Theo dõi trên

Vững mãi niềm tin với Đảng

12/08/2019, 09:11

BT- Đánh giá cao tinh thần nghiêm túc của Bình Thuận trong suốt 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai biểu dương những kết quả Bình Thuận đạt được. Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận triển khai nhiều chính sách, mô hình thiết thực, hiệu quả đã giúp công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ngày càng bền vững.

Bài 1: “Cú hích” từ chính sách

Để đưa Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương đi vào cuộc sống, Bình Thuận đã và đang có nhiều chính sách nhằm phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS. Trong đó, hiệu quả nhất phải kể đến là chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư hỗ trợ phát triển sản xuất cho ĐBDTTS. Chính sách này được Bình Thuận triển khai đầu tiên trên cả nước vào năm 2002 và đến nay được xem là chiếc “cần câu” hiệu quả giúp ĐBDTTS thoát nghèo bền vững.

                
Bà Mang Thị Nuôi đang chăm sóc bắp lai vụ    mùa 2019.

 “Cần câu” hiệu quả

Một ngày đầu tháng 8, từ TP. Phan Thiết chúng tôi về thăm xã thuần ĐBDTTS Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam. Mặc dù đang bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, những cơn mưa kéo dài dai dẳng nhưng tuyến đường nhựa dẫn về trung tâm xã sạch sẽ, người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản khá nhộn nhịp. Bây giờ, thôn xóm của xã Hàm Cần có nhiều đổi thay so với thời điểm 10 năm về trước. Những ngôi nhà xây mới mọc lên thay cho nhà tranh vách lá lụp xụp. Những ruộng mía cháy trơ trụi năm nào giờ đây đã được thay thế bởi những vườn bắp trải dài, thanh long xanh mướt. Nhớ lại trước đây, mía là cây trồng chủ lực của xã nhưng thời điểm ấy thương lái thu mua mía chậm khiến cho nhiều ruộng mía bị cháy khô, nông dân điêu đứng. Hơn thế, chữ đường trong cây mía lại quá thấp cùng với những rủi ro về sâu bệnh, thiên tai… khiến đời sống của ĐBDTTS Hàm Cần rất khó khăn. Việc chuyển đổi cây trồng phù hợp hay tìm hướng đi mới luôn là bài toán khó của phần lớn đồng bào lúc bấy giờ. Đúng vào thời điểm đó, chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư để hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã thuần ĐBDTTS và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép trên địa bàn tỉnh ra đời. Chính sách này vừa là động lực vừa là phương án tổ chức làm ăn hiệu quả để đồng bào Hàm Cần nói riêng chuyển đổi cây trồng hiệu quả, như là cách để trao “cần câu”, giúp cho ĐBDTTS vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững.

Đến bây giờ, bà Mang Thị Nuôi - đội 6 - thôn 1 - xã Hàm Cần vẫn còn nhớ như in thời điểm này khoảng 10 năm về trước. Khi ấy, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo nhất nhì của xã. Gia đình thiếu đất sản xuất, không có tiền để đầu tư trồng trọt nên hàng ngày vợ chồng bà Nuôi phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi 8 đứa con. Mặc dù chăm chỉ làm ăn nhưng cái nghèo vẫn luôn bủa vây gia đình bà. Từ khi có chính sách đầu tư ứng trước, bà Nuôi bắt đầu trồng bắp với diện tích khoảng 1 ha. Nhờ chính sách này, bà Nuôi được Nhà nước hỗ trợ ứng trước giống, phân bón, tiền làm đất cũng như được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách trồng trọt, chăm sóc đúng cách. Nông sản thu hoạch có đầu ra ổn định, không bị tư thương ép giá nên kinh tế gia đình từng bước đi lên. Bà Nuôi tính toán cứ 1 ha bắp, nếu thời tiết thuận lợi, không bị sâu bệnh sẽ cho sản lượng khoảng 10 tấn. Sau khi trừ các khoản chi phí trả nợ ứng trước, mỗi năm gia đình bà Nuôi thu lãi khoảng 15 - 20 triệu đồng. Nhờ đó, chỉ sau 3 năm thụ hưởng chính sách, gia đình bà Nuôi đã thoát nghèo bền vững, nhà có của ăn của để. Điều đáng hoan nghênh là với số tiền lãi từ bắp lai, gia đình bà Nuôi dùng để tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích bắp lai và trồng thêm thanh long. Đến nay, gia đình bà Nuôi có 2 ha bắp lai, 200 trụ thanh long 3 năm tuổi, nhà cửa xây dựng kiên cố với nhiều tiện nghi phục vụ cho gia đình như ti vi, tủ lạnh, máy giặt…

Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Cần Lê Đình Liêm cho biết: Xã hiện có 452 hộ ĐBDTTS được thụ hưởng chính sách đầu tư ứng trước để trồng hơn 845 ha bắp lai. Các mặt hàng nông nghiệp được đầu tư ứng trước gồm: giống bắp lai, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại... Trước đây, vào mỗi vụ, 100% bà con phải mua chịu cây, con giống hay vật tư nông nghiệp, hàng hóa của tư thương với giá đắt, lãi suất cao nhưng chất lượng không bảo đảm. Nay nhờ có chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước trợ giá của tỉnh đã giúp ĐBDTTS có đủ giống, vật tư phân bón, hàng hóa để sản xuất. Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ bao tiêu sản phẩm do đồng bào sản xuất ra với giá cao nhất nên cơ bản hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, ép cấp ép giá của tư thương đối với vùng ĐBDTTS. Qua đó, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trên địa bàn miền núi, vùng cao, góp phần đáng kể giúp bà con ổn định cuộc sống. Nhờ đó, số hộ nghèo trong xã đã giảm từ 500 hộ (năm 2010) xuống còn 147 hộ (năm 2018).

