Theo dõi trên

Áp lực chống dịch tả lợn ở Tánh Linh

13/08/2019, 08:59

BT- Kể từ sau 2 tháng công bố dịch tả lợn châu Phi tại huyện Tánh Linh, gần đây dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn khi số xã bị nhiễm và công bố dịch tăng lên thêm 4 xã, nâng lên 6/14 xã, thị trấn đã xảy ra dịch gồm: Gia An, Đồng Kho, Đức Thuận, Đức Tân, Bắc ruộng và Huy Khiêm với tổng đàn lợn tiêu hủy trên 1.770 con của 154 hộ chăn nuôi. 

Che lưới bảo vệ đàn lợn

Bước vào cao điểm mùa mưa độ ẩm tăng cao, khả năng lây lan dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng. Trong khi đó, tình hình vận chuyển và tiêu thụ lợn từ các địa phương khác trung chuyển qua địa bàn huyện ngày càng tăng. Một số địa bàn chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo và tuyên truyền… là những khó khăn mà Tánh Linh gặp phải trong công tác chống dịch. Từ những kinh nghiệm thời gian qua, ông Võ Văn Ty – Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện nhìn nhận: “Phải xác định phòng chống dịch tả lợn châu Phi đến tận hộ chăn nuôi là giải pháp quan trọng trong thời điểm này. Bởi nếu hộ chăn nuôi không tự bảo vệ đàn lợn của mình theo như khuyến cáo thì dù huyện, xã có triển khai bao nhiêu biện pháp cũng khó lòng đem lại hiệu quả”. Vì vậy, nhiều giải pháp đã được thực hiện với mong muốn đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ đàn lợn còn lại của huyện. Trước tiên, là thông tin đến từng hộ chăn nuôi nắm rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh luôn được tăng cường; thực hiện nghiêm tiêu độc khử trùng... Trong số nhiều giải pháp thì việc che lưới khu vực chuồng trại được xem là cách hiệu quả. Qua thực tế việc “mắc màn” cho lợn tránh các côn trùng ruồi, muỗi đem mầm bệnh vào chuồng cộng với các biện pháp an toàn sinh học đã giúp nhiều đàn lợn thoát dịch. Tuy nhiên, qua thống kê cho thấy trong số 572 hộ có đàn lợn từ 10 con trở lên toàn huyện thì mới chỉ có 180 hộ có che chắn với tỷ lệ 31,5%, tỷ lệ hộ không thực hiện che chắn còn khá cao chiếm 68,5%. Trong đó, các xã có tỷ lệ hộ che chắn cao là Nghị Đức, Măng Tố. Còn lại các xã Bắc Ruộng, Huy Khiêm, Đồng Kho, Lạc Tánh và Đức Phú tỷ lệ che chắn còn rất thấp. Các xã đang tích cực vận động, giải thích người dân hiểu để che chắn lưới bảo vệ đàn lợn nuôi.

Thường xuyên theo dõi công tác phòng chống dịch tại cơ sở là cách huyện Tánh Linh rút kinh nghiệm, khắc phục sự chủ quan ở cơ sở, tránh tình trạng “trên sốt ruột dưới lơ là”. Mặc dù còn đó sự chưa quyết liệt của một số xã nhưng công tác chống dịch tả lợn châu Phi đã không còn xem chỉ là nhiệm vụ của ngành chăn nuôi, cán bộ thú y mà đã có cả sự huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc từ lực lượng dân phòng,đoàn thanh niên, hội phụ nữ... Điều này thấy rõ qua từng việc làm cụ thể như từng nhóm cán bộ được chia nhỏ xuống tận địa bàn để phổ biến kiến thức cho người dân. Các xã đều in ấn tài liệu gửi đến tận tay của hộ chăn nuôi, các xã thị trấn sau khi thống kê đàn lợn trên địa bàn phân công 1 người phụ trách từ 5 – 10 hộ chăn nuôi. Đội kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở giết mổ, củng cố các chốt kiểm dịch nâng cao hiệu quả hoạt động trong việc vận chuyển lợn vào huyện từ các ổ dịch…  

Nỗi lo tiêu thụ lợn

“Cơn bão” dịch tả lợn châu Phi thời gian qua giống như một đòn giáng mạnh khiến ngành chăn nuôi lợn điêu đứng. Hộ chăn nuôi vừa phải gồng mình chống dịch vừa thấp thỏm nỗi lo lợn đến tuổi nhưng không thể xuất chuồng. Toàn huyện Tánh Linh hiện có khoảng 18.000 con lợn, trong đó có khoảng trên 4.000 con lợn đến tuổi xuất chuồng, tỷ lệ lợn xuất chuồng chiếm 47% tổng đàn lợn thịt toàn huyện. Đây là lượng lợn khá lớn, chưa kể áp lực đàn lợn đến tuổi xuất chuồng còn lớn không thể tiêu thụ hết tại chỗ nên người chăn nuôi rất muốn được giải phóng số lợn này. Trong khi đó, cơ sở giết mổ cấp phép trên địa bàn chỉ có 2 cơ sở quy mô giết mổ chỉ từ 2 – 3 con/ngày. Huyện Tánh Linh đã chỉ đạo các xã thống kê lại đàn lợn độ tuổi này để có biện pháp kiểm soát tổng đàn, không tái đàn trong tình hình dịch tránh nguy cơ nhiễm chéo. Huyện kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT giới thiệu các cơ sở giết mổ có nhu cầu tiêu thụ lợn về địa phương tiêu thụ nhằm giảm số lượng lợn thịt cho người dân. Đồng thời, đề nghị cho cấp phép hoạt động một số cơ sở giết mổ tạm thời để giải quyết nhu cầu nội địa. Trong hoàn cảnh hiện nay, công tác thú y phải làm chặt chẽ nhằm bảo đảm chống dịch và tiêu thụ thịt sạch ra thị trường. Về lâu dài, tỉnh cần có chính sách khắc phục chăn nuôi các cơ sở chăn nuôi nhỏ phục vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Tổ chức chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó trung tâm động lực là doanh nghiệp, hợp tác xã, đến hộ trang trại và các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp để kiểm soát được toàn bộ các khâu của quá trình từ sản xuất đến chế biến và ra thị trường để phát triển bền vững phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

CÁT TƯỜNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực chống dịch tả lợn ở Tánh Linh