Theo dõi trên

Cây đinh lăng “trụ” được trên đất pha cát

24/05/2017, 09:03 - Lượt đọc: 810

BT- Anh Huỳnh Thanh Toán, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong là người đã đưa cây đinh lăng về phát triển trên vùng đất quê mình. Ban đầu, từ 50 rồi 100 gốc, sau đó lên đến 1.000 gốc. Bây giờ, gia đình anh đang sở hữu 10 nghìn gốc đinh lăng. Theo anh, việc trồng và chăm sóc cây này cũng khá đơn giản, ít sâu bệnh mà lại được giá. “Cây đinh lăng dễ chăm sóc, ít tốn công, đầu tư thấp khi chỉ cần bón phân ban đầu, sau đó thường xuyên theo dõi, làm cỏ là giúp cây sinh trưởng tốt”, anh Toán cho biết.

Cây đinh lăng là một trong những cây thích hợp và phát triển tốt ở những vùng đất pha cát, tơi xốp. Cây phát triển quanh năm, chịu hạn rất tốt và rất ít khi bị sâu bệnh. Nhưng để đinh lăng phát triển tốt nhất, nên phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu bằng việc cày bừa đất kỹ, tạo độ thông thoáng cho đất, trồng trong chậu cây cảnh thì thường xuyên xới đất.

Nhu cầu của thị trường ngày một cao, nhiều người dân trong vùng đã tận dụng những khoảng trống trong vườn, bờ ao, ngoài ngõ… để trồng loại cây này, ban đầu để lấy lá làm rau sống, có khi thì ngâm rượu hoặc phơi khô, nấu lấy nước uống cho mát. Sau một thời gian thấy nhiều thương lái đến từng nhà tìm, thu mua, gom, giá lại cao nên mọi người đua nhau bán, mở rộng mô hình.

“Bình Thạnh đã đạt chuẩn nông thôn mới nên cũng được các cấp đầu tư, hỗ trợ thêm vốn để sản xuất nông nghiệp. Cấp ủy cũng bàn bạc và dự định triển khai những mô hình mới, trong đó có giống đinh lăng. Mô hình đã hỗ trợ cho nông dân hơn 700 gốc/hộ, tiến hành trong 2 đợt. Bước đầu đem lại hiệu quả, từ đó đã nhân rộng mô hình ra nhiều hộ dân khác trong xã”, bà Hồ Thị Thu Thiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh cho biết.

Ngoài việc trồng đinh lăng bán thương phẩm, một số bà con nông dân còn chiết cành bán giống. Nguồn thu từ việc này cũng không nhỏ. Theo giá thị trường, 6.000 đồng/một hom giống thì với 10.000 gốc đinh lăng như gia đình anh Huỳnh Thanh Toán, có thể đem lại nguồn lợi đáng kể về kinh tế.  Vì những lợi ích về y học và kinh tế mà cây đinh lăng mang lại, thời gian gần đây phong trào trồng đinh lăng lan rộng. Hiện loại cây này được mệnh danh là “sâm” của người nghèo, vì đinh lăng rất dễ trồng, là loại thuốc quý. Theo một số bà con trồng đinh lăng ở xã Bình Thạnh, thì tất cả các bộ phận của cây đều được sử dụng, bán được giá và thương lái không loại bỏ phần nào. Đặc biệt là củ đinh lăng lâu năm, giá bán có thể lên đến hàng triệu đồng/kg.

Chủ trương của huyện Tuy Phong là sản xuất và phát triển các loại cây trồng phù hợp như nho, trôm, bông vải, thanh long. Đồng thời, huyện cũng chú trọng các loại hình sản xuất kinh tế tập thể, sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm và đầu ra ổn định cho nông sản. Với đặc thù khí hậu thời tiết nắng nóng, lượng mưa bình quân hàng năm thấp, việc nhiều nông dân mạnh dạn tìm tòi giống cây trồng mới, trong đó có đinh lăng, sẽ giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần đa dạng các sản phẩm nông nghiệp tại Tuy Phong.

Chí Bình



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cây đinh lăng “trụ” được trên đất pha cát