Theo dõi trên

Bao giờ Biển Lạc hồi sinh ?

14/02/2017, 09:14

BTO-  Biển Lạc nằm trên địa giới hành chính xã Gia An, huyện Tánh Linh tiếp giáp huyện Đức Linh và được xem là lá phổi chung của hai huyện miền núi này.

Ngày xưa, Biển Lạc như bức tranh thủy mặc, với diện tích mặt nước vào mùa khô trên 1.000 ha nằm giữa cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, khi mùa mưa đổ về hồ Biển Lạc trải rộng ra trên 3.000 ha. Có lẽ khi xưa cha ông ta mở đất thấy hồ nước này quá mênh mông nên đặt tên Biển Lạc. Năm 1877 khi Nguyễn Thông khảo sát vùng rừng núi Tánh Linh, gặp hồ nước này ông gọi tên là “Lạc Hải” tức biển lạc vào rừng. Trong lòng hồ là một cộng đồng sinh vật thủy sản quý hiếm sinh sống như cá thác lác (loài cá nước ngọt làm chả nổi tiếng thơm ngon ở vùng này), cá trèn, cá trạch, cá chép… cùng với trăn, rùa, rắn, lươn… và một hệ thực vật phong phú, tạo môi trường cho chim muông về sinh sống, làm tổ.

Ngoài sự che chắn bởi ngọn núi Cà Tong cao 506 m ở phía Đông, chung quanh Biển Lạc còn có khu rừng đệm với trên 170 loài thực vật đan xen, nơi trú ngụ cho trên 100 loài động vật hoang dã. Gần như các loại gỗ quý hiếm như: trắc, gõ, cẩm, giáng hương…đều có mặt. Nơi đây còn là “vương quốc” của nhiều loại lan rừng, là “lồng son” của các loài công, trĩ… Hồ Biển Lạc không chỉ có giá trị về mặt cảnh quang, môi trường, nó còn là nơi nuôi sống nhiều thế hệ gia đình nông dân ở Gia An, Tánh Linh bằng nghề đánh bắt, chài lưới trên hồ. Tùy thuộc vào mùa vụ, con  nước trong năm, dân chài Gia An có nhiều cách đánh bắt truyền thống vừa hiệu quả, vừa bảo vệ được môi trường. Lượng thủy sản trong lòng hồ vô cùng lớn và phong phú. Số lượng đánh bắt được bà con chuyển bán ở phiên chợ họp sáng chiều Gia An,  Lạc Tánh, một phần mang qua các xã bạn ở Đức Linh.

Người Tánh Linh có câu ca dao rất hay: “Tánh Linh ăn gạo Đồng Kho. Ăn cá Biển Lạc chung lo diệt thù”. Cá Biển Lạc từ rất lâu đã thành thương hiệu của Tánh Linh, đặc biệt là cá thác lác. Thác lác Biển Lạc nổi tiếng khi được chế biến thành chả, chả cá thác lác ở đây vừa dai, vừa ngậy, vừa thơm. Thật bình an và thơ mộng biết bao khi được ngồi xem hoàng hôn thả chùng trên Biển Lạc, được thả xuồng trôi trong mênh mông trăng nước, thả lòng hoang vu theo tiếng chim kêu, vượn hú.

Điều đáng tiếc, do sự tác động thiếu ý thức của con người đã khiến Biển Lạc bây giờ khô kiệt và tan hoang. Những khu rừng nguyên sinh, rừng đệm gần như không còn, chim muông, hoang thú số bị săn bắt, số phải bỏ đi vì không còn chỗ dung thân. Nguồn sinh vật thủy sản như cá, tôm… cạn kiệt do nạn khai thác bừa bãi như chích điện, đánh thuốc…

Làm thế nào để Biển Lạc hồi sinh? Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn lương tâm của cán bộ và nhân dân Tánh Linh. Những thế hệ con cháu mai sau có còn được thừa hưởng thắng tích kỳ vỹ này hay không. Tất cả đều phải bắt đầu từ hôm nay.             

 NGÔ VĂN TUẤN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bao giờ Biển Lạc hồi sinh ?