Theo dõi trên

Chiến lược ngăn Covid-19

09/06/2021, 09:31

BT- Trong những ngày qua, khá đông người dân từ TP. Hồ Chí Minh trở về tỉnh. Là nguồn nguy cơ lây chính, ảnh hưởng gián tiếp đến Bình Thuận. Để giảm thiểu mối nguy cơ, ngành y tế tỉnh thực hiện song hành nhiều biện pháp.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong (áo trắng) kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch dịch Covid-19 ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân. Ảnh: Đ.Hòa

Nhiều người đua nhau về quê

Khi dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh bùng phát, số mắc Covid-19 tăng cao, rải rác nhiều quận. Vì lẽ đó, người dân vùng dịch tìm về nơi an toàn để tránh dịch. Trong những ngày qua, khá đông người dân kể cả học sinh, sinh viên trở về Bình Thuận bằng nhiều phương tiện khác nhau.

Được biết, từ ngày 31/5 đến 7/6, Phan Thiết tiếp nhận hơn 1.800 người từ TP. Hồ Chí Minh trở về khai báo y tế. Trong đó, tập trung các phường như Mũi Né, Hàm Tiến, Phú Hài, Phú Thủy, Tiến Thành… có đông người dân, học sinh, sinh viên làm việc và học tập tại TP. Hồ Chí Minh.  Tương tự, 8 huyện và 1 thị xã còn lại đều có nhiều học sinh, sinh viên và người dân từ TP. Hồ Chí Minh trở về. Trong đó, Tuy Phong và Đức Linh là 2 huyện không ít  người dân từ quận Gò Vấp trở về địa phương.

Theo bác sĩ Đinh Thế Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bình Thuận đã phát hiện hơn 20 ca F1 có liên quan trực tiếp đến các ca bệnh - F0 thuộc các tỉnh, thành khác. Các ca F1 đã được điều tra, đưa cách ly kịp thời. Trong đó, nguy cơ dịch Covid-19 từ TP. Hồ Chí Minh ảnh hưởng đến Bình Thuận là rất lớn. Số người về Bình Thuận mỗi ngày được giám sát, lấy mẫu xét nghiệm trung bình hơn 700 người.  

Làm xuyên đêm

Để đảm bảo truy vết thần tốc các trường hợp liên quan đến bệnh nhân Covid-19 và ngăn chặn các yếu tố có nguy cơ, nhân viên y tế các tuyến đang ngày đêm làm việc. Một nhân viên y tế trực tại chốt kiểm dịch đường Hải Thượng Lãn Ông (Phan Thiết) tiếp giáp quốc lộ 1A cho biết: Tại điểm chốt, trời nắng gắt, hơi nóng từ mặt đường nhựa hắt lên, từ trên mái che áp xuống. Khi mưa đến các nhân viên y tế đều bị ướt. Nhân viên y tế trong cùng chốt thay ca trực xuyên suốt 24/24h, đo thân nhiệt, ghi lại lịch trình, biển số xe, số chứng minh nhân dân của người khai báo, báo về trạm y tế. Nếu người nào có thân nhiệt cao hoặc nghi ngờ mắc bệnh, thì sẽ được yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm. Bên cạnh những người chấp hành khai báo y tế, một vài trường hợp khai báo vòng vo.

Bác sĩ Nguyễn Sơn Hà, thành viên đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Đợt dịch thứ 4, số ca mắc bệnh được ghi nhận tại nhiều tỉnh, thành. Nhiều người từ vùng dịch trở về Bình Thuận. Vì vậy, đội phản ứng nhanh truy vết, điều tra dịch tễ người tiếp xúc với ca bệnh không kể ngày đêm, rà soát từng chuyến xe, tàu. Từ đó, nhân viên y tế nhận định đối tượng thuộc trường hợp cách ly tập trung, cách ly tại nhà để áp dụng phù hợp, kịp ra danh sách chuyển ngay xuống địa phương. Riêng người lấy mẫu luôn mặc đồ bảo hộ trong thời tiết nóng bức khiến mồ hôi ướt đẫm.

Theo bác sĩ Hùng, các đội phản ứng nhanh từ tuyến xã lên tuyến tỉnh làm việc thâu đêm để truy vết người tiếp xúc ca bệnh, tiếp nhận khai báo y tế người đi từ vùng dịch trở về, lấy mẫu xét nghiệm. 1 - 2 giờ sáng, nhân viên y tế các huyện vẫn chuyển mẫu đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Riêng khoa xét nghiệm của trung tâm thực hiện tách mẫu, xét nghiệm và trả kết quả phải tăng cường 4 ca làm việc.  

Sớm ổn định

Bác sĩ Hùng phân tích như sau: Từ số lượng người từ TP. Hồ Chí Minh đến tỉnh trong những ngày qua cho thấy nguồn nguy cơ lây chính, ảnh hưởng gián tiếp đến Bình Thuận. Nguồn nguy cơ lây bệnh từ các tỉnh phía Bắc thì ít, bởi vì khá xa về mặt địa lý. Bình Thuận vẫn có nguy cơ ghi nhận ca nhiễm bất cứ lúc nào. Vì vậy, ngành y tế tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng giám sát tốt nguồn nguy cơ, sẵn sàng phát hiện ca bệnh F0 kịp thời ngay khi mới phát bệnh sẽ khống chế tốt nguồn lây. Nếu có chùm ca bệnh, thì tất cả chùm ca bệnh ở mức độ ngay bước đầu phát hiện F0, truy vết F1 tránh lây lan diện rộng. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đó là giám sát y tế, khai báo y tế của tất cả người ngoài tỉnh về. Trong đó người từ TP. Hồ Chí Minh về cách ly tại nhà, nhưng từ quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12) sẽ cách ly tập trung. Với cách làm này, dẫn đến số lượng công việc tăng rất nhiều, nhưng giảm thiểu nguy cơ bệnh lan truyền từ TP. Hồ Chí Minh về Bình Thuận.

Tuy nhiên, mối nguy cơ trên không thể cắt đứt hoàn toàn. Thêm vào đó, các bệnh viện triển khai xét nghiệm định kỳ cho bệnh nhân nặng, bệnh nhân có yếu tố dịch tễ, nhân viên y tế tại các khoa có tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, khoa cấp cứu, hồi sức… Cách song hành vừa xét nghiệm tại bệnh viện vừa xét nghiệm trong cộng đồng, thì ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng, ngăn ngừa Covid-19 vào bệnh viện. Nếu có bệnh, ngành y tế phát hiện sớm thông qua xét nghiệm, kịp thời ngăn ngừa bệnh lây lan. Điều quan trọng nữa là người dân chấp hành tốt khai báo y tế. Bác sĩ Hùng cho biết: “Trong đợt dịch lần thứ 4, từ ngày 27/4 đến nay, Bình Thuận không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Dự kiến, mọi thứ sẽ ổn định trong khoảng 15 - 30 ngày tới”.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến lược ngăn Covid-19