Theo dõi trên

Cẩn trọng với gia vị không nhãn mác

17/07/2018, 09:13 - Lượt đọc: 99

BT- Hiện nay, các loại gia vị không có nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không ghi thành phần, hạn sử dụng… đang được bày bán nhiều tại các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa. Đó là mối nguy cơ tiềm ẩn nhiều căn bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Dù có sự kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng, nhưng những kiểu hàng hóa không nhãn mác vẫn ngang nhiên chễm chệ trên các sạp như thách thức pháp luật.

Trước đây, khi nấu nước lèo, súp… thì người bán hàng ăn phải chuẩn bị vài ký xương cùng các loại củ, quả để cho hương vị ngon ngọt, đậm đà. Nhưng nay, chỉ cần thêm một ít hạt nêm, vài túi phở bò, bún riêu, bún mắm... với giá rẻ bèo là có ngay một nồi nước lèo to, không cần phải tốn kém tiền bạc mua xương hầm. Thậm chí những món ăn chay, để chế biến những cái tên “kiêu kỳ” theo kiểu mặn như cà ri dê chay, bún bò chay, sườn heo chay… thì người bán buộc phải mua những gia vị tạo mùi ngoài chợ. Nếu đó là những sản phẩm được đóng gói theo quy định của cơ quan chức năng thì không có gì phải bàn cãi. Nhưng, rất nhiều sản phẩm không có một chút thông tin gì vẫn được bày bán. Không khó để bắt gặp những túi hạt nêm, bột ngọt, tương ớt, tương đen... đựng trong các bao nylon, thùng nhựa chẳng có tên thương hiệu, không địa chỉ, hạn dùng. Vậy mà người tiêu dùng không chút nghi ngờ, dè dặt, vẫn vô tư mua về sử dụng. Thậm chí nhiều quán ăn tham lời cao (nhất là quán lề đường), không ngần ngại mua gia vị không nhãn mác về dự trữ nhiều tháng liền, bất chấp thời gian dài có thể gây hư hỏng.

Theo quy định của Bộ Y tế, đa số các gia vị có mặt trên thị trường đều sử dụng phụ gia thực phẩm để tạo màu, tạo mùi vị và chất bảo quản. Phụ gia thực phẩm phải được công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trước khi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và dùng để sản xuất, chế biến thực phẩm. Bộ Y tế cũng quy định danh mục và liều lượng các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm; đồng thời nghiêm cấm sử dụng phụ gia thực phẩm không có trong danh mục này và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm không có xuất xứ rõ ràng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe (gây ngộ độc cấp tính hoặc tích lũy dần dần trong cơ thể) vì không được kiểm soát về nguyên liệu, thành phần, chỉ tiêu chất lượng… Còn theo khoản 4, Điều 26, Nghị định 80/2013 của Chính phủ: Hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, nhãn phụ phải được dịch nguyên bản từ nhãn gốc. Nếu hàng hóa không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi thì mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 - 40 triệu đồng.

Vì vậy người bán cần tuân thủ những quy định của pháp luật kẻo phạm tội. Cơ quan chức năng nên thường xuyên kiểm tra những gia vị không nhãn mác, nhất là ở những chợ đầu mối. Riêng người nội trợ, nên thận trọng khi mua thực phẩm ở các tiệm tạp hóa, cần coi rõ xuất xứ, hạn sử dụng để bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình. Nếu có thời gian, nên vào siêu thị để có độ tin cậy cao về món hàng mình cần mua. Ngoài ra, nên hạn chế ăn ở những hàng quán lề đường để không mắc bệnh vì những gia vị không rõ nguồn gốc.

NguyỄn TẤn QuỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cẩn trọng với gia vị không nhãn mác