Theo dõi trên

 “Bà đỡ” của rùa biển Hòn Cau

22/02/2018, 08:14

BX- Không ngại đi bộ hàng giờ, không sợ bóng đêm với nhiều nguy hiểm trên đảo vắng. Cứ  7  -  8 giờ tối hàng tuần vào mùa cao điểm rùa đẻ trứng, Lưu Yến Phi với hành trang là chiếc túi ngủ, mền, đèn pin và một số dụng cụ cần thiết khác lội bộ gần một giờ đồng hồ, len lỏi qua từng tảng đá, cây rừng trên đảo để đến bãi rùa đẻ trứng. Không ai nghĩ cô gái ấy lại có thể yêu rùa đến thế.

                
Yến Phi trên ca nô ra đảo. Ảnh: Đình Hòa

“Hoa khôi” của đảo, “bà đỡ” của rùa

Đó là công việc thường xuyên với Phi vào mùa cao điểm từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, đây là mùa  rùa biển ở đảo Hòn Cau đẻ trứng. Yến Phi kể: Cứ vào mùa này, tuần nào cũng khăn gói đồ đạc ra vô đảo như đi chợ. Cả tổ 3 người, duy nhất Phi là con gái và được nhiều người đặt cho mình cái tên “hoa khôi” biển Hòn Cau. 6 năm nay “đỡ đẻ” cho rùa, Phi không nhớ đã có bao nhiêu ngàn rùa con được cho ấp, nở để trở về với biển cả. Chỉ biết rằng công việc bình dị này đã góp phần bảo tồn một sinh vật biển đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo Phi:  Thú vị nhất sau một đêm ngồi nín thở chờ rùa đẻ, cả tổ thu gom “chiến lợi phẩm” là hàng trăm trứng mang về trại đào lỗ để ấp. Nghĩ tới 60 ngày sau những chú rùa con nở ra, cứng cáp tìm về với biển khơi là hạnh phúc lắm. Công việc hết sức khắc nghiệt, khó khăn, nhưng Phi luôn tình nguyện ra đảo để được hít vị mặn của biển, hứng cái nắng gió ngoài khơi đến khô rát người, chưa kể những buổi thức thâu đêm với cái lạnh giữa trời để “săn” rùa đẻ. “Chuyện ngủ ngoài biển với em mãi thành quen, hôm nào mưa mới dựng lều, không thì cứ nằm lăn ra biển với cái mền quấn chặt nằm chờ rùa đẻ đến sáng”, Phi kể.

Với công việc là nhân viên văn phòng, nhưng tổ tuần tra trên đảo thiếu người, Phi xung phong theo và bén duyên với nghề “bà đỡ”. Tốt nghiệp ngành du lịch, rồi học thêm ngành quản trị kinh doanh, nhưng lại muốn gắn bó với nghề bảo tồn chỉ vì quá yêu biển. Trò chuyện với Phi, cô gái có nước da đen sạm vì nắng gió chia sẻ: Cứ mỗi lần thấy rùa bò lên thăm bãi, là trước sau gì nó cũng quay lại đẻ trứng. Rùa thường đẻ ban đêm, sớm nhất là 19 giờ, có khi nửa đêm là bình thường. “Khi rùa tìm bãi đẻ, chỉ cần mình giữ yên tĩnh, ngồi xa quan sát. Nếu rùa phát hiện tiếng động, có người thì sẽ quay lại biển ngay”. Theo Phi, trước khi đẻ, rùa thường đào rất nhiều ổ giả, sau đó đào một ổ chính thức để đẻ. Mỗi lần rùa đẻ kéo dài từ 2 - 3 giờ, sau đó  xuống biển. Trứng rùa đẻ trong vòng 24 giờ phải ấp ngay, nếu không rất khó nở. Đam mê nghề, Phi còn nhận biết rất rõ vết rùa bò trước và sau khi đẻ khác nhau ra sao, từ đó phát hiện tìm ổ trứng.

Sẽ gắn bó Hòn Cau

Những ngày Hòn Cau “dậy sóng” với việc nhận chìm vật chất nạo vét xuống biển, Phi lo lắng đến bỏ ăn. Nghĩ đến số phận rùa, những sinh vật biển, rạn san hô, môi trường ở Hòn Cau. “Thời gian đó, ngày nào em cũng lên mạng xem thông tin, nghe ngóng, theo dõi, lo cho số phận Hòn Cau”, Phi cười cho biết. Ngày được tin hủy quyết định nhận chìm vật chất nạo vét, Phi mừng đến rơi nước mắt. Được tháp tùng chuyến đi Hòn Cau để cúng tạ ăn mừng với các anh chị nhà báo, không chỉ Phi mà những người dân đảo ở đây chưa bao giờ có cảm giác thoải mái, nhẹ người đến vậy.

                
Hòn Cau với bãi biển và dải cát hoang sơ.    Ảnh: Đình Hòa

Với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng, chẳng có thêm khoản phụ cấp nào, thật khó để gắn bó lâu dài với công việc. Vậy mà, khi hỏi đến kế hoạch tương lai, Phi không muốn từ bỏ rùa, từ bỏ Hòn Cau. “Mùa bấc, Hòn Cau nắng và gió lắm, nên mọi người không thường xuyên ra đảo. Em thấy nhớ rùa, nhớ vị mặn của biển, nhớ không gian yên tĩnh của Hòn Cau về đêm”, Phi bộc bạch.

32 tuổi, gương mặt tròn, sáng và luôn nở nụ cười nhưng Phi vẫn chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình mà chỉ dành tình yêu với rùa, với Hòn Cau. Lúc rảnh rỗi Phi lại tìm hiểu, nghiên cứu về rùa. 6 năm gắn bó với nắng gió Hòn Cau, cô gái Lưu Yến Phi  không thể đen hơn được nữa...

Khánh Ngọc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 “Bà đỡ” của rùa biển Hòn Cau