 Trung tâm dịch vụ đầu tiên của cả nước

Là tỉnh có 34 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số có 101.733 người, chiếm tỷ lệ 8% dân số toàn tỉnh. ĐBDTTS định cư sinh sống tập trung ở 11 xã thuần và 20 thôn xen ghép thuộc 8/10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Trước năm 2002, vùng ĐBDTTS trong tỉnh còn nhiều khó khăn, nhiều hộ thiếu đất sản xuất, thu nhập bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 50%. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng ĐBDTTS từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp.

Với mục đích góp phần giúp ĐBDTTS có đủ vật tư, hàng hóa để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, phát huy nội lực vươn lên giảm nghèo; vào năm 2002, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập Trung tâm Dịch vụ phát triển thương mại miền núi trực thuộc Ban Dân tộc. Đến năm 2006 được đổi tên thành Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là Trung tâm). Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao nhiệm vụ chính cho Trung tâm là tổ chức đầu tư ứng trước giống, vật tư thiết yếu đến hộ, hướng dẫn hộ ĐBDTTS sản xuất. Cụ thể, Trung tâm sẽ đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển giống, vật tư để hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ ĐBDTTS thuộc các xã thuần vùng cao và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc nông sản, cây cao su cho hộ ĐBDTTS; kịp thời tổ chức thu mua, tiêu thụ nông sản hàng hóa, sản phẩm mủ cao su do hộ đồng bào sản xuất. Mặt khác, sẽ tổ chức hệ thống các cửa hàng, đại lý trực thuộc Trung tâm thực hiện có hiệu quả các dịch vụ cung ứng, mua bán hàng hóa tại các thôn, xã vùng ĐBDTTS.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Nguyễn Văn Chi cho biết: Chính sách này được thực hiện tại 11 xã thuần và 20 thôn dân tộc thiểu số xen ghép thuộc các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc. Tính đến thời điểm này, Trung tâm có hệ thống 11 cửa hàng và 4 đại lý trực tiếp đóng chân trên địa bàn các thôn, xã miền núi, vùng cao trong tỉnh. Nhiều năm qua, mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi đã làm ảnh hưởng đến thời vụ xuống giống của đồng bào. Tuy nhiên, Trung tâm đã rất cố gắng trong việc nắm bắt tình hình, tổ chức thực hiện tốt chính sách đầu tư ứng trước; cung ứng kịp thời giống, vật tư, hàng hóa các loại cho đồng bào sản xuất.

Theo ông Chi, để đầu tư ứng trước có hiệu quả, hàng năm Trung tâm còn phối hợp cùng các công ty cung ứng giống tiến hành mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng chăm sóc cây bắp lai, lúa nước cho các hộ đồng bào có thực hiện đầu tư ứng trước. Đồng thời khi giao nhận vật tư, Trung tâm phối hợp cùng ban chỉ đạo sản xuất của xã, thôn tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật quy trình sản xuất theo cách “cầm tay chỉ việc”. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 19.000 lượt hộ ĐBDTTS được đầu tư bắp lai, lúa nước với diện tích trên 34.450 ha. Tổng số tiền đầu tư ứng trước qua các năm cho các hộ đồng bào trên 215 tỷ đồng gồm: tiền mua nhiên liệu cày đất, gạo ăn, bắp giống, phân hóa học, thuốc BVTV. Riêng năm 2018, Trung tâm đã cung ứng đầy đủ, kịp thời nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống cho khoảng 1.300 hộ với hơn 2.300 ha diện tích sản xuất với tổng giá trị giá trên 12 tỷ đồng; trong đó, cây bắp lai chiếm diện tích hơn 2.000 ha với tổng số tiền ứng trước trên 11 tỷ đồng. Mặt khác, việc tổ chức thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm cũng được Trung tâm triển khai ngay từ đầu vụ. Trước khi thu mua bắp, Trung tâm thông báo giá mua bắp từng loại bằng hoặc cao hơn giá thị trường tại từng thời điểm cho UBND các xã, thôn, tổ cán bộ tăng cường về giúp bà con. Đồng thời thông tin trên loa truyền thanh, niêm yết giá trên bảng tại cửa hàng, đại lý. Hoạt động của Trung tâm đã góp phần giúp các hộ đồng bào có đủ vật tư, hàng hóa để phát triển sản xuất, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, ép cấp ép giá trong vùng ĐBDTTS.

Có thể khẳng định, chính sách đầu tư ứng trước đã tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của ĐBDTTS, chuyển từ phương thức sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa có năng suất cao. Điều này khẳng định đây là chính sách hoàn toàn đúng đắn phù hợp với lòng dân, thực sự có hiệu quả, vừa là “đòn bẩy” vừa là “cú hích” kích thích sản xuất phát triển. Qua đó, góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi tập quán tự cung tự cấp trồng lúa rẫy có năng suất thấp sang sản xuất hàng hóa có năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

 THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vững mãi niềm tin với Đảng