Theo dõi trên

Vững mãi niềm tin với Đảng

14/08/2019, 09:26

 Bài 1: “Cú hích” từ chính sách

Bài 2:Ngày mới ở vùng đất “kết đôi”

Bài 3:   Đảng và Nhà nước luôn chăm lo đến đồng bào dân tộc thiểu số

BT- Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng và Nhà nước luôn coi việc chăm lo đời sống cho ĐBDTTS là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng và đạo lý truyền thống của dân tộc. Chính vì vậy, Trưởng Ban Dân vận Trung ương lưu ý thời gian tới Bình Thuận cần tiếp tục quan tâm đến công tác giảm nghèo đa chiều. Hướng đến mục tiêu chung là thu hẹp khoảng cách giữa các vùng ĐBDTTS.

                
      
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị    Mai và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng tặng quà cho các già làng có    uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Bắc Bình.    

 Nhiều chuyển biến căn bản, toàn diện

Thông tin về kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 (NQ 24) của BCH Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số với 101.733 người, chiếm trên 8% dân số của tỉnh. ĐBDTTS cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ, trong đó, các dân tộc Raglai, K’ho, Chơ Ro sinh sống tập trung ở 11 xã và 20 thôn xen ghép. Triển khai NQ 24 của BCH Trung ương, Bình Thuận có rất nhiều thuận lợi. Trong đó, thuận lợi nhất là ĐBDTTS có truyền thống yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển; tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương.

Mặt khác, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng bộ tỉnh, ĐBDTTS cùng với nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội của tỉnh. Quan trọng hơn, nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân tộc và xuất phát từ thực tiễn địa phương, Tỉnh ủy đã ban hành, triển khai thực hiện 3 nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc là tiền đề quan trọng cho việc triển khai thực hiện NQ 24. Song song đó, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất như: Cấp đất sản xuất, hỗ trợ trả lãi vay mua bò; đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển giống, vật tư cho ĐBDTTS...

Hiện nay, 100% xã vùng ĐBDTTS đã có đường ô tô thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã; sử dụng điện lưới quốc gia, hạ tầng bưu chính, viễn thông đều được phủ khắp. Tỉnh đã giải quyết căn bản đất sản xuất cho ĐBDTTS với tổng diện tích 15.281 ha/ 14.279 hộ; xây dựng 5.543 căn nhà cho hộ ĐBDTTS nghèo. Qua 15 năm (2003 - 2018), hộ nghèo vùng ĐBDTTS giảm 14,59%, bình quân giảm 0,97%/năm. Thời gian vừa qua, tỉnh còn tập trung đầu tư xây dựng hàng trăm công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS với tổng kinh phí trên 1.200 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn. Trong đó có 12 công trình thủy lợi, 22 công trình giao thông, 33 hệ thống nước sinh hoạt, 15 trường học, 13 chương trình hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư và mở rộng các khu dân cư mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng ĐBDTTS căn bản được giữ vững. Các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa MTTQ, các đoàn thể và các sở, ngành với các xã thuần ĐBDTTS và các xã, thị trấn có thôn xen ghép ĐBDTTS trong tỉnh tiếp tục được phát huy. Từ đó, đã tạo cơ hội thuận lợi để trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, điều hành và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS trong những năm tiếp theo.

 Tiếp tục củng cố niềm tin đối với Đảng

Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao Bình Thuận đã nhận thức sâu sắc và đồng bộ từ cấp ủy đến từng ngành, từng địa phương, nghiêm túc quán triệt, triển khai NQ 24. Nổi rõ, tỉnh đã cụ thể hóa NQ 24 của BCH Trung ương thành 3 nghị quyết quan trọng của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS; Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; Nghị quyết về giảm nghèo bền vững, cơ sở hạ tầng, nhà ở vùng ĐBDTTS. Công tác dân tộc được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Trong đó, nổi bật là giải quyết đất sản xuất, nhà ở, kết quả giảm nghèo bền vững và thu nhập bình quân trên đầu người của tỉnh đang tiếp tục tăng lên. Hệ thống chính trị cơ sở được giữ vững, bảo đảm ổn định; người có uy tín trong vùng ĐBDTTS phát huy tốt vai trò trong việc vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình giá cả các loại vật tư hàng hóa tăng, giá nông sản thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS. Mặt khác, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, nhưng khả năng thích ứng của ĐBDTTS chuyển biến chưa nhiều.

Chính vì vậy, Trưởng Ban Dân vận Trung ương mong muốn thời gian tới Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục quan tâm, chăm lo đến đời sống của ĐBDTTS; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người DTTS đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin đối với Đảng, thực hiện có kết quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững theo kế hoạch đã đề ra. Cần quan tâm đến công tác giảm nghèo đa chiều, đặc biệt chú ý đến nguyên nhân giảm nghèo để có giải pháp thích hợp với từng hộ nghèo. “Trong quá trình này, tỉnh cần chú trọng khoảng cách cơ sở hạ tầng, mức sống, tiếp cận dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực. Hướng đến mục tiêu chung là thu hẹp khoảng cách giữa các vùng ĐBDTTS.

Giải pháp quan trọng là thay đổi sinh kế để giảm nghèo bền vững”- Trưởng Ban Dân vận Trung ương đặc biệt lưu ý. Cùng với đó, chú ý xây dựng, nhân rộng các mô hình để tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tại vùng ĐBDTTS. Đồng thời, tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình giao lưu, kết nghĩa giữa MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện, các sở, ngành với các xã, thôn vùng ĐBDTTS nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, đồng bộ trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc. Trong đó, tập trung xây dựng, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng kịp thời những gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình, điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tại vùng ĐBDTTS.

Nhưng trên hết, thành tựu quan trọng hơn cả chính là xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc anh em, làm cho cuộc sống của người dân, nhất là ĐBDTTS ngày càng khởi sắc, niềm tin của nhân dân vào Đảng ngày một vững chắc - Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

    
    Ủy viên Bộ   Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Dân vận Trung ương   Trương Thị Mai: “Thành tựu quan trọng hơn cả chính là xây dựng khối đại   đoàn kết các dân tộc anh em, làm cho cuộc sống của người dân, nhất là   ĐBDTTS ngày càng khởi sắc, niềm tin của nhân dân vào Đảng ngày một vững   chắc”.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vững mãi niềm tin với Đảng