Theo dõi trên

Dân Đại Lộc khổ vì lục bình

17/04/2018, 08:48 - Lượt đọc: 24

BT- Lục bình phủ kín bàu Sẻ tại thôn Đại Lộc (Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc) gây ô nhiễm, ảnh hưởng nguồn nước sản xuất của người dân trong thôn.

                
   Lục bình phủ kín bàu Sẻ. Ảnh: N.Lân

Bàu Sẻ là bàu tự nhiên với diện tích mặt nước rộng hơn 6 ha, là nơi tiếp nhận nguồn nước kênh N33 (thuộc đập Sông Quao). Bàu như kho lưu trữ nước của thôn cung cấp nguồn nước tưới cho cánh đồng Tà Dụ gồm 7 ha lúa và gần 200 ha thanh long. Trước đây, lục bình chưa phát triển trên mặt bàu, nước khá trong, là nơi cư trú của nhiều loại thủy sản như cá, tôm, ốc... Ngoài sử dụng nước tưới ruộng vườn, người dân còn dùng trong sinh hoạt. Thoạt đầu, lục bình xuất hiện vài đám bồng bềnh. Một số hộ dân vớt lên dùng làm thức ăn cho gia súc và  phủ gốc thanh long thay rơm. Theo thời gian, lục bình sinh sôi lấn chiếm diện tích mặt bàu, kết thành thảm dày đặc phủ kín mặt bàu. Lúc này, nước trở nên đen ngòm, bốc mùi hôi thối, không còn con cá nào sinh sống, nhiều hộ dân cho biết như vậy.

Theo ông Trần Văn Nhanh (Trưởng thôn Đại Lộc), nguồn nước bị ô nhiễm nặng, hộ dân không có điều kiện thì vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm để tưới thanh long, nên cây trái dễ nhiễm nấm bệnh. Người dân nhiều lần kiến nghị UBND xã Hàm Hiệp quan tâm nạo vét, làm sạch lục bình. Tuy nhiên, UBND xã cho rằng bàu này dân hưởng lợi, thì phải tự nạo vét. Nhiều người dân trong thôn cũng đồng ý góp tiền để nạo vét bàu. Trong quá trình thực hiện, phần bùn và lục bình giải quyết ra sao thì chính quyền xã vẫn chưa có định hướng

Được biết, cây lục bình có vòng đời khá ngắn, tự chết sau 2 tuần sinh trưởng để nhường chỗ cho những nhánh cây con. Tuy nhiên, lục bình trong bàu Sẻ hiện nay dày đặc. Chính sự phát triển mạnh lục bình ngăn chặn sự phát triển các phiêu sinh, thực vật khác, làm suy giảm ôxy kết hợp lục bình chết, dẫn đến nguồn nước ô nhiễm.

Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp - Lê Thành Minh khẳng định: Người dân hưởng lợi từ bàu Sẻ, thì góp phần trách nhiệm vào việc nạo vét và sử dụng khối lượng đất bùn, lục bình sau khi nạo vét vào việc đắp bờ xung quanh bàu. Nhằm tiết giảm chi phí, UBND xã sẽ kêu gọi cơ sở làm phân bón hữu cơ tận dụng nguồn lục bình.

Thiết nghĩ, để giải quyết triệt để sự phát tán của lục bình sau nạo vét, người dân và chính quyền xã thường xuyên tổ chức vớt lục bình lên bờ.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân Đại Lộc khổ vì lục bình