bệnh viện đa khoa Hàm Thuận Bắc, Bệnh viện đa khoa Hàm Tân, Bệnh viện đa khoa Phan Thiết (nay gọi là Trung tâm Y tế), Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi và Bệnh viện phổi Bình Thuận. Song, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế quy định chiều cao ống khói không được thấp hơn 20m. Do đó, 6 lò đốt này sau khi hoàn thành chưa được phép đưa vào vận hành, sử dụng ngay mà cần bổ sung chiều cao ống khói theo đúng quy chuẩn kỹ thuật.

Tuy nhiên việc khắc phục này không đạt nên UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế đưa vào vận hành mô hình cụm xử lý chất thải y tế nguy hại thuộc dự án “Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện”. Đây là dự án được Bộ Y tế và UBND tỉnh Bình Thuận ký kết thỏa thuận tài trợ nguồn vốn vay của ngân hàng thế giới khoảng 40,6 tỷ đồng để đầu tư 4 cụm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận, Bắc Bình Thuận và Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi.

Đến tháng 5/2018 dự án đã cơ bản hoàn thiện việc xây lắp bể chứa chất thải nguy hại, nhà lưu trữ chất thải và lắp đặt thiết bị xử lý chất thải rắn tại 3 cụm (Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận, Bắc Bình Thuận, Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi) và được bàn giao cuối tháng 5/2018. Riêng cụm Bệnh viện đa khoa tỉnh đang lắp đặt hệ thống xử lý chất thải lỏng nên đưa vào hoạt động cuối quý 3/2018. Các cụm xử lý này chịu trách nhiệm xử lý chất thải rắn lây nhiễm cho các cơ sở y tế công lập trong toàn tỉnh. Nhờ vậy, đến nay đối với rác y tế lây nhiễm ở các Trung tâm Y tế huyện Hàm Tân, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bệnh viện phổi… xử lý bằng lò đốt. Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận, Nam Bình Thuận, Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi rác lây nhiễm được xử lý qua hệ thống xử lý có công nghệ khử trùng bằng hơi nóng kết hợp nghiền cắt. Riêng chất thải nguy hại, các cơ sở y tế đã ký hợp đồng chuyển giao chất thải với các tổ chức cá nhân có giấy phép xử lý chất thải nguy hại (trừ Trung tâm Y tế quân dân y huyện Phú Quý chưa thực hiện).

Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay là ngoài 15 bệnh viện công lập, trung tâm y tế đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì tại 130 cơ sở y tế khác (3 trung tâm y tế huyện thực hiện một chức năng: Đức Linh, La Gi, Bắc Bình; 12 phòng khám đa khoa khu vực và 115 trạm y tế xã, phường, thị trấn) chưa có hệ thống xử lý nước thải. Vì thế, nước thải được thu gom, xử lý qua bể tự hoại 3 ngăn hoặc thải ra môi trường bên ngoài sau khi đã khử trùng; còn chất thải rắn chủ yếu được chôn lấp hoặc đốt thủ công. Mặt khác, có cơ sở xây dựng được hệ thống xử lý chất thải, nhưng không thể vận hành do phát tán khí thải gây ô nhiễm môi trường; một số lò đốt chất thải lây nhiễm vẫn chưa đủ điều kiện hoạt động…

Từ thực trạng nói trên, thiết nghĩ ngoài giải pháp tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và hệ thống xử lý chất thải cho tuyến huyện, tuyến cơ sở, ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý chất thải y tế. Người đứng đầu cơ sở y tế thực hiện các chương trình quản lý, giám sát, quan trắc môi trường, kịp thời xử lý mọi sự cố xảy ra; hạn chế tối đa các tác hại của chất thải y tế ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đồng thời, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế.                       

HỒ NHẬT



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Đau đầu” với chất thải y tế