Chuồng bò trên bãi biển
Chuồng bò trên bãi biển
BT- “Chịu không nổi dơ bẩn... còn dựng chuồng bò trước mặt nhà em”, Lê Chuyên
nói về những nhếch nhác trước nhà mình trên bãi biển Hòa Thắng. Tôi đã tìm đến
và đặt mình vào họ mà trăn trở, nhưng lại nghĩ cái gì cũng có thể thay đổi nếu
có quyết tâm.
 |
Chuồng bò trên bãi biển và môi trường nhếch nhác. |
Tình cờ...
Gặp Chuyên trong hoàn cảnh tìm nhân vật để minh chứng cho bài viết “lũ cát”.
Trước khi gặp, đồng hồ điểm giờ ngọ, tôi vẫn còn lòng vòng lo sợ trước cổng dự
án Gold Sand Hill ở Mũi Né. Vì muốn ra khỏi dự án phải băng qua một nghĩa trang
trên con đường mòn dài chừng vài cây số. Đường không bằng phẳng vì “ổ gà”, “ổ
voi” lên đồi xuống dốc. Khu vực này trong diện giải tỏa để làm những dự án,
nhưng người ta vẫn chưa di dời mồ mả. Dự đoán tương lai nơi đây sẽ mọc san sát
những biệt thự hướng ra biển đẹp.
Chuyên lớn lên trên đất Sài Thành và lấy chồng người Pháp, tên Dominitque. Ban
đầu Chuyên định mua đất ở quê mình làm nhà ở, nhưng suy đi tính lại Chuyên nghe
lời Dominitque mua đất ven biển xây biệt thự, kinh doanh du lịch. Người Pháp nổi
tiếng có tâm hồn lãng mạn, biết chọn lựa vùng đất đẹp kết nối với thiên nhiên,
xây dựng những tòa nhà, công trình kiến trúc mang tầm thế giới. Bác sĩ người
Pháp Yersin đã tìm ra vùng đất lãng mạn Đà Lạt là một minh chứng. Để có vị trí
đất đẹp ven biển, Dominitque và Chuyên đi khắp các tỉnh ven biển như Nha Trang,
Quy Nhơn, Ninh Thuận, Bình Thuận... tìm mua. Rồi cả 2 quyết định mua đất ven
biển ở thôn Hồng Hải, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. “Mình với anh ấy đi khắp
nơi, nhưng đến nơi đây anh ấy rất thích”, Chuyên kể tôi nghe về những ngày đầu
bén duyên với vùng đất Bình Thuận.
Nghe chuyện buồn
Khoảng năm 2016 vợ chồng Chuyên chính thức chuyển về định cư ở Hòa Thắng, trong
căn biệt thự “sang chảnh” thiết kế theo phong cách châu Âu. Biệt thự có mặt tiền
hướng ra biển, cặp chồng Tây vợ Việt mãn nguyện với những gì đã chọn lựa. Nhưng
cuộc sống vốn không ai học được chữ “ngờ”, 2 môi trường sống khác nhau dễ nảy
sinh bất đồng. Ngày nào vợ chồng họ cũng chứng kiến, cảnh người dân mang rác ra
vứt, còn hàng xóm dựng chuồng bò ngay trên bãi biển. Ngày ngày mùi hôi phân bò
theo gió biển xộc vào nhà khiến không ai chịu nổi, ngoại trừ người dân ở đây vốn
đã ở lâu thành quen. Dominitque luôn phàn nàn những ngôn từ khó nghe với Chuyên.
Lòng tự trọng của con người có giới hạn, Chuyên gắt gỏng: “Anh đừng nói như vậy,
anh đang xúc phạm chính tôi đó...”. Sau những lần cãi vã cùng với những bất đồng
khác, cả 2 đã chấm dứt cuộc hôn nhân, Chuyên vẫn ở lại còn Dominitque ra đi sau
khi ly hôn. “Vài lần mình có ý định bán căn biệt thự, nhưng vẻ đẹp của cảnh biển
quyến rũ nên không nỡ từ bỏ nơi đây”, Chuyên nói khi không muốn đề cập nhiều về
chuyện riêng tư của mình.
Thấu hiểu
Qua chuyện tình buồn của Chuyên sau đó tôi tìm đến bãi biển Hòa Thắng, nơi trải
dài giữa 2 thôn Hồng Chính và Hồng Hải để hiểu thêm về câu chuyện. Bãi biển
thoai thoải, từng con sóng nhẹ lướt qua rồi lặn mất nhường chỗ những con sóng
khác. Phía trên là những dải đồi cát uốn lượn quanh co, cảnh hoang sơ quyến rũ
bao người dừng chân. Vợ chồng Chuyên là minh chứng. Nếu nơi đây được tỉnh quy
hoạch làm du lịch bài bản sẽ trở thành khu du lịch nổi tiếng như Mũi Né. Nhưng
tôi lại đâm lo ngành chức năng không sớm quy hoạch sẽ lại “vỡ trận” trước cảnh
đẹp thiên nhiên ở đây. Tất cả như một bức tranh, nhưng chỉ tiếc là con người bôi
bẩn lên bức tranh đó. Những vết bẩn ấy là rác rưởi, phân bò, thậm chí gia súc
chết... những thứ người dân thải ra trên bãi biển.

Mải suy tư trên bãi biển, tôi suýt vấp phải 1 con mèo chết trương phình trước
khi lũ ruồi nhặng bay tán loạn, mùi hôi thối bốc lên. “Cần phải chú ý hơn!”, tôi
chợt nghĩ đến những gì Chuyên phàn nàn là sự thật. Ở những bãi biển khác con
người “tranh nhau” xây cất những resort nghỉ dưỡng, nhưng ở đây lại dựng những
chuồng bò. Bò được “ngắm biển”, “dạo chơi trên bãi biển”, khi màn đêm buông
xuống thì chúng vào chuồng. Đằng sau những chuồng bò tính từ bờ biển vào đất
liền là khu dân cư, nơi có ngôi biệt thự sân vườn với kiến trúc theo kiểu phương
Tây trên diện tích cũng khoảng 2 ha. “Nhà em đó, chị thấy không trước nhà là
chuồng bò, môi trường ở đây không còn gì để nói”, Chuyên nói với tôi.
Gió biển không ngừng thổi mang theo tất cả những gì vào đất liền. Gió thổi qua
chuồng bò vào các ngôi nhà, biệt thự, bảo sao anh chồng Tây của Chuyên chịu nổi
những bức xúc ấy.
Hy vọng đổi thay
Mang theo những gì gom nhặt trên bãi biển tôi kể với Trưởng thôn Hồng Hải, chị
Hà Thị Thắm. “Số ít người dân sống gần biển cứ lén mang rác vứt ra bờ biển. Họ
không chịu đóng phí môi sinh. Khi phát hiện ai mang rác ra biển vứt là phạt,
nhưng họ vẫn vứt”, Thắm thừa nhận thực trạng. “Tới đây tôi tiếp tục mời họ lên
làm việc để chấn chỉnh” - chị Thắm nói.
Vứt rác ra biển trở thành thói quen từ bao đời nay của người dân ven biển, người
dân địa phương cũng không ngoại lệ. Việc tuyên truyền, vận động là cần thiết,
thậm chí xử phạt mới có thể thay đổi thói quen xấu này. Ngay cả việc dựng chuồng
trại ven biển, người dân cứ thấy đất bỏ trống là làm chuồng, không nghĩ có ảnh
hưởng đến ai. Chị Thắm cho biết, dọc bãi biển có khoảng 5 chuồng bò của các hộ
dân ở sát biển. Số hộ nuôi hiện đã giảm, trước kia khá nhiều.
Dưới cái nắng táp mặt, Thắm đi cùng tôi đến UBND xã Hòa Thắng. Trên con đường
đất đỏ, tiếng ve kêu trong sắc phượng đỏ, phảng phất nét đẹp làng quê, hoang sơ,
mộc mạc. Tôi thầm ước, giá như môi trường mà sạch đẹp hơn thì nơi đây sẽ có cơ
hội vươn lên như bao chỗ khác ven biển. Tân lãnh đạo UBND xã Hòa Thắng - Đặng
Duy Thông tiếp tôi, anh bảo sẽ đi thị sát bãi biển và đang tìm cách xóa những
tồn tại về vệ sinh, môi trường, kể cả chuyện chuồng bò trước bãi biển, nhằm biến
nơi đây thành khu du lịch thu hút người đến tham quan, tắm biển. Với quyết tâm
của anh, tôi hy vọng Hòa Thắng sẽ sạch đẹp và nổi tiếng trong, ngoài nước như
Mũi Né khi các dự án địa ốc, du lịch hình thành trong tương lai.
Phóng sự: Ninh Chinh