Theo dõi trên

Bệnh tay chân miệng tăng, nguy cơ lan rộng

20/07/2017, 08:59

BT- Mặc dù không xuất hiện ổ dịch tay chân miệng (TCM), nhưng số ca bệnh này đang tăng. Nếu không phát hiện kịp thời, bệnh sẽ biến chứng. Cộng đồng chủ động phòng bệnh là giải pháp bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ.

Chưa xác định nguyên nhân

6 tháng đầu năm 2017, Bình Thuận đã ghi nhận 248 trường hợp mắc bệnh TCM, không có trường hợp tử vong. Số mắc tăng 2,56 lần so với cùng kỳ năm 2016 (97 trường hợp). Các trường hợp mắc bệnh xuất hiện rải rác tại các huyện, thành phố, chủ yếu tập trung Hàm Thuận Bắc (52 ca), Đức Linh (50 ca), Hàm Thuận Nam (31 ca), Phan Thiết (22 ca)…

Tại Đức Linh, ngành y tế chưa thể xác định nguyên nhân chính làm gia tăng số mắc bệnh TCM. Nhìn chung, sự phát triển và lưu hành vi rút gây bệnh trong môi trường có sự biến động. Song người dân, trường học phòng bệnh chưa hiệu quả. Chẳng hạn: để trẻ chưa bệnh chơi đùa, tiếp xúc với trẻ đang bệnh TCM. Phụ huynh vẫn tiếp tục cho trẻ bệnh đến trường. Giáo viên, cô nuôi dạy trẻ không biết hoặc không phát hiện trẻ bệnh TCM nên vẫn cho trẻ học, tiếp xúc với các trẻ khác trong nhóm, trong lớp. Đó là giải thích của ông Nguyễn Ninh (Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế Đức Linh).

Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Hoàng Văn Hùng (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) nhận định: “Mặc dù số ca bệnh TCM trong các tháng đầu năm 2017 tăng, nhưng không xuất hiện ổ dịch, bệnh xuất hiện trong cộng đồng khu dân cư với trẻ nhỏ từ 1 – 3 tuổi. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện đa khoa tỉnh giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm khi phát hiện ca bệnh”. 

Cộng đồng chủ động phòng bệnh

Với bệnh TCM do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng, loét miệng lợi lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Tuy nhiên, hiện tại chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc đặc trị; các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường hạn chế lây lan… Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, càng nhỏ càng dễ mắc.

Theo bác sĩ Hùng, những bệnh nhân mắc bệnh TCM sẽ khỏi bệnh sau 1 tuần được điều trị. Nếu không phát hiện kịp thời, có trường hợp biến chứng nặng như viêm não, viêm cơ tim… Vì vậy cộng đồng phải chủ động phòng bệnh. Các bà mẹ cần hết sức chú ý, đề phòng khi trẻ mắc bệnh; không đưa trẻ có biểu hiện mắc bệnh đến trường hoặc đến những nơi công cộng. Bên cạnh đó, phụ huynh, người trông giữ trẻ, các trường học, đặc biệt trường mầm non, nhóm trẻ thường xuyên vệ sinh môi trường lớp học. Trẻ và người chăm sóc thường xuyên rửa sạch bàn tay với xà bông dưới vòi nước sạch. Vật dụng, đồ chơi, nơi sinh hoạt của trẻ phải được vệ sinh hàng ngày; đảm bảo cho trẻ ăn chín, uống chín, tuyệt đối không ăn uống chung muỗng, chén, ly... Thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và các quy định về phòng chống dịch bệnh trong trường học.

Trang HIẾU



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh tay chân miệng tăng, nguy cơ lan rộng