Theo dõi trên

Bao giờ nước về vùng cát?

07/11/2018, 08:41 - Lượt đọc: 12

BT- Là một trong những xã vùng cát khô hạn nhất nhì tỉnh, xã Hồng Phong (Bắc Bình) sản xuất chủ yếu vẫn còn phụ thuộc vào “nước trời”. 

Vùng khát

Tháng 11, gió bấc đã bắt đầu rào rạt thổi. Đất ở Hồng Phong cứ trơ trụi, khô khốc. Những ruộng dưa lấy trái vừa thu hoạch xong, những dây dưa lá héo úa nằm queo quắt trên rẫy. Trời thì trong veo ngày qua ngày, thi thoảng cũng có vài cơn mưa nhưng không đủ thấm đất đã ngưng, nông dân nhìn trời trong lòng phập phồng không dám xuống vụ mới. Nhiều khu rẫy vì vậy đành bỏ hoang vụ sản xuất cuối năm nay.

Ông Huỳnh Đông Dược – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: “Từ đầu vụ đến nay, nông dân chỉ xuống giống khoảng 500 ha trong tổng gần hơn 1.500 ha đất sản xuất toàn xã. Ở vùng đất khắc nghiệt “thiếu mưa thừa nắng” này bao năm qua cũng chỉ trồng được những cây ngắn ngày như dưa hấu, mè,  đậu phộng… Sau nhiều năm thất mùa, nên cứ tầm tháng 5 đến cận tết là đất ở Hồng Phong lại bỏ hoang, bởi nông dân lo sợ mất trắng. Họ rủ nhau đi làm thuê cho các khu du lịch, các resort Mũi Né, Hàm Tiến để kiếm thêm thu nhập, thay vì những ngày hạn “ngồi chơi xơi nước”.

Là xã vùng cát, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, còn lại số ít ỏi là kinh doanh nhỏ lẻ. Nhưng sản xuất nông nghiệp ở Hồng Phong phụ thuộc vào nước trời, chăn nuôi lại bấp bênh nên đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Ở một số vùng đất triền thấp, nông dân cũng khoan giếng chuyển đổi trồng cây ăn quả như mãng cầu, dừa, cây điều nhưng diện tích chưa nhiều, chỉ vài chục ha. Nhưng do nguồn nước các giếng khoan khan hiếm, không phải khoan giếng nào cũng có nước, có giếng sâu đến cả 100m vẫn chưa có mạch nước ngầm nên nông dân chưa thật mặn mà chuyển đổi. Đây cũng là lý do khi toàn xã có 1.547 người dân thì đã có 1.020 người ra khỏi địa phương và đi làm thuê các khu dịch vụ du lịch ở Phan Thiết. 

Chờ mong vùng tưới

Mặc dù hiện nay kênh Chính Tây của dự án cấp nước Khu Lê Hồng Phong đã hoàn thành, tuy nhiên người dân xã Hồng Phong vẫn chưa tiếp cận được nguồn nước để phục vụ sản xuất. Cũng theo ông Dược, trên địa bàn xã hiện không có bất kỳ hồ chứa hay công trình thủy lợi nào. Nếu trong thời gian tới tỉnh, huyện xem xét bố trí vùng tưới cho 220 ha, xã sẽ chủ động trong việc tổ chức sản xuất. Xã đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Nhưng nếu không có thủy lợi, thì việc chuyển đổi cơ cấu này khó thực hiện được”.

Vào tháng 5 vừa qua, Công ty Khai thác công trình thủy lợi đã cùng với chính quyền xã khảo sát và thống nhất 2 vùng tưới ở xã gồm: Vùng tưới 1 được bố trí tại khu vực Hóc Kính – Trũng tây điểm đầu tiếp giáp với kênh chính Tây, điểm cuối tại khu vực Trũng tây tiếp giáp xã Hòa Thắng với tổng diện tích vùng tưới 75 ha. Vùng này gồm đất sản xuất trồng cây hàng năm và trồng cây lâu năm (keo lá tràm) của các hộ dân. Vùng tưới 2 được bố trí dọc theo tuyến kênh nước thuộc kênh chính Tây, khoảng cách vùng tưới tiếp giáp kênh nước 100 – 200 m và từ núi nhỏ thuộc thôn Hồng Thịnh đổ về khu vực Láng Cây Gũ thuộc thôn Hồng Thanh. Vùng này gồm đất trồng cây hàng năm và trồng keo lá tràm.

Ông Nguyễn Hữu Tuân – Phó Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi cho biết: Trong bối cảnh tình hình khô hạn diễn ra nhiều nơi, đầu năm nay trên dọc tuyến kênh Chính Tây đơn vị có đào 4 ao trải bạt trữ nước, mỗi ao rộng khoảng 2.000 m. Một số vùng sản xuất ở các xã lân cận kênh như Bình Tân, Lương Sơn, Hồng Liêm được hưởng lợi. Tuy nhiên, các khu sản xuất xã Hồng Phong chưa “vươn tới” được, do ao không nằm gần khu sản xuất.

Hơn bao giờ hết, yếu tố “nhất nước” trong sản xuất nông nghiệp đang là trở ngại và thách thức lớn nhất đối với nông dân Hồng Phong. Cũng như nhiều người dân các xã căn cứ cách mạng Khu Lê, bà con ở đây đã từng vui mừng khôn xiết khi biết dự án công trình cấp nước Lê Hồng Phong khởi công. đến bây giờ, niềm mong mỏi được hưởng lợi từ công trình ấy vẫn còn!

    
    Ông Phan Văn Tấn – Phó   Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cho biết: Hiện nay, việc xây dựng   các kênh nhánh còn khó khăn do thiếu kinh phí, trước mắt ngành sẽ tham   mưu xem xét bố trí 2 vùng tưới để giải quyết nước tưới cho diện tích   khoảng 220 ha của xã.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bao giờ nước về vùng cát?