Theo dõi trên

Các trang trại chăn nuôi heo giáp ranh huyện Hàm Tân: Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

24/04/2017, 08:45 - Lượt đọc: 42

BT- Ở khu vực giáp ranh với huyện Hàm Tân, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các nhà máy chế biến cồn, mì chưa lắng xuống, lại thêm 4 trang trại chăn nuôi heo phía xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, có nguồn xả nước thải từ hoạt động chăn nuôi ra sông Ui- thượng nguồn sông Giêng, sông Dinh- thêm nỗi lo cho người dân ở hạ nguồn.

                
Một trang trại nuôi heo. Ảnh minh họa

  Theo Sở Tài nguyên là Môi trường Bình Thuận, từ hai năm 2014, 2015, 4 trang trại heo ở xã Xuân Hưng đã bắt đầu đi vào hoạt động với quy mô nuôi 1.200 – 2.400 con heo nái/trang trại. Các trang trại này ban đầu được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 141, 142, 2544, 3571 năm 2014. Nhưng trong quá trình chăn nuôi đến nay các chủ trang trại chưa đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục hệ thống xử lý nước thải theo báo cáo ĐTM được phê duyệt (nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam 62-MT:2016/BTNMT, cột A). Cụ thể, Trang trại chăn nuôi heo số 1, số 2 thuộc Công ty An Phú Khánh 6, hiện nước thải chăn nuôi được thu gom vào hầm biogas thể tích 3.000 – 3.200m3, rồi đưa ra ở 3 hồ chứa không chống thấm. Một trang trại chăn nuôi heo khác của Công ty An Phú Khánh 7, quy mô nuôi 2.400 heo nái; gần 3 năm nay nước thải chăn nuôi cũng chỉ thu gom vào hầm biogas, sau đó đưa ra 2 hồ sinh học chưa chống thấm. Đến tháng 8/2016, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Công nghiệp môi trường Trấn Vũ để xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 150 m3/ngày đêm. Tương tự, trang trại chăn nuôi heo của Công ty An Phát Tám nước thải chăn nuôi chỉ thu gom vào hầm biogas, rồi dẫn về lưu chứa tại một hồ có chống thấm và 3 hồ chứa khác chưa chống thấm. Công ty này đang trong quá trình xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, các hồ chứa chưa chống thấm trên nằm ở thượng nguồn lưu vực sông Ui trong thời gian dài, không tránh khỏi thẩm thấu vào nguồn nước sông. Trong diễn biến liên quan, tại khu vực giáp ranh sông Ui, Đoàn đại biểu Quốc hội hai tỉnh (Bình Thuận, Đồng Nai) phối hợp sở, ngành chức năng giám sát, lấy mẫu nước phân tích cho thấy các thông số trên chuẩn cho phép, như: COD vượt 1,26 lần, BOD vượt 1,45 lần, TSS vượt 1,2 lần, Photphat  vượt 1,36 lần.

Để khắc phục môi trường nước sông Ui ô nhiễm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh đã đề nghị Đồng Nai yêu cầu chủ doanh nghiệp 4 trang trại chăn nuôi heo đang hoạt động tại xã Xuân Hưng khẩn trương xây dựng hoàn thành hệ thống thu gom, xử lý nước thải; chỉ được đi vào hoạt động chính thức khi được xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án theo quy định. Đồng thời, kiến nghị Đồng Nai xem xét hạn chế tối đa việc cấp phép đầu tư mới các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như trang trại chăn nuôi heo… Đại diện lãnh đạo Đồng Nai, bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thống nhất kiến nghị này để chỉ đạo thực hiện.

T. Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các trang trại chăn nuôi heo giáp ranh huyện Hàm Tân: Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